Bắt đầu thi công xây dựng hầm đường sắt qua đèo Khe Nét hơn 2.000 tỷ đồng

Tác giả: Ánh Minh

saosaosaosaosao
Đường sắt 22/03/2024 09:34

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tham dự và thực hiện nghi thức nhấn nút triển khai thi công dự án cải tạo đường sắt khu vực Đèo Khe Nét, thuộc đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.

Bắt đầu thi công xây dựng hầm đường sắt qua đèo Khe Nét hơn 2.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút triển khai thi công dự án

Biểu tượng cho sự hợp tác của hai nước

Sáng nay (22/3), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tham dự và thực hiện nghi thức nhấn nút triển khai thi công dự án cải tạo đường sắt khu vực Đèo Khe Nét, thuộc đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Đây là dự án đường sắt đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại lễ triển khai thi công dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc sử dụng, nâng cấp để sử dụng có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện hữu, trong thời gian qua Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ ngành, tích cực làm việc với các nhà tài trợ, trực tiếp là Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) để huy động nguồn lực đầu tư các dự án nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.

Đến nay, 2 dự án cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện và cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét đã hoàn thành thủ tục để đầu tư. Việc hoàn thành các dự án này sẽ góp phần nâng cao năng lực tuyến đường sắt thống nhất khu đoạn Vinh - Đồng Hới.

Đồng thời, đây cũng là những dự án đầu tiên trên hệ thống đường sắt quốc gia được triển khai từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc.

Bắt đầu thi công xây dựng hầm đường sắt qua đèo Khe Nét hơn 2.000 tỷ đồng- Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy phát biểu tại buổi lễ

"Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của tất cả các bên, dự án sẽ triển khai thành công và trở thành biểu tượng cho sự hợp tác của hai nước trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng GTVT nói chung và đường sắt nói riêng, góp phần phát triển quan hệ ngoại giao tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai nước", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy biểu dương các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT, Ban QLDA Đường sắt, các đơn vị tư vấn và nhà thầu cùng các sở, ban, ngành của địa phương, trong thời gian ngắn đã nỗ lực hoàn tất công tác chuẩn bị để triển khai thi công dự án "Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh".

Để dự án triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy giao cho các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ; không để xảy ra tham nhũng, thất thoát trong quá trình triển khai.

"Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp chặt chẽ trong quá trình thi công và tiếp nhận công trình sau khi hoàn thành để đưa vào khai thác phát huy hiệu quả dự án", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói và mong muốn được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Bình tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện trong công tác GPMB, tái định cư và chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình thi công.

Bắt đầu thi công xây dựng hầm đường sắt qua đèo Khe Nét hơn 2.000 tỷ đồng- Ảnh 3.
Bắt đầu thi công xây dựng hầm đường sắt qua đèo Khe Nét hơn 2.000 tỷ đồng- Ảnh 4.
Bắt đầu thi công xây dựng hầm đường sắt qua đèo Khe Nét hơn 2.000 tỷ đồng- Ảnh 5.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trao quà, động viên cán bộ kỹ sư, công nhân của nhà thầu trên công trường

Tháo gỡ “nút thắt cổ chai” đường sắt

Trước đó, ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban QLDA Đường sắt (chủ đầu tư) cho biết, dự án gồm 2 gói thầu, gói XL01 thi công xây dựng 2 hầm đường sắt, tổng chiều dài 935 m, thời gian thực hiện 23 tháng do liên danh Công ty Ilsung - Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. 

Trong đó, hầm 1 dài 620 m, hầm 2 dài 393 m, khổ hầm 10 m, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I. Gói XL02 thi công xây dựng các công trình cầu, đường sắt, thông tin tín hiệu và các công trình còn lại do liên danh Ilsung - Tổng Công ty công trình đường sắt (RCC) thực hiện, thời gian thi công 22 tháng.

Bắt đầu thi công xây dựng hầm đường sắt qua đèo Khe Nét hơn 2.000 tỷ đồng- Ảnh 6.

Bình đồ tuyến đường sắt khu vực đèo Khe Nét

Theo ông Phương, dự án đèo Khe Nét được xác định là “nút thắt cổ chai” trong tuyến đường sắt Bắc - Nam, sau khi hoàn thành sẽ cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt, nâng cao tốc độ, rút ngắn hành trình chạy tàu tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh trong những năm tới, bảo đảm hoạt động GTVT đường sắt thống suốt, trật tự, an toàn, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt.

Đại diện liên danh nhà thầu, ông Lee Sang Hyun, Giám đốc điều hành Công ty Ilsung cam kết tập trung mọi nguồn lực để thi công dự án đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ và bảo vệ môi trường với tiến độ nhanh nhất; áp dụng các giải pháp quyết liệt nhất để đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường và an toàn.

