Vụ tai nạn thảm khốc ngày 22/7 trước cửa Chùa Tứ Kỳ, Hoàng Mai, Hà Nội. |
Liên tiếp xảy ra tai nạn đường sắt
Theo thống kê của Uỷ ban ATGT Quốc gia, trong tháng 6 xảy ra 26 vụ TNGT đường sắt (tăng hơn 136% so với cùng kỳ năm 2014), làm 24 người chết (tăng hơn 166%) và 5 người bị thương (tăng 150%). Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, đường sắt xảy ra 112 vụ TNGT (tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2014), làm chết 100 người (tăng hơn 26%) và bị thương 29 người (tăng hơn 61%). Và chỉ trong nửa đầu tháng 7, theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn cả nước, các vụ TNGT đường sắt vẫn liên tục xảy ra, gây nhiều thiệt hại về người và của. Đặc biệt, hai ngày 1/7 và 6/7 đã xảy ra 2 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng.
Mới đây nhất, ngày 22/7, vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại đoạn đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt trước cửa Chùa Tứ Kỳ (Hoàng Mai, Hà Nội). Do bất cẩn quan sát, xe ôtô Nissan 7 chỗ va chạm mạnh với tàu hoả, khiến sườn bên trái xe ôtô bị đâm lún hẳn vào bên trong, toàn bộ cửa kính bên trái bị vỡ tung. Vụ tai nạn khiến 1 người phụ nữ tử vong tại chỗ, nhiều người khác được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Trọng Thái – Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cũng như các tỉnh thành phố triển khai rất nhiều biện pháp từ tuyên truyền đến tăng cường công tác quản lý, quản lý đường ngang ATGT đường sắt nhưng vi phạm TTATGT đường sắt vẫn diễn ra phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu thường là người tham gia giao thông vi phạm qui định về TTATGT khi vượt qua đường sắt, vi phạm hành lang ATGT đường sắt như đứng, ngồi, băng qua đường sắt và do sự bất cẩn của người dân.
Sớm xoá bỏ các đường ngang dân sinh
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, 90% TNGT đường sắt xảy ra trên các đoạn đường ngang dân sinh không có rào chắn. Số lượng đường ngang cả tự phát và không tự phát khoảng hơn 5.000 đường ngang. Trong đó có 4.000 đường ngang dân sinh rất dễ xảy ra TNGT nếu không chấp hành đúng qui định an toàn khi băng qua đường sắt.
Do đó, để giải quyết được tình trạng TNGT đường sắt gia tăng, ông Nguyễn Trọng Thái cho biết, trước mắt, ngành đường sắt cần nâng cấp hệ thống các đường ngang, rà soát vị trí, các điểm có nguy cơ gây tai nạn cao, khắc phục những nguyên nhân, cần nâng cấp lên thành những đường ngang có cảnh báo tự động hoặc là nâng lên thành đường ngang có người gác. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương cũng như các đơn vị quản lý đường sắt trong việc đảm bảo hành lang ATGT cũng như ngăn chặn cái tình trạng gia tăng đường ngang dân sinh. Và cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm ATGTđường sắt.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông khi vượt qua đường sắt, tăng cường công tác quản lý nhà nước và trật tự ATGT đường sắt. Đối với những điểm đen nên có người cảnh giới.
“Về giải pháp lâu dài, Bộ GTVT cần tiếp tục triển khai xây dựng dự án Luật đường sắt ( sửa đổi), triển khai quyết định số 994 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ và đường sắt đến năm 2020”, ông Thái cho biết thêm.
Theo ghi nhận của Tạp chí GTVT, nửa đầu tháng 7, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 12 vụ TNGT. Đặc biệt, vào ngày 1/7 xảy ra hai vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng. Sáng 1/7, tại Nghệ An đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt làm một người tử vong tại chỗ. Vụ tai nạn xảy ra tại km 308+900 trên đường sắt bắc - nam đoạn qua xóm 10 (xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).Nạn nhân được xác định là anh Nguyễn Quốc Hùng (37 tuổi, trú xóm 2, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc). Thông tin ban đầu cho biết, anh Hùng đỗ xe tải bên quốc lộ 1A, đi bộ qua đường sắt để vào nhà một người thân ở xóm 10 xã Nghi Trung. Bất ngờ, khi đang đi bộ qua đường sắt, anh Hùng bị tàu hàng mang số hiệu 232 chạy hướng TP.Vinh (Nghệ An) - Hà Nội đâm trúng. Anh Hùng bị đoàn tàu hất văng ra xa, tử vong tại chỗ. Đoàn tàu phải dừng lại gần 30 phút. Cùng ngày, tại địa phận thôn Đại Thủy, xã Trúc Lâm, huyện Tĩnh Gia, một chiếc ô tô nhãn hiệu Howo chạy qua đường ngang giao nhau với đường sắt. Dù thấy đầu máy chuyên dùng của ngành đường sắt đang chạy tới nhưng chiếc xe vẫn cố tình vượt đường ngang. Cú va chạm mạnh khiến chiếc xe bị húc văng vào vệ đường, hư hỏng nặng phần đầu, còn đầu máy bị lật nghiêng trên đường ray. Cả tài xế xe tải và nhân viên lái đầu máy đều bị thương nặng, được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tĩnh Gia. Vụ tai nạn khiến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt nhiều giờ. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.