Mặc dù thành công ở quê nhà song hãng xe điện Trung Quốc BYD đang gặp thách thức khi mở rộng ra nước ngoài. Nguyên nhân đến từ nhiều vấn đề khác nhau, từ chất lượng đến nhu cầu thị trường yếu, giá bán quá cao và cả những căng thẳng nội bộ về chiến lược kinh doanh. Theo Wall Street Journal, ô tô điện BYD bị nấm mốc nội thất và hàng nghìn xe đang chất đống trong các kho hàng ở châu Âu.
Trong thực tế, BYD đã thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện tăng trưởng chóng mặt, nhưng chủ yếu là ở thị trường quê nhà. Tại Trung Quốc, BYD là nhà sản xuất ô tô số 1 tính theo tổng doanh số bán hàng.
Nhưng trên thế giới, các giám đốc điều hành cho biết công ty khó có thể đạt mục tiêu bán được 400.000 xe bên ngoài Trung Quốc trong năm nay, so với 242.765 chiếc được bán ra vào năm ngoái. BYD đang kỳ vọng sẽ là hãng xe nối bước các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc, xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Công ty được tỷ phú Warren Buffett hậu thuẫn đang xây dựng từ một nền tảng vững chắc, kiếm được số tiền tương đương khoảng 4 tỷ USD vào năm 2023, gần gấp đôi con số của năm trước. Vốn hóa thị trường của hãng đã giảm hơn 1/5 kể từ mùa hè năm ngoái do lo ngại về tốc độ tăng trưởng xe điện đang chậm lại nhưng vẫn ở mức trên 70 tỷ USD, nhiều hơn cả Ford Motor hay General Motors.
Trước BYD, nhiều hãng xe đã thấm thía những bài học khi ra nước ngoài. Năm 1991, hãng xe Hyundai của Hàn Quốc đã phải triệu hồi gần như toàn bộ mẫu xe Excel đời 1986 - 89 được bán ở Mỹ, mẫu xe được người Mỹ ưa chuộng nhất vào thời điểm đó, do trục trặc động cơ có thể dẫn đến cháy nổ. Huyndai phải nâng cấp bảo hành để thu phục người tiêu dùng và sau đó xếp hạng chất lượng của hãng đã được cải thiện.
BYD hiện cũng đang phải đối mặt với các sự cố ảnh hưởng đến cả xe chở khách và xe thương mại. Vào tháng 1/2024, một chiếc xe buýt BYD ở London bốc cháy, chính quyền Vương quốc Anh đã phải thu hồi gần 2.000 xe buýt. Các nhà chức trách cho rằng hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí của xe có vấn đề, có thể dẫn đến hỏa hoạn.
Việc triệu hồi và sửa chữa sản phẩm lỗi sau khi bán ra là điều phổ biến trong ngành ô tô, nhưng nội bộ BYD lo ngại các mẫu xe BYD thường yêu cầu sửa chữa toàn diện hơn, và điều bị xem là do công ty thiếu kinh nghiệm xử lý hậu cần đường dài.
Gần đây, BYD cũng đối mặt với sự cố tại Nhật Bản khi các mẫu xe xuất xưởng và bị móp méo, trầy xước, nhiều bộ phận cần thay thế mới đáp ứng được tiêu chuẩn địa phương, trong khi ở châu Âu, một số xe BYD lại bị nấm mốc nội thất. Vấn đề không phải là sự tồn tại của nấm mốc, loại nấm thường phát triển trong ô tô được vận chuyển trên quãng đường dài, mà là lo ngại các phương tiện này không được xử lý chuyên nghiệp bằng quy trình ion hóa để loại bỏ hoàn toàn bào tử.
Tại Thái Lan, chất lượng xe điện BYD cũng đối mặt với nhiều khiếu nại do bong tróc sơn và nhựa. Trong khi tại Israel, nơi doanh số bán xe điện rất cao, xe BYD bị tố cong vênh do sức nặng của giá nóc. Một giám đốc điều hành của BYD mô tả việc khách hàng nước ngoài đón nhận xe BYD giống như việc "đến một nhà hàng đẳng cấp nhưng phát hiện đĩa thức ăn bị sứt mẻ".
Các mục tiêu bán hàng toàn cầu của BYD là do các nhà lãnh đạo hàng đầu ở Trung Quốc đưa ra và được chia nhỏ theo khu vực, sau đó chuyển đến các giám đốc kinh doanh địa phương. Họ thường không tính đến tình hình của từng thị trường.
Điều này dẫn đến những tranh cãi và mâu thuẫn nội bộ. Một giám đốc điều hành của BYD ở Châu Âu đã đặt câu hỏi về tính khả thi của các kế hoạch và cho biết mục tiêu tại Châu Âu không thể đạt được do các vấn đề như sức mua yếu, chất lượng xe phải sửa chữa quá nhiều.
Xe điện BYD ở nước ngoài có giá cao hơn rất nhiều so với ở Trung Quốc, điều này làm giảm khả năng cạnh tranh về giá của công ty với các thương hiệu nổi tiếng hơn. Lấy ví dụ mẫu xe xuất khẩu hàng đầu của BYD là Atto 3 có giá hơn 41.000 USD tại Đức, thị trường lớn nhất châu Âu. Nhưng chiếc xe BYD tương tự được bán với giá chưa đến 20.000 USD ở Trung Quốc.
Tính đến cuối năm ngoái, hơn 10.000 xe khách BYD đang tồn kho ở châu Âu, giấy chứng nhận cho phép bán ở Liên minh châu Âu sẽ sớm hết hạn, có nghĩa là hơn 10.000 xe này có thể không còn được phép bán ở châu Âu.
Theo các chuyên gia, thành công hay thất bại cuối cùng của BYD ở châu Âu nói riêng và các thị trường nước ngoài nói chung phụ thuộc vào hai câu hỏi. Thứ nhất, BYD có thể thuyết phục khách hàng vượt qua sự dè dặt khi mua hàng của một thương hiệu ô tô Trung Quốc không? Và thứ hai, BYD có thể mang lại giá trị vượt trội cho người tiêu dùng xe điện tiềm năng so với các đối thủ cạnh tranh không?
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.