Bất ngờ với cách các nước tận dụng không gian dưới gầm cầu đường bộ

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Giao thông toàn cầu 28/07/2022 15:25

Tận dụng "không gian chết" dưới gầm cầu đường bộ như thế nào là vấn đề tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Không gian dưới cầu vượt Hannam-daero, ở quận Yongsan

Không gian dưới cầu vượt Hannam-daero, ở quận Yongsan

Cải tạo thành khu vực công cộng

Tại Seoul (Hàn Quốc), không gian dưới gầm cầu bị chiếm dụng làm điểm trông giữ xe trái phép là vấn đề đau đầu. Theo Chính quyền Thủ đô Seoul, tại thành phố này hiện có gần 200 cầu vượt đường bộ, với không gian bên dưới gầm cầu nếu cộng lại sẽ có diện tích bằng khoảng 210 sân bóng đá.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% không gian này được sử dụng hiệu quả. Do đó, chính quyền Thủ đô Seoul đã có ý tưởng tận dụng không gian dưới khu vực đi bộ.

Chẳng hạn như không gian dưới cầu vượt Hannam-daero, ở quận Yongsan được kiến trúc sư Đại học Kyunghee biến thành một khu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, vườn cây và uống cà phê.

Hàn Quốc bắt đầu xây dựng cầu vượt vào những năm 1970 khi đất nước bắt đầu công nghiệp hóa nhanh chóng nhưng không có kế hoạch tận dụng đất dưới những cây cầu. Năm 2017, Chính quyền Thủ đô Seoul đã khởi động một dự án sử dụng không gian dưới những cây cầu vượt trên toàn thành phố để cải tạo thành khu vực công cộng cho người dân.

Một không gian đẹp mắt khác dưới gầm cầu vượt Oksu, quận Seongdong

Một không gian đẹp mắt khác dưới gầm cầu vượt Oksu, quận Seongdong

Không gian dưới gầm cầu vượt ở quận Dongdaemun

Không gian dưới gầm cầu vượt ở quận Dongdaemun

Biến gầm cầu thành khu vực văn hóa

Ngoài Hàn Quốc, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những sáng kiến tận dụng "không gian chết" dưới các gầm cầu để phục vụ cho cộng đồng thay vì sử dụng làm bãi đỗ xe.

Chẳng hạn như tại Pháp, đường cao tốc A14 nằm ở thành phố Nanterre kết nối thủ đô Paris với vùng ngoại ô. Năm 1995, trung tâm kiểm soát đường cao tốc A14 đã được xây dựng nằm ngay dưới gầm của cây cầu. Trung tâm này được thiết kế dạng khí động học, với hình thù giống một chiếc hộp kính có những cột chống màu đỏ rất bắt mắt.

Trung tâm kiểm soát đường cao tốc A14 ở Pháp

Trung tâm kiểm soát đường cao tốc A14 ở Pháp

Trong khi đó, nút giao thông lập thể Wujiaochang ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) được trang hoàng bằng một công trình kiến trúc hình bầu dục, gọi là Quảng trường Wujiaochang, với trục dọc dài 100m, trục ngang dài 80m. Dưới gầm cầu vượt, tại khu vực trung tâm quảng trường là cảnh quan, hồ bơi, đài phun nước, đường đi bộ... phục vụ nhu cầu của người dân lưu thông qua khu vực này mỗi ngày.

Quảng trường tại nút giao thông Wujiaochang

Quảng trường tại nút giao thông Wujiaochang

Bên dưới gầm cầu là không gian công cộng phục vụ người dân

Bên dưới gầm cầu là không gian công cộng phục vụ người dân

Tháng 8/2001, tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, công viên chủ đề đầu tiên được xây dựng dưới không gian của một chiếc cầu vượt. Kiến trúc sư đã khéo léo sử dụng "không gian chết" để biến nó trở thành một khu vực văn hóa mang đậm bản sắc Thành Đô và công viên giải trí. Phía trên cây cầu là hình ảnh đối lập hoàn toàn với thành phố năng động, hiện đại, giao thông tấp nập.

Công viên chủ đề hoài cổ được xây dựng dưới cầu vượt ở Thành Đô

Công viên chủ đề hoài cổ được xây dựng dưới cầu vượt ở Thành Đô

 

Công viên cây xanh dưới gầm cầu vượt ở Tế Nam, Trung Quốc

Công viên cây xanh dưới gầm cầu vượt ở Tế Nam, Trung Quốc

Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, không gian dưới gầm cầu đường bộ thuộc quyền sở hữu của Chính phủ. Việc sử dụng những không gian này vào mục đích gì đều phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Thông thường, những không gian này được tận dụng để cải thiện môi trường sống, cải tạo cảnh quan cho người dân, không phục vụ cho mục đích kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, những công trình xây dưới gầm cầu đường bộ phải trải qua quá trình khảo sát, nghiên cứu kĩ lưỡng để đảm bảo về mặt pháp lý cũng như an toàn cho kết cấu cầu và cho người sử dụng không gian bên dưới.

Tại Việt Nam, hiện nay có nhiều gầm cầu vượt bị lấn chiếm để xây công trình, làm các điểm trông giữ xe trái phép, ảnh hưởng xấu đến kết cấu hạ tầng cầu, đe dọa đến ATGT.

Ngày 21/7, Bộ GTVT ban hành văn bản hợp nhất số 333 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó, đáng chú ý là quy định: Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Văn bản nêu rõ:

“Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư này, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ.

Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tiếp nhận mặt bằng do tổ chức, cá nhân bàn giao.

Trường hợp hết thời hạn sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng tạm thời không thực hiện hoàn trả, cơ quan quản lý đường bộ xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho UBND các cấp để tổ chức cưỡng chế giải tỏa theo quy định”.

Ý kiến của bạn

Bình luận