Chưa rõ vai trò chủ thể quản lý, khai thác tài sản, giá thuê ở mức tối thiểu
Theo Luật Đường sắt 2017, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia gồm hai 2 loại: trực tiếp phục vụ chạy tàu (đường sắt, cầu, hầm, đường ngang, cầu, ga, phòng đợi tàu, kho chứa, bãi chứa hàng hóa…) và không trực tiếp phục vụ chạy tàu (quảng trường ga, bãi chứa, kho chứa hàng không liên quan đến chạy tàu). Trong đó, riêng hệ thống ga hiện có 297 ga, với nhiều ga có vị trí đẹp có thể tận dụng một phần khai thác để tăng nguồn thu cho ngân sách, đơn vị đường sắt.
Tiềm năng khai thác tài sản lớn nhưng nhiều năm qua Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) mới chủ yếu cho thuê khai thác, sử dụng đối với các bãi, kho chứa hàng tại ga hàng, trên đất do đơn vị đường sắt quản lý. Đối với ga khách, đến giữa năm 2023, mới sửa sang, làm đẹp một khu vực trong ga Long Biên (Hà Nội), ga Hải Dương (TP. Hải Dương) trên tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng để kinh doanh dịch vụ "Cà phê Hỏa Xa" phục vụ khách du lịch, người dân và khá hiệu quả.
Điều đó phần nào cho thấy, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt có tiềm năng để khai thác tốt hơn. "Gầm cầu đường sắt, đường bộ Thăng Long bên phía quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) có một số vị trí có thể tận dụng cho thuê mặt bằng, cũng từng được cho thuê để làm chỗ để cây cảnh, nhưng sau đó phải thu hồi lại và hiện để không. Nếu những vị trí tương tự có cơ chế cho thuê để khai thác, sử dụng dịch vụ phù hợp sẽ mang lại hiệu quả", một cán bộ quản lý của Công ty CP Đường sắt Hà Thái nêu ví dụ.
Theo Bộ GTVT, năng lực và hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt còn ở mức thấp, chưa tương xứng với quy mô khối tài sản được nhà nước giao do cơ chế khai thác chưa gắn với thị trường. Dẫn chứng, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước phí sử dụng và cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 là 240,721 tỷ đồng/tổng giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là hơn 16.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân do "Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư" chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, VNR trực tiếp quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo mô hình cũ (ký hợp đồng với đối tác cho thuê căn cứ theo đơn giá tối thiểu tại Quyết định 1129/QĐ-BTC ngày 27/5/2014 của Bộ Tài chính) mà chưa thực hiện theo quy định tại Nghị định 46/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Theo Cục Đường sắt VN và VNR, theo quy định, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia phải được giao cho chủ thể quản lý; chủ thể được giao quản lý tài sản có trách nhiệm thực hiện quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định của Nghị định số 46/2018/NĐ-CP và các văn bản quản lý nhà nước có liên quan.
Để triển khai, từ năm 2018, Bộ GTVT đã xây dựng Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, theo hướng giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Tổng công ty Đường sắt VN) quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
"Tuy nhiên, đến nay Đề án chưa được phê duyệt nên chưa thực hiện việc giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho đơn vị quản lý theo quy định, do đó trách nhiệm của các chủ thể trong việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt không rõ ràng", theo Cục Đường sắt VN và VNR.
Đại diện VNR cho biết thêm, từ trước đến nay, theo lịch sử để lại, VNR là đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (thực hiện lập hồ sơ quản lý, kế toán tài sản, bảo trì, khai thác, báo cáo về tài sản...). Các tài sản này hầu hết được xây dựng trên đất dành cho đường sắt, nằm trong hoặc ngoài các khu ga, tồn tại đan xen với các tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện hữu bao gồm nhiều hạng mục công trình phức tạp khó xác định được chính xác giá trị còn lại của tài sản. Quy định phân loại tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt chưa phù hợp dẫn đến việc khai thác tài sản gặp nhiều khó khăn.
Đề xuất luật hóa cơ chế khai thác tài sản kết cấu hạ tầng
Theo đại diện Cục Đường sắt VN, triển khai quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt là một trong những nội dung gặp nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đường sắt 2017. Do đó, trong Cục Đường sắt VN đã báo cáo Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung này trong Luật Đường sắt sửa đổi, bổ sung sắp tới.
Cụ thể, đề xuất sửa đổi quy định về đất dành cho đường sắt bảo đảm thống nhất với nội dung Luật Đất đai (sửa đổi). Sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cho phù hợp với thực tiễn: phân loại tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (quốc gia/đô thị) theo nguồn gốc hình thành tài sản và công năng, mục đích sử dụng.
Đồng tình, theo bà Đỗ Hồng Châu, Trưởng ban Kiểm tra – Kiểm toán của VNR, Luật Đường sắt 2017 quy định phân loại tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thành 2 loại (trực tiếp và không trực tiếp phục vụ chạy tàu) nhưng trong thực tế có một số loại tài sản không có cơ sở để phân biệt thuộc nhóm nào (đường bộ trong ga, kho và bãi chứa hàng...) dẫn đến khai thác tài sản gặp khó khăn.
"Cũng cần bổ sung quy định về giao một số hạng mục tài sản (khu ga, bãi hàng...) cho doanh nghiệp được giao quản lý tài sản theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước. Bổ sung quy định cơ chế khai thác tài sản trong trường hợp doanh nghiệp được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Quy định rõ đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đối với các tuyến đường sắt được đầu tư xây dựng mới và đối với đường sắt hiện hữu", Cục Đường sắt VN và VNR đề xuất.
Bên cạnh đó, luật cần bổ sung quy định về cơ chế sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp để mở rộng, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Bổ sung đường bộ kết nối vào ga đường sắt chỉ phục vụ cho hoạt động vận tải đường sắt là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.
Về đường bộ vào ga, hiện có 28 đoạn đường bộ vào ga đường sắt đang giao cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quản lý, nhưng luật chưa quy định loại đường này là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia nên không được bố trí kinh phí quản lý bảo trì, dẫn đến chất lượng đường bộ kém, nhiều vị trí đường bộ vào ga bị lấn chiếm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của hành khách và giải tỏa hàng hóa; giảm cạnh tranh của vận tải đường sắt và lãng phí kết cấu hạ tầng đường sắt.
Liên quan vấn đề trên, theo VNR, Bộ Tài chính đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018. Do đó, VNR kiến nghị quy định giao toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện có theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho VNR.
Căn cứ nhu cầu và khả năng quản lý, khai thác tài sản, giao VNR lập phương giao tăng vốn cho VNR tại các khu ga có lợi thế thương mại để khai thác, phát huy nguồn lực, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, tăng thu nhập cho người lao động.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.