Báo động tình trạng mất ATGT đường thủy trên sông Kinh Thầy

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
22/09/2018 09:07

Trong mùa bão lũ, tại ngã ba Kèo trên sông Kinh Thầy liên tiếp xảy ra TNGT đường thủy, chủ yếu do phương tiện va vào hệ thống kè, cọc thấp bị ngập hoàn toàn.

DSC02479 (Dao noi)
Trong mùa bão lũ, tại ngã ba Kèo trên sông Kinh Thầy liên tiếp xảy ra TNGT đường thủy, chủ yếu do phương tiện va vào hệ thống kè, cọc thấp bị ngập hoàn toàn.

“Điểm đen” TNGT đường thủy

Ngã ba Kèo (km 25+000) trên sông Kinh Thày (tỉnh Hải Dương) thời gian gần đây được coi như là một “điểm đen” ATGT đường thủy khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giữa phương tiện thủy nội địa và hệ thống kè cọc khung vây (công trình đường thủy – Dự án WB6).

Gần đây nhất, vào hồi 16h50 ngày 12/8, tại “điểm đen” này đã xảy ra vụ TNGT đường thủy làm phương tiện PT-2168 bị đắm, gây ảnh hưởng đến giao thông tại khu vực. Quá trình điều tra nguyên nhân vụ tai nạn cho thấy, phương tiện PT-2168 đã vi phạm quy tắc giao thông và va chạm với phương tiện HP-4754.

Trước đó, vào ngày 20/7, phương tiện thủy mang số hiệu NĐ-1872 lao vào khu vực kè cọc vây. Vụ tai nạn khiến 2/3 chiều dài phương tiện nằm treo trên hệ thống kè cọc vây đảo nổi, ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu công trình kè tại khu vực.

Cũng trong tháng 7, 1 phương tiện thủy đã đâm va làm gãy, đổ 2 đoạn kè khung vây khu đảo thuộc Dự án WB6. Hiện trên tuyến, kè cọc vây bằng bê tông cốt thép có 2 đoạn kè cọc khung vây bị gãy, vỡ, đổ xuống sông. Cụ thể, đoạn thứ nhất nằm ở phía bờ phải của khu đảo theo hướng từ thượng lưu về hạ lưu có chiều dài gãy, đổ, vỡ khoảng 5m có 1 phần đã chìm xuống sông; đoạn thứ 2 nằm ở phía bờ trái của khu đảo theo hướng từ thượng lưu về hạ lưu có chiều dài gãy, đổ khoảng 6m, một phần đã chìm xuống sông.

Tương tự,  tháng 10 năm 2017, phương tiện va vào đoạn kè cọc khung vây làm đổ 2 đoạn dài 5m và 1 đoạn dài 7m.

z1041776057741_42a13154c109120b7b7d4d94ed1b0383
Hệ thống kè cọc khung vây bị thiệt hại sau va chạm với phương tiện.

Trao đổi với chúng tôi, thuyền trưởng Lê H.M ở Phú Thọ chia sẻ: “Mỗi khi lưu thông qua tuyến sông này, tôi phải hết sức cẩn thận, tại vì khu vực này dòng nước xiên, lại rất xiết, chưa kể là còn có hệ thống kè cọc chìm dưới nước. Nhiều vụ tai nạn xảy ra đa phần là do người lái không quen địa hình nên khó có thể điều khiển phương tiện tránh kè cọc”.

Ngã ba Kèo là khu vực giao cắt giữa sông Kinh Thầy và sông Kinh Môn, cách ngã ba Kèo khoảng 200m về phía thượng lưu. Đây là kênh tắt do thực hiện Dự án WB6 nên tạo thêm 2 ngã ba và đảo nổi tại khu vực. Cách ngã ba Kèo khoảng 500m về phía hạ lưu sông Kinh Thầy là khu vực đang thi công xây dựng cảng Nhà máy nhiệt điện Hải Dương.

