Tàu ngầm Type 035G của Trung Quốc. Ảnh: Sputnik |
Bangladesh - quốc gia láng giềng phía đông của Ấn Độ đã mua 2 tàu ngầm diesel-điện từ Trung Quốc trị giá 203 triệu USD. Sau khi đi vào biên chế năm 2017, chúng sẽ trở thành các tàu ngầm đầu tiên và duy nhất của Hải quân Bangladesh.
Theo đài Sputnik, vị trí địa lý là một trong những lý do đang làm dấy lên nhiều câu hỏi và suy đoán xung quanh thương vụ này của Bangladesh, vì đây là quốc gia gần như bị bao quanh hoàn toàn bởi lãnh thổ Ấn Độ, chỉ có một đoạn biên giới nhỏ giáp với Myanmar.
Một số chuyên gia quan sát của Ấn Độ cho rằng, thỏa thuận cung cấp tàu ngầm cho Bangladesh là một phần trong chính sách của Trung Quốc nhằm "bao vây" Ấn Độ.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin lại có suy nghĩ khác. Theo ông Kashin, 2 chiếc tàu ngầm mà Bangladesh đặt mua là phiên bản hiện đại hóa của Type 035. Chúng được chế tạo từ những năm 1970 và được xem là sản phẩm thất bại của Trung Quốc.
Sau khi hiện đại hóa, các tàu ngầm Type 035G được trang bị ngư lôi và trạm sonar mới, sao chép từ mẫu sonar của Pháp. Hải quân Trung Quốc đã sử dụng các tàu ngầm Type 035G để huấn luyện tác chiến trong giai đoạn 1999-2000.
Tàu ngầm Type 035G thử nghiệm trên biển trước khi được bàn giao cho Bangladesh.
Ông Kashin cho hay, Type 035G đã lỗi thời ngay từ khi được khởi đóng vào cuối những năm 1980. Đây là lý do buộc Trung Quốc sau đó phải mua 12 tàu ngầm từ Nga.
Nói về tình hình khu vực, ông Kashin nhận định: "So với thỏa thuận 8 tàu ngầm hiện đại S20 mà Trung Quốc định cung cấp cho Pakistan thì 2 tàu ngầm Type 035G của Bangladesh khó có thể tạo ra vấn đề lớn cho đối thủ tiềm năng của nước này".
Đáng chú ý, cuối tháng 10 năm nay, mạng Sina đăng tải hình ảnh cho thấy 2 tàu ngầm Type 035G của Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm trên biển trước khi bàn giao cho Hải quân Bangladesh. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất bài thử nghiệm, con tàu không tự chạy về bến cảng mà được tàu kéo đưa về, làm dấy lên nghi ngờ nó gặp sự cố trên biển.
Trước đây, tàu ngầm Type 035 từng xảy ra vụ tai nạn bí hiểm tại vịnh Bột Hải vào năm 2003, khiến toàn bộ 70 người đang có mặt trên tàu thiệt mạng.
Ngoài ra, tình trạng thiếu kinh nghiệm tác chiến của Hải quân Bangladesh và sự lỗi thời của 2 chiếc 035G càng khiến họ trở thành "mồi ngon" cho lực lượng Hải quân Ấn Độ hiện đại.
Vì vậy, ông Kashin cho rằng nguyên do khiến New Delhi không hài lòng không nằm ở riêng thỏa thuận cung cấp tàu ngầm này, mà ở việc Bangladesh đang tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự bằng vũ khí Trung Quốc. Ngoài tàu ngầm, Bangladesh còn mua các tàu hộ tống Type 056 của Bắc Kinh.
Theo vị chuyên gia, có nhiều báo cáo cho thấy Bangladesh còn mua khinh hạm Trung Quốc và nhiều hợp đồng đã được ký kết giữa 2 phía trong vài năm gần đây để cung cấp thiết bị quân sự cho lục quân và không quân Bangladesh.
"Nếu Bangladesh mua vũ khí với số lượng tương đương hoặc nhiều hơn từ các nhà cung cấp khác ngoài khu vực, chẳng hạn như Nga hay châu Âu, thì đã không gây ra phản ứng tiêu cực từ phía Ấn Độ" - ông Kashin nhận định.
Bên cạnh đó, theo ông Kashin, Bangladesh còn có mối quan hệ không mấy hữu hảo với quốc gia láng giềng Myanmar.
Cuộc xung đột sắc tộc liên quan đến dân số Hồi giáo tại Myanmar đã tạo ra một làn sóng người tị nạn lớn. Ngoài ra, Bangladesh và Myanmar từng có tranh chấp lãnh hải và việc này tới gần đây mới được giải quyết.
Cũng theo vị chuyên gia Nga, có thể Bangladesh quyết định mua tàu ngầm Trung Quốc để nâng cao thanh thế. Những năm gần đây, nhiều quốc gia ASEAN đã không ngại chi tiền mua tàu ngầm. Myanmar cũng từng có ý định sắm tàu ngầm nhưng phải hủy bỏ kế hoạch do thiếu ngân sách.
"Tuy nhiên, một số quốc gia ASEAN khác như Singapore, Indonesia đã thành lập được hạm đội tàu ngầm, hay như Thái Lan đang có kế hoạch sớm xây dựng cho mình một hạm đội riêng. Có lẽ, Bangladesh không muốn tụt lại quá xa so với các nước trong khu vực"- Vị chuyên gia kết luận.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.