Đây là một trong những giải pháp mạnh tay của Bộ GTVT để chấn chỉnh tình trạng thi công chậm tiến độ của các nhà thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Hai dự án đang chậm tiến độ
Trong báo cáo vừa đến Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, công tác giải phóng mặt bằng của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã cơ bản hoàn thành, hiện chỉ còn vướng 0,056/652,86km (chiếm 0,009%) do chưa bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành di dời.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đã có 1 dự án hoàn thành (Cao Bồ - Mai Sơn); 4 dự án thành phần dài 361,47km dự kiến hoàn thành năm 2022 (Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây).
4 dự án thành phần dài 148,39km dự kiến hoàn thành năm 2023 (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, cầu Mỹ Thuận 2). Còn lại, 2 dự án thành phần hoàn thành năm 2024 (Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo).
Về tình hình triển khai thi công, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, tổng khối lượng xây lắp hoàn thành các dự án đến đầu tháng 4/2022 đạt khoảng 18.886/56.709 tỷ đồng (đạt 33,3% giá trị hợp đồng), chậm khoảng 0,76% giá trị hợp đồng so với kế hoạch.
Trong 10 dự án đang triển khai thi công có 8 dự án cơ bản đáp ứng kế hoạch, còn 2 dự án chậm tiến độ (Diễn Châu - Bãi Vọt và Vĩnh Hảo - Phan Thiết). Cụ thể, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt (đầu tư theo hình thức PPP) sản lượng đạt 12,11%, chậm khoảng 6,49%.
“Bộ GTVT đã chỉ đạo nhà đầu tư khẩn trương kiện toàn bộ máy quản lý điều hành, tập trung bố trí nhân sự máy móc, thiết bị thi công; kiểm soát tiến độ thực hiện hàng tuần để bù đắp lại khối lượng đã bị chậm so với kế hoạch”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết.
Đối với dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết sản lượng đạt khoảng 30,3%, chậm khoảng 11,89% giá trị hợp đồng. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường và chủ quan từ nhà thầu trong việc tổ chức triển khai thi công. Bộ GTVT đã quyết liệt, tập trung chỉ đạo và các nhà thầu đã cam kết đến ngày 30/6/2022 sẽ đạt tổng sản lượng 50,8% hợp đồng, đáp ứng kế hoạch đề ra để hoàn thành dự án.
“Nếu vi phạm các cam kết nêu trên, Bộ GTVT sẽ thực hiện các biện pháp cắt chuyển khối lượng, bổ sung thầu phụ, chấm dứt hợp đồng, đồng thời sẽ xem xét không cho tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý”, văn bản của Bộ GTVT nêu rõ và cho biết, Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về nguồn vật liệu cho dự án.
Cảnh báo hai nhà thầu Tổng công ty Thăng Long, Cienco8
Theo nguồn tin của PV Tạp chí Giao thông, để chấn chỉnh tình trạng thi công chậm tiến độ ở cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, trong tháng 3 và đầu tháng 4/2022, Ban QLDA7 (đại diện chủ đầu tư) đã điều chuyển khối lượng thi công 16,5km ở tất cả các gói thầu. Trong đó, điều chuyển 2,5km của hai nhà thầu trong nội bộ liên danh và điều chuyển 14km khối lượng của các nhà thầu phụ, yêu cầu nhà thầu chính tự tổ chức thực hiện.
Cụ thể, tại gói thầu XL01, Ban QLDA7 đã cắt chuyển khối lượng của nhà thầu Công ty CP Xây dựng số 1 chuyển sang cho Công ty CP Đạt Phương; Gói thầu XL02, nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Cường Thịnh Thi bị cắt chuyển khối lượng cho nhà thầu Công ty CP Hải Đăng; Gói thầu XL04, cắt chuyển khối lượng của các nhà thầu phụ, yêu cầu nhà thầu chính thực hiện,…
“Ban QLDA7 sẽ tiếp tục theo dõi các nhà thầu Tổng Thăng Long, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8). Nếu hai nhà thầu này không tích cực triển khai thi công, Ban QLDA7 sẽ báo cáo Bộ GTVT cắt chuyển khối lượng chậm trễ”, đại diện Ban QLDA7 cho hay
Hiện cả 4 gói thầu xây lắp của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đều chậm tiến độ. Trong đó, gói thầu XL01 do liên danh Tổng công ty Thăng Long - Công ty CP Đạt Phương - Công ty TNHH Xây Dựng Tự Lập đảm nhiệm thi công hiện mới đạt sản lượng 668,54 tỷ đồng (đạt 44,7%), chậm 14,22%.
Gói thầu XL02 do liên danh Công ty CP Tập đoàn xây dựng Cường Thịnh Thi - Công ty TNHH Nhạc Sơn - Công ty CP Hải Đăng đạt sản lượng 224 tỷ đồng (đạt 28,1%), chậm 16,33%.
Gói thầu XL03 do liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (CIENCO8) đảm nhiệm thi công đạt 253 tỷ đồng (đạt 27,655), chậm 13,23%.
Tại gói thầu XL04, nhà thầu cũng thi công chậm tiến độ khoảng 11,64% khi mới đạt sản lượng 809,2 tỷ đồng (đạt 28,2%).
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.