Một tuyến đường giao thông tại Quảng Châu, Trung Quốc |
Giao thông Trung Quốc trước lệnh cấm
Nguyên nhân của lệnh cấm xe máy được dựa trên tỷ lệ vi phạm giao thông cao, mức độ phát thải lớn và số vụ tai nạn trên tổng số xe máy lưu thông đạt mức báo động. Bên cạnh đó, số lượng các vụ cướp giật có sử dụng xe máy làm phương tiện gây án chính đã khiến cho người dân và Chính quyền Trung Quốc có cái nhìn không thiện cảm đối với loại phương tiện này.
Với sự cơ động cao, chi phí mua và bảo dưỡng thấp, xe máy cũng là phương tiện được giới lao động thu nhập thấp ưa chuộng. Điều này được thể hiện qua sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp xe máy vào những năm 90. Tại Quảng Châu, xe máy có tỷ lệ tăng trưởng lên tới 20% vào năm 1995, tương đương với 400.000 phương tiện lưu thông hàng ngày, khiến cho các ngành dịch vụ và bán lẻ càng trở nên phụ thuộc vào xe máy.
Trước tình trạng trên, Chính quyền Trung ương và các thành phố lớn tại Trung Quốc đã chọn các biện pháp cấm xe máy và xe ba bánh làm chính sách lớn nhằm giảm thiểu tình trạng UTGT, tai nạn, đặc biệt là ô nhiễm môi trường - một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới chất lượng và khả năng sản xuất của người lao động.
Lệnh cấm xe máy đã được đưa vào áp dụng từ những năm 90 và chia làm nhiều giai đoạn. Tại Quảng Châu, sau khi áp dụng giai đoạn 1 vào tháng 12/1991, các xe máy biển số nội đô bị cấm di chuyển trong các quận trung tâm vào các giờ quy định và tiến đến quá trình cấm đăng ký xe mới vào năm 1995.
Trong giai đoạn 2000 - 2004, các phương tiện hai bánh và ba bánh có gắn động cơ bị cấm hoạt động hoàn toàn trong phạm vi thành phố. Lệnh cấm này có tác dụng tại khu vực thành phố, các tuyến đường ngoài thành phố xe máy vẫn được hoạt động. Giai đoạn 2 của chiến dịch cấm xe máy được áp dụng vào năm 2006, các phương tiện cơ giới hai bánh không được phép hoạt động trên Dongfeng - tuyến đường huyết mạch của TP. Quảng Châu. Lệnh cấm được thực thi hoàn toàn vào giai đoạn 3, các phương tiện cơ giới hai và ba bánh chính thức bị cấm hoàn toàn trong khu vực nội đô, bắt đầu từ cuối năm 2017.
Kết quả và bài học sau chính sách cấm xe máy
Một bãi tập kết xe máy thu hồi tại Quảng Châu, Trung Quốc |
Theo các báo cáo của Chính phủ Trung Quốc, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn đã có dấu hiệu cải thiện sau khi chính sách xe máy được áp dụng. Ngoài ra, số lượng các vụ phạm pháp liên quan đến xe máy đã giảm đáng kể, số lượng người sử dụng xe đạp và đi bộ thay thế cho xe máy cũng gia tăng 20% so với trước lệnh cấm.
Dựa trên các số liệu thu thập được sau khi lệnh cấm chính thức ban hành tại Quảng Châu vào năm 2007, có đến 20% lượng người sở hữu xe máy chuyển sang sử dụng xe hơi, khiến tình trạng UTGT ngắn hạn gia tăng. Ngoài ra, số lượng xe hơi gia tăng khiến cho tốc độ trung bình tham gia giao thông giảm xuống, trong đó tốc độ di chuyển của xe buýt bị giảm đáng kể. Các tuyến xe buýt ngắn được thành lập sau lệnh cấm cũng khiến cho mật độ xe tham gia giao thông tăng lên nhất thời.
Tuy nhiên, theo thống kê về tình hình giao thông vào năm 2018 (10 năm sau khi lệnh cấm xe máy được thực thi đầy đủ), các nhà nghiên cứu cũng không ghi nhận được sự cải thiện đối với chất lượng giao thông trên các thành phố lớn. Tại Bắc Kinh và Quảng Châu, tỷ lệ UTGT đã gia tăng thêm 7% và 8%, khiến cho hai thành phố này vẫn nằm trong Top 10 các thành phố tại châu Á có tình trạng giao thông tệ nhất.
Sự tác động của lệnh cấm xe máy cũng khiến cho một loạt ngành công nghiệp dịch vụ bị ảnh hưởng ban đầu, đặc biệt là dịch vụ vận chuyển nhỏ lẻ và các ngành dịch vụ ăn uống. Lệnh cấm xe máy cũng khiến cho cấu trúc xã hội tại các thành phố như Quảng Châu bị gián đoạn. Lực lượng lao động đông đảo tại thành phố này có những đặc điểm chung bao gồm mức thu nhập thấp, không có hộ khẩu thành phố và buộc phải dựa vào những chiếc xe máy có giá thành thấp làm phương tiện di chuyển chính.
Ngành công nghiệp chế tạo xe máy tại Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng lớn do chính sách cấm gây ra. Doanh số bán xe máy nội địa của Trung Quốc đạt mức cao khoảng 19 triệu chiếc trong năm 2009 và sau đó giảm 4 năm liên tiếp. Năm 2013, thị trường đã giảm 5,73% so với năm 2012 xuống còn 13,88 triệu chiếc, giảm 26,94% so với năm 2009. Ở các vùng nông thôn Trung Quốc, xe máy được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện chở khách và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, sự cải thiện mức sống và sự thu hẹp các đoạn đường cho phép lưu thông xe máy trong những năm gần đây đã dẫn đến việc thay thế xe máy bằng xe mi-ni và xe đạp điện (E-Bike).
Tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, sự trỗi dậy của E-Bike sau các lệnh cấm xe hai bánh có động cơ là điều không thể tránh khỏi. Các hãng sản xuất xe E-bike đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ nhằm lấp đầy thị phần do các lệnh cấm trên tạo ra. Cùng với sự ủng hộ của Chính phủ, một nguồn lực lớn bao gồm cả vốn đầu tư và các công trình nghiên cứu dành cho E-Bike đã được đổ vào các công ty này, khiến cho số lượng xe nhanh chóng gia tăng ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu như một phương tiện thân thiện môi trường và ít tiếng ồn. E-Bike đã nhanh chóng thay thế xe máy trên các đường phố lớn tại Trung Quốc.
Sau 10 năm thay thế xe máy làm phương tiện cá nhân chính tại Trung Quốc, E-Bike đang dần bộc lộ các điểm yếu lớn như tốc độ di chuyển chậm, chính sách quản lý nới lỏng khiến cho người dân bỏ qua các biện pháp bảo vệ an toàn và quy định giao thông như mũ bảo hiểm và di chuyển lấn làn của xe đạp. Bên cạnh đó, nguy cơ ô nhiễm từ E-Bike cũng gia tăng nhanh chóng do các kim loại như thủy ngân, chì và vô số các chất cấu tạo pin đang ngấm vào nguồn đất, nước…, tạo ra nguy cơ khủng hoảng môi trường mới. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tử vong do E-Bike đang gia tăng nhanh chóng cùng với sự phát triển của ngành sản xuất phương tiện này. Tình trạng trên đã khiến cho Chính quyền Trung Quốc phải tiến hành các biện pháp cấm xe E-Bike và một lần nữa giới trung lưu Trung Quốc phải chuyển sang sử dụng xe hơi làm phương tiện cá nhân chính tại các thành phố lớn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.