Bất cập đơn giá, định mức xây dựng giao thông: Cách nào khắc phục ?

Tiêu điểm tháng 19/05/2022 15:50

Ngành GTVT đang triển khai hàng loạt công trình, dự án trọng điểm quốc gia như: cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Cảng HKQT Long Thành, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2… Tuy nhiên, đơn giá, định mức áp dụng cho công trình giao thông đang tồn tại nhiều bất cập, nếu không được tháo gỡ sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và chất lượng của các dự án. PV Tạp chí GTVT đã trao đổi với các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, đại diện doanh nghiệp về vấn đề này.

 

Thi công cầu Vĩnh Tuy 2, TP. Hà Nội

Thi công cầu Vĩnh Tuy 2, TP. Hà Nội

Bộ GTVT đã kiến nghị hàng loạt giải pháp tháo gỡ

Đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT)

 Vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về các đề xuất giải pháp khắc phục bất cập liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, giá vật liệu xây dựng và hợp đồng xây dựng.

Cụ thể, đối với việc thực hiện Nghị quyết 60 ngày 16/6/2021 và Nghị quyết 133 ngày 19/10/2021 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến  Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về vật liệu xây dựng, một số nhà thầu, nhà đầu tư đã được cấp giấy phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng để cung cấp vật liệu cho dự án. Tuy nhiên, các dự  án này áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu nên việc thanh toán các hạng mục xây dựng phải theo đơn giá hợp đồng đã ký,vì vậy, các dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh giá. Do đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng trong trường hợp nhà thầu được chỉ định mỏ vật liệu xây dựng đối với gói thầu thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu.

Về định mức xây dựng đặc thù của chuyên ngành, tại khoản 6, Điều 20 Nghị định 10 ngày 09/02/2021 của Chính  phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định rõ: “Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng, ban hành định mức xây dựng sử dụng chung trong phạm vi cả nước. Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức xây dựng, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành”.

Việc ban hành định mức xây dựng cần được khảo sát, xây dựng trong quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng và có thời gian tổng kết đánh giá quá trình áp dụng, đảm bảo tiêu chí áp dụng chung cho các điều kiện thi công. Tuy nhiên, các định mức chuyên ngành đặc thù, tập trung ở các dự án đường sắt, hàng hải, hàng không..., chưa có nhiều dự án triển khai để tiến hành khảo sát xây dựng định mức nên không đảm bảo được thời hạn theo Điều 22, Nghị định 10/2021 (trước ngày 31/12/2021).

Do vậy, để có công cụ lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình giao thông khi các định mức đã được xây dựng tại một số dự án nhưng chưa được Bộ Xây dựng ban hành, Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng thống nhất, hướng dẫn để Bộ GTVT ban  hành tạm thời định mức kịp thời áp dụng ngay tại các dự án đang chuẩn bị triển khai thực hiện.

Đối với định mức chi phí QLDA, công trình giao thông với đặc điểm trải dài qua nhiều địa phương, thời gian thi công kéo dài và phải triển khai nhiều thủ tục với các địa phương, gồm nhiều loại hình đường bộ, đường sắt, đường hàng không,  đường thủy, bến cảng, trong đó có nhiều công trình lớn, sử dụng kết cấu mới, độ phức tạp cao, như: cầu dây văng, cầu dây võng, cầu vòm, hầm, nút giao khác mức... Tuy nhiên, định mức chi phí QLDA công trình giao thông chỉ bằng 88% so với công trình dân dụng, 85% so với công trình công nghiệp, 93% so với công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đồng thời, định mức chi phí thiết kế, tư vấn giám sát cũng thấp hơn rất nhiều so với các loại công trình khác.

Công nhân và phương tiện thi công khoan hầm Thung Thi trên cao tốc Mai Sơn - QL45

Công nhân và phương tiện thi công khoan hầm Thung Thi trên cao tốc Mai Sơn - QL45

Do đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh định mức chi phí QLDA, chi phí tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát cho phù hợp với đặc thù của công trình giao thông và hướng dẫn về việc ban hành định mức đối với các định mức xây dựng mới.