Về phía nhà thầu trong nước, ông Ngọ Trường Nam - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả gửi lời cảm ơn đến chủ đầu tư là Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) đã đánh giá khách quan, minh bạch để có kết quả lựa chọn liên danh IlSung - Đèo Cả cùng các nhà thầu khác tham gia thực hiện dự án này".

Việc chúng tôi giảm giá để trúng thầu xuất phát từ kinh nghiệm làm công trình sở trường là hầm đường bộ, đúc kết bài học trong công tác quản trị dự án, ứng dụng cải tiến phương pháp đào, kiểm soát tốt vật tư, vật liệu, nhân công,... góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Đây cũng là sự chủ động, nâng cao năng lực, kinh nghiệm để chuẩn bị đón đầu công việc phát triển đường sắt, metro của Việt Nam như quy hoạch phát triển của ngành giao thông đã đặt ra", ông Nam nói.

Bắt đầu thi công xây dựng hầm đường sắt qua đèo Khe Nét hơn 2.000 tỷ đồng- Ảnh 7.
Bắt đầu thi công xây dựng hầm đường sắt qua đèo Khe Nét hơn 2.000 tỷ đồng- Ảnh 8.

Phối cảnh tuyến đường sắt khu vực đèo Khe Nét

Theo ông Nam, để làm tốt các công việc, cần phải tập hợp được đội ngũ nhân sự, kết nối những doanh nghiệp có năng lực chuyên môn, tâm huyết, yêu ngành, yêu nghề và đặc biệt chủ động đào tạo, phát triển nhân lực chuyên sâu, Tập đoàn Đèo Cả sẽ xem dự án này là “thao trường” để triển khai công tác đào tạo. 

Người công nhân được đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ sư có khả năng thực chiến, ứng dụng công nghệ, nhà quản lý có thêm năng lực quản trị. Qua đó, tiếp tục nghiên cứu học tập các mô hình đường sắt trên thế giới để sẵn sàng hòa nhập khi phát triển mạng lưới đường sắt, metro đã được hoạch định trong thời gian tới.

"Chúng tôi ý thức được rằng để trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giao thông Viêt Nam cần phải từng bước xây dựng, vượt khó, đổi mới để tồn tại rồi mới có thể phát triển. Chúng tôi luôn xác định lấy hiệu quả công việc làm thước đo chứng thực cho những ý tưởng hay, cách làm mới, để kiểm tra năng lực sáng tạo, từ đó tích luỹ kinh nghiệm xem đó là một khâu trong quá trình đi đến thành công", ông Nam nói.

Để hoàn thành tốt các công việc tại dự án có ý nghĩa quan trọng này, với quan điểm “muốn thông đường thực địa phải thông đường trách nhiệm”, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị chủ đầu tư và tỉnh Quảng Bình tiếp tục quan tâm, thúc đẩy để tháo gỡ các vướng mắc về đất rừng, hoàn thành công tác GPMB, hỗ trợ các nhà thầu khi tiếp cận triển khai thi công, đảm bảo nguồn vật liệu cho dự án.

Ông Nam kiến nghị Bộ GTVT tổ chức tham quan, học tập các mô hình đầu tư, thiết kế, thi công đường sắt, metro trên thế giới, qua đó đồng hành hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam sớm tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào ngành đường sắt của nước ta.

"Chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành trung ương, địa phương cùng chung tay kiến nghị Chính phủ để sớm giải quyết các bất cập về định mức đơn giá của ngành GTVT nói chung và lĩnh vực đường sắt nói riêng" ông Nam nói và mong muốn được sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ của lãnh đạo, chính quyền địa phương và toàn thể bà con nhân dân nơi dự án đi qua.

Đèo Khe Nét thuộc huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình là một trong 5 đèo cao nhất trên tuyến đường sắt quốc gia. Đèo Khe Nét nằm giữa tuyến Vinh (Nghệ An) và Đồng Hới (Quảng Bình), từ ga Vinh lên đến đỉnh đèo dài khoảng 200 km. Tuyến đèo có địa hình phức tạp, hiểm trở với độ cao hơn 700 m so với mực nước biển.
Đường sắt đoạn qua đèo Khe Nét phải đi qua 32 khúc cua hẹp phải dùng ray hộ bánh. Tàu khách qua đây chỉ chạy được 20 - 25 km/h, tàu hàng phải có thêm đầu máy đẩy mới qua được. Do địa hình quanh co hiểm trở, tốc độ khai thác hạn chế đã khiến đèo Khe Nét trở thành một trong những nút thắt về khai thác trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Ý kiến của bạn

Bình luận