Cháy xe điện chỉ là chủ đề "câu view"
Theo chuyên trang công nghệ Clean Technica, trong một ngày hè năm 2023, một ngọn lửa đã nhấn chìm bãi đậu xe ở sân bay Luton tại Anh. Trên mạng xã hội, nhiều người nhanh chóng đổ lỗi cho một chiếc xe điện (EV) ở đó. Tuy nhiên, cơ quan cứu hỏa địa phương sau đó xác nhận vụ cháy bắt nguồn từ chiếc xe chạy bằng động cơ diesel.
Đây không phải lần đầu tiên mạng xã hội hay phương tiện truyền thông lan truyền quan niệm sai lầm cho rằng xe điện dễ cháy hơn xe xăng. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy xe điện an toàn hơn nhiều so với xe động cơ đốt trong (ICE) nếu xét đến nguy cơ cháy nổ.
Một nguyên nhân lý giải hiện tượng trên là việc công nghệ xe điện còn tương đối mới mẻ nên nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Cũng vì thế, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông dành sự chú ý lớn hơn cho xe điện.
"Dữ liệu cho thấy xe điện ít có khả năng bốc cháy hơn xe động cơ đốt trong", nhà báo Carolyn Fortuna viết trên Clean Technica. "Chỉ có điều, nếu bây giờ giật tít 'Thêm một chiếc xe SUV chạy xăng phát nổ trên cao tốc' hay 'Chiếc sedan của bạn đối mặt rủi ro cháy nổ' thì chẳng có gì thu hút cả", bà phân tích.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mức độ an toàn cháy nổ vượt trội của công nghệ xe điện so với xe xăng.
Tại Mỹ, theo một nghiên cứu năm 2023 trích dẫn dữ liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Cục Thống kê Giao thông Vận tải Mỹ, xe chạy xăng gây ra khoảng 1.530 vụ cháy trên mỗi 100.000 chiếc xe được bán ra. Trong khi đó, ở xe thuần điện, con số này là 25 vụ, ít hơn xe xăng tới 60 lần.
"Các phương tiện truyền thông có sự đối xử không bình đẳng với xe điện và xe xăng, vì xăng không còn là vấn đề giật gân nữa", Paul A. Kohl, Giáo sư Trường Kỹ thuật Hóa học và Phân tử Sinh học thuộc Viện Công nghệ Georgia (Mỹ), nói với tạp chí kỹ thuật IEEE Spectrum (Mỹ).
Ở Thụy Điển, nơi xe thuần điện và xe hybrid đã chiếm 40% số ô tô mới được bán ra, dữ liệu về độ an toàn của xe điện cũng cho kết quả tương tự.
Theo dữ liệu gần nhất của MSB, Cơ quan quản lý khẩn cấp và bảo vệ dân sự của Thụy Điển, tổng số vụ cháy xe điện ở nước này là 24 vụ, chiếm 0,004% số xe chạy pin. Trong khi đó, đối với ô tô chạy bằng nhiên liệu xăng hoặc dầu diesel, tỷ lệ cháy là 0,08%, gấp 20 lần.
Trong bài viết hồi tháng 2/2024, chuyên trang ô tô nổi tiếng Top Gear cũng cho biết cho tới nay EV FireSafe, tổ chức được Bộ Quốc phòng Australia tài trợ, mới chỉ xác thực được chưa đến 500 vụ cháy pin xe điện trong tổng số 20 triệu chiếc xe điện trên toàn thế giới. Tỷ lệ này thấp hơn 80 lần so với số vụ cháy do xe xăng.
Nỗi lo về nguy cơ của xe điện phần nhiều do thiếu kiến thức
Một phần nỗi lo xung quanh các vụ cháy pin xe điện xuất phát từ quan niệm rằng đám cháy do xe điện gây ra khó dập hơn so với xe xăng. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vấn đề mấu chốt chỉ là việc thiếu kiến thức để xử lý các vụ cháy liên quan tới xe điện.
Tạp chí IEEE Spectrum chỉ ra, hiện chỉ có khoảng một nửa trong số 1,2 triệu lính cứu hỏa Mỹ đã được đào tạo chữa cháy xe điện, theo Hiệp hội phòng cháy chữa cháy quốc gia Mỹ (NFPA).
"Đội ngũ lính cứu hỏa đã có 100 năm đào tạo và nắm bắt cách xử lý các vụ cháy động cơ đốt trong", ông Andrew Klock, quản lý cấp cao thuộc NFPA, nói với Vox. "Tuy nhiên, với xe điện, họ chưa được đào tạo và trang bị kiến thức nhiều như thế", ông giải thích.
Nhưng quy trình dập tắt đám cháy xe điện sẽ được lực lượng phòng cháy chữa cháy hoàn thiện theo thời gian. Chẳng hạn, ông Per-Ola Malmqvist, chuyên gia về pin của MSB đã nghiên cứu các phương tiện và kỹ thuật có thể dập tắt đám cháy pin xe điện dữ dội trong 10 phút chỉ bằng 750 lít nước.
Giới chuyên môn cho rằng, xu hướng toàn cầu vẫn là chuyển dịch từ xe động cơ đốt trong sang xe điện. Lợi ích của xe điện như giảm phát thải và chi phí vận hành là rất rõ ràng và vượt xa băn khoăn về rủi ro cháy xe, vốn có tỷ lệ rất thấp so với xe xăng.
Khi ngày càng có nhiều người chuyển sang sử dụng xe điện, công nghệ pin sẽ ngày càng được cải thiện. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng xử lý cháy xe điện cũng sẽ phát triển, từ đó giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.