Về việc biến động giá vật liệu, theo quy định, giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng do địa phương công bố là cơ sở để lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng để điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng. Trong giai đoạn có nhiều biến động như thời gian vừa qua, một số vật liệu có mức tăng giá trên 20% như: xi măng, đá các loại, nhựa đường..., đặc biệt có những vật liệu tăng giá 80 - 90% (thép, nhiên liệu). Với tỷ trọng giá nhiên liệu và vật liệu chính trong giá gói thầu chiếm khoảng 30 - 50%, cộng thêm tình hình biến động giá từ cuối năm 2020, đầu năm 2021 đến nay thì tỷ lệ trượt giá của các gói thầu xây lắp thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam khi sử dụng chỉ số giá của các địa phương công bố không phản ánh được thực tế biến động giá. Do giá vật liệu tăng cao, nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Để điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng đảm bảo bù đắp chi phí trượt giá khi triển khai thực hiện dự án, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc xác định, công bố giá vật liệu, chỉ số giá xây dựng kịp thời, chính xác, phù hợp giá cả và biến động thực tế của thị trường. Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, đề nghị địa phương khảo sát, xây dựng và công bố giá vật liệu, chỉ số giá riêng cho dự án.

Đối với Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương nơi có dự án đi qua về việc xây dựng, công bố giá các loại vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi...) đến chân công trình cho từng gói thầu, dự án thành phần, bao gồm vật liệu xây dựng tại các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng hàng tháng để áp dụng riêng cho các gói thầu, dự án thành phần theo Nghị quyết 18 ngày 11/02/2022 của Chính phủ.

 Định mức làm đường cao tốc phải khác với đường thông thường

 

Ông Nguyễn Hữu Tới, Phó Tổng Giám đốc Vinaconex

Ông Nguyễn Hữu Tới, Phó Tổng Giám đốc Vinaconex

Tôi cho rằng, để giải quyết những vướng mắc nổi cộm trước khi triển khai xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 thì có 3 vấn đề chính cần được tháo gỡ. Đầu tiên là đơn giá định mức của Bộ Xây dựng cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Bởi, việc xây dựng đường cao tốc hoàn toàn khác so với xây dựng đường giao thông thông thường nên đơn giá, định mức cũng phải khác.

Hiện nay, đơn giá tại nhiều địa phương tính theo bình quân trong tỉnh, trong khi xây đường cao tốc có đặc thù đòi hỏi chất lượng cao hơn, không thể tính theo đơn giá bình quân của các loại đường giao thông thông thường.

Làm đường cao tốc bây giờ buộc phải dùng máy móc tốt, công suất lớn, không thể dùng các loại máy móc, thiết bị thông thường. Có những đoạn tuyến đưa máy lu nền đường thông thường vào làm mãi vẫn không thể đạt được độ đầm chặt theo yêu cầu. Vì thế, cứ áp đơn giá, định mức các loại máy móc, thiết bị nhỏ để làm cao tốc thì không thể đảm bảo chất lượng.

Thứ hai, bất cập về nguồn cung cấp vật liệu cấp thiết phải giải quyết ngay, đặc biệt là phải quy hoạch đúng mỏ, đúng chất lượng vật liệu để đảm bảo khối lượng khi triển khai thi công không bị thiếu hụt trầm trọng. Vừa qua, nhiều nơi có mỏ đất nhưng khi thí nghiệm thì không đạt tiêu chuẩn. Đất làm cao tốc yêu cầu chất lượng rất cao nên có những mỏ chỉ lấy được một góc đạt tiêu chuẩn, còn lại không đảm bảo.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Việc chọn lọc đất trong một mỏ cũng khiến đơn giá đất tăng rất cao.  Chẳng hạn tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, nhiều lúc phải khai thác cách xa 45 - 50 km khiến chi phí vận chuyển từ mỏ đến công trường bị đội lên cao. Tương tự, việc sử dụng đá có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn đường cao tốc đòi hỏi phải sử dụng máy móc chuyên dụng để xay, sàng. Tất cả đều làm cho chi phí tăng cao.

Thứ ba là việc áp dụng các công nghệ mới. Chúng ta không thể cứ hô hào áp dụng khoa học hiện đại, đưa công nghệ mới vào thi công trong khi vẫn áp đơn giá, định mức cũ. Không có ai đầu tư máy móc, thiết bị chất lượng cao để đi làm với đơn giá của chất lượng thấp. Ứng dụng công nghệ mới thì đơn giá, định mức phải theo công nghệ mới, còn cứ áp dụng đơn giá, định mức cũ thì mãi mãi không thể ứng dụng công nghệ mới được.

