Bảo hiểm chậm, hủy chuyến bay: 'Tôi mua một lần rồi không mua nữa'

Ý kiến 06/07/2019 19:24

Chị Nguyễn Ngọc Huyền Trang - nhân viên của một công ty tại TP.HCM - cho biết thường xuyên đi công tác và đã từng mua bảo hiểm chậm, hủy chuyến một lần, rồi không mua nữa. Chị đúc kết: "Khó ăn".

 

chuyen-bay-15623758768021641307295
Hành khách bên bảng thông báo chuyến bay bị trễ chuyến tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không ít khách hàng chưa hài lòng với bảo hiểm chậm, hủy chuyến bay, kỳ vọng loại hình này sẽ đơn giản và thuận lợi hơn nữa. Một trong những lý do khiến khách hàng thấy phiền nhất là bồi thường chậm.

Quy định khác nhau, chưa thuận tiện

Chị Nguyễn Ngọc Huyền Trang - nhân viên của một công ty tại TP.HCM - cho biết thường xuyên đi công tác và đã từng mua bảo hiểm chậm, hủy chuyến một lần, rồi không mua nữa. Chị đúc kết: "Khó ăn". 

Đồng thời, việc mua bảo hiểm delay không được tích hợp trên website của hãng bay, buộc hành khách phải tải app đăng ký, điền thông tin khá tốn thời gian.

Để được hưởng bảo hiểm, hiện với không ít khách hàng vẫn không thật dễ hiểu, thuận tiện. Đầu tiên là cách tính bồi thường, với bảo hiểm của INSO, việc bồi thường không căn cứ vào thời gian thông báo trễ chuyến của hãng so với lịch bay dự kiến mà căn cứ vào giờ hạ cánh. Điều này được xác định lần cuối 6 tiếng trước giờ bay dự kiến theo cập nhật từ hãng hàng không.

Trong khi đó, bảo hiểm delay của VietinBank qua ứng dụng VBI UP có cách tính căn cứ vào thời gian cất cánh trễ so với thời gian khởi hành theo lịch trình trong thời hạn bảo hiểm.

Bồi thường còn chậm

Tại Công ty bảo hiểm VietinBank (VBI) tại Q.3, TP.HCM, tới lầu 5, chị Th. (nhân viên kinh doanh) hướng dẫn chúng tôi tải và sử dụng ứng dụng có tính năng mua bảo hiểm trễ chuyến. Nhiều quyền lợi được quảng cáo trên website: bồi thường nhanh chóng trong 5 phút, khách được mua bảo hiểm bất cứ khi nào, ngay cả khi có thông báo trễ chuyến...

Tuy nhiên, chị Th. thành thật chia sẻ thực tế có thể khác, tùy trường hợp. Như bản thân chị mua gói bảo hiểm trên, khi trễ chuyến, khoảng một tuần sau mới được bồi thường. Chị Th. công nhận "cái này cũng mới nên có vướng mắc một số vấn đề về bồi thường".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đặng Thị Ngọc Duyên (trưởng phòng phát triển đối tác của VBI, phụ trách phát triển bảo hiểm trễ chuyến bay) cho hay đơn vị đang áp dụng bồi thường trong 5 phút, nhưng một số trường hợp phát sinh thì lâu hơn. 

Bà Duyên khẳng định khách hàng cần mua trước 6 tiếng theo giờ thực tế máy bay cất cánh, giờ này có thể là giờ đã điều chỉnh. Ví dụ hôm nay trễ chuyến bay đến 1 ngày hôm sau, khi có thông báo trễ rồi vẫn được tiếp tục mua. Bảo hiểm này áp dụng với đường bay nội địa và quốc tế có điểm đi hoặc đến là Việt Nam.

Bà Ngọc Duyên chia sẻ lý do căn bản khiến thị trường bảo hiểm trễ chuyến bay ở VN còn "rón rén" là tình hình trễ chuyến với một số hãng khá cao. Ở nước ngoài, hệ thống dữ liệu của hãng hàng không rất chuẩn. Để tính toán thời gian trễ chuyến phải dùng công nghệ, nhưng để có dữ liệu chuẩn của hãng hàng không ở Việt Nam không đơn giản.

Theo các chuyên gia, để đảm bảo việc bồi thường trễ chuyến, khách hàng nên chụp hoặc giữ lại cuống vé máy bay để đối chiếu. Hiện nay, khách hàng có thể mua bảo hiểm trễ chuyến tại các đại lý bán vé máy bay, công ty du lịch, đặt trên website hoặc trên ứng dụng tải xuống điện thoại di động.

Ý kiến của bạn

Bình luận