Cần có giải pháp hữu hiệu

Theo thống kê của Công ty cổ phần Quản lý Bảo trì ĐTNĐ số 7, lưu lượng phương tiện vận tải qua khu vực ngã ba Kèo khá lớn, trung bình từ 250 đến 270 phương tiện/ngày đêm. Tại đây có nhiều chủng loại phương tiện lưu thông, trong đó, phần lớn là các đoàn phương tiện lai dắt có trọng tải đến 2.400 tấn và phương tiện tự hành có trọng tải lớn từ 500 đến hơn 1.000 tấn thường xuyên hoạt động trên tuyến. Luồng chạy tàu qua kênh tắt cong cua, hạn chế tầm nhìn, đặc biệt là trong mùa mưa, lũ và ban đêm. Hơn nữa, hai bên phía bờ là hệ thống kè bờ và kè cọc.

Tại ngã ba Kèo trên sông Kinh Thầy, phía bờ kênh tắt xung quanh đảo nổi đã kè mái có chân khay bảo vệ bờ, phía bờ còn lại (hướng luồng đi sông Kinh Môn) được đóng cọc vây bằng bê tông cốt thép (cao độ đỉnh kè +1.5), khi mực nước lên cao, toàn bộ hệ thống kè cọc vây này ngập hoàn toàn. Tại phía bờ phải có hệ thống gồm 5 kè mỏ hàn bằng đá hộc (cao độ đầu kè +1.30).

Vào mùa lũ, bão hoặc khi thủy triều lên cao vào mùa kiệt, do cao trình hệ thống cọc vây xung quanh đảo nổi và 5 kè mỏ hàn thấp nên thường xuyên bị ngập, lưu tốc dòng chảy qua khu vực lớn, dòng nước xiên, xiết nên các phương tiện thủy lưu thông tại khu vực này rất dễ đâm và vào hệ thồng kè, tường vây cọc bê tông cốt thép làm hư hại công trình đường thủy và xảy ra TNGT đường thủy.

z1034890144979_3e69b9f3d0cc6d4807400f27eb79451d
Vào mùa lũ, bão hoặc khi thủy triều lên cao vào mùa kiệt, do cao trình hệ thống cọc vây xung quanh đảo nổi và 5 kè mỏ hàn thấp nên thường xuyên bị ngập hoàn toàn.

Thuyền trưởng Đỗ V.P bày tỏ sự lo lắng khi chẳng may phương tiện của mình gặp nạn. “Cũng do được anh em lái tàu hay đi qua khu vực này cảnh báo nên tôi chưa xảy ra chuyện gì. Trên thực tế, các phương tiện tránh nhau ở vùng nước này đã khó, lại thêm kè, cọc thì càng khó hơn. Tôi cho rằng cần phải có những cảnh báo tại khu vực để những phương tiện khác có thể nắm bắt được và tránh những rủi ro”, Thuyền trưởng V.P chia sẻ.

Là người trực tiếp có mặt tại hiện trường ứng cứu và khắc phục hậu quả các vụ tai nạn vừa qua, ông Vũ Cao Khải – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quản lý Bảo trì ĐTNĐ số 7 cho biết, nguyên nhân của các vụ tai nạn vừa qua đều do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện không tuân thủ các quy định, quy tắc về ATGT. Tuy nhiên, đây là khu vực có đặc thù, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, trong khi đó, hệ thống cảnh báo, hướng dẫn, điều tiết phương tiện tại khu vực này rất hạn chế.

“Theo các quy định hiện hành thì ngã ba Kèo được xác định là một điểm đen TNGT đường thủy. Việc cơ quan chức năng cần có những giải pháp khắc phục và ngăn chặn sớm, để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra là rất cần thiết”, ông Vũ Cao Khải nhấn mạnh.

DSC02525 (Ke bo trai)
Hệ thống kè phía bờ trái sông Kinh Thầy. Tại ngã ba Kèo có dòng nước xiên, xiết, lưu tốc lớn nên phương tiện tránh nhau ở vùng nước này vốn đã khó, lại thêm hệ thống kè, cọc thì càng tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Thiết nghĩ, với việc liên tiếp xảy ra 4 vụ tai nạn chỉ trong chưa đầy 1 năm, khu vực ngã ba Kèo thực sự là một "điểm đen" TNGT gây thiệt hại lớn về phương tiện, tài sản. Do vậy, việc cần bố trí trạm điều tiết khống chế kết hợp chống va trôi trong mùa lũ, bão tại khu vực này là giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm ngăn chặn và hạn chế tối đa nguy cơ tiềm ẩn xảy ra TNGT đường thủy.

Ý kiến của bạn

Bình luận