 Cần nâng định mức chi phí QLDA công trình giao thông

Ông Nguyễn Trung Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật Thẩm định (Ban QLDA Thăng Long)

Ông Nguyễn Trung Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật Thẩm định (Ban QLDA Thăng Long)

Để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc, chúng tôi đã kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh tăng định mức chi phí QLDA công trình giao thông tối thiểu tương đương với định mức chi phí QLDA công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (có tính chất tương đồng với công trình giao thông). Ngoài ra, đối với các dự án công trình giao thông trải dài theo tuyến trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên hoặc dự án gồm nhiều công trình riêng biệt được xây dựng trên địa bàn nhiều tỉnh khác nhau thì cần tăng hệ số K, có thể tăng từ 1,1 lên 1,2. Sau khi nhân hệ số thì tỷ lệ % tương đương công trình công nghiệp và dân dụng.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cần điều chỉnh tăng định mức tư vấn giám sát các công trình giao thông, hoặc có các hệ số điều chỉnh khi làm việc trong điều kiện phạm vi công trình trải dài. Ngoài ra, chúng tôi đã kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh quy định định mức chi phí thiết kế công trình giao thông xác định theo tỷ lệ % chi phí xây dựng (theo dự toán) cho từng gói thầu và điều chỉnh hệ số điều chỉnh chi phí thiết kế các hạng mục điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Cần thực hiện giải pháp tổng thể để khắc phục bất cập

Ông Võ Hoàng Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Nghiên cứu phát triển (TEDI)

Ông Võ Hoàng Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Nghiên cứu phát triển (TEDI)

Để hoàn thiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, TEDI đã kiến nghị, đề xuất Bộ Xây dựng ưu tiên tập trung điều chỉnh các định mức bất cập có ảnh hưởng lớn đến chi phí xây dựng; xây dựng mới các định mức mang tính cấp thiết chưa có trong hệ thống định mức (như: khai thác chế biến đất, đá...), các định mức cho các kết cấu đặc biệt (như: cầu dây văng, dây võng, công trình đường sắt...).

Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục thu thập, nghiên cứu, phân tích phương pháp lập định mức ở các nước trong khu vực và quốc tế nhằm đề xuất những nội dung và quy định áp dụng hệ thống định mức phù hợp điều kiện xây dựng tại Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cần bổ sung nguồn lực cho các cơ quan chức năng nghiên cứu và xây dựng định mức, xác định mức chi phí cho công tác theo dõi, tổng hợp tại các công trình, dự án có áp dụng các công nghệ mới, phối hợp với các đơn vị thi công, tư vấn giám sát tổng hợp xây dựng định mức phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh mức khung đơn giá nhân công và kỹ sư ban hành tại Thông tư 13 ngày 31/8/2021 đảm bảo tuân thủ, phù hợp với quy định tại nghị định liên quan về tiền lương để đảm bảo chi phí đầu tư xây dựng về nguyên tắc phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần lập quy hoạch và quản lý việc cung ứng các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng giao thông trên từng địa phương. Ngay từ khâu thiết kế cần có kinh phí và thời gian phù hợp trong công tác khảo sát, thiết kế, thí nghiệm vật liệu để có phương án tận dụng tối đa nguồn vật liệu đắp (đất, đá) từ vật liệu đào, tránh lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm kinh phí đầu tư xây dựng.

Đối với giá vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn cụ thể tạo thị trường minh bạch, công khai và phù hợp với cơ chế thị trường của Việt Nam. Các địa phương phải thường xuyên rà soát, cập nhật và bổ sung các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, thiết bị công trình phổ biến vào danh mục để công bố. Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động nhiều, tổ chức xác định, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng, hàng tuần, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn tỉnh, thành phố theo đúng quy định của pháp luật.

Các địa phương cần tăng cường nâng cao chất lượng dự báo về khả năng cung - cầu trên địa bàn tỉnh, biến động giá, nhất là đối với những loại vật liệu xây dựng chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu tư xây dựng đối với các dự án đang hoặc sẽ thực hiện trên địa bàn tỉnh; khắc phục các trường hợp thiếu hụt nguồn cung trên địa bàn, tránh tình trạng lợi dụng khả năng cung - cầu để đầu cơ, tăng giá, trục lợi.

Cuối cùng, tôi cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức xây dựng một cách khoa học và công bố tương đối chính xác suất đầu tư xây dựng công trình và đơn giá tổng hợp bộ phận công trình có gắn với khu vực và quy mô của các loại công trình như công trình đường cao tốc, công trình đặc biệt... nhằm phục vụ cho công tác quản lý việc chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư hiệu quả.

Ý kiến của bạn

Bình luận