Bất thường Cảng Hồng Vân đổ sụp xuống sông Hồng

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đường thuỷ 15/02/2022 15:28

Đã hơn một tháng kể từ khi Cảng Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) gặp sự cố sạt lở trôi tuột xuống sông Hồng nhưng nguyên nhân dẫn tới sự việc này vẫn còn nhiều dấu hiệu bất thường.

IMG-2650
Cảng Hồng Vân xảy ra tình trạng sụp lún hôm 13/1/2022 (ảnh chụp hiện trường tối 7/2/2022)

Chủ cảng đổ cho nền đất yếu

Theo phản ánh của bạn đọc Tạp chí Giao thông vận tải, rạng sáng ngày 13/1/2022, tại tuyến kè Xâm Thị, trên tuyến đê hữu Hồng thuộc khu vực phạm vi Cảng Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến một phương tiện thủy bị đắm, nhiều hạng mục công trình của cảng trôi tuột xuống sông Hồng. Sau khi nhận được phản ánh, nhóm PV Tạp chí GTVT đã vào cuộc để tìm hiểu sự việc.

Trong báo cáo gửi đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ngày 7/2/2022, ông Hoàng Huy Minh - Phó Giám đốc Công ty CP Cảng Hồng Vân cho biết, Cảng Hồng Vân là cảng thủy được thành lập và hoạt động từ năm 1979.

Theo ông Minh, đến nay, tất cả hạng mục của Cảng đã xuống cấp, trong đó 3 mố cầu cảng theo quy hoạch và 500m kè triền thấp xuống cấp nghiêm trọng, mục nát không đủ điều kiện khai thác, phải dừng từ năm 2018.

Đến ngày 15/1/2019, Công ty CP Cảng Hồng Vân có văn bản gửi Hạt quản lý đê điều huyện Thường Tín đề nghị được duy tu cải tạo 2 mố cầu song chưa được giải quyết chính thức.

Theo đại diện chủ cảng, việc cải tạo xây dựng này cũng nằm trong dự án đầu tư mở rộng cảng Hồng Vân đã được Công ty CP Cảng Hồng Vân báo cáo Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam để hướng đến việc xây dựng cảng ICD Hồng Vân có tiêu chuẩn quốc tế ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô như các hồ sơ từ năm 2019.

“Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn rủi ro từ những hạng mục này, chúng tôi đã chủ động xây dựng phương án tháo dỡ cầu cảng cũ và chuẩn bị thủ tục xin cấp phép xây dựng hệ thống cầu cảng mới. Việc này đã được hội đồng quản trị công ty thông qua và đề nghị triển khai từ ngày 11/1/2022, với thời gian hoàn thiện dự kiến trong 5 tháng. Tuy nhiên, các công việc đều đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục xin cấp phép nên chưa kịp triển khai cải tạo”, Văn bản do ông Minh ký nêu rõ.

Từ đó, đại diện Công ty CP Cảng Hồng Vân khẳng định: “Do địa chất tại đây yếu (đã từng xảy ra sự cố) và chưa được triển khai cải tạo kịp thời nên dẫn đến sự cố sụt lụt xảy ra tại cảng ngày 13/1/2022”.

IMG-2650
Trước khi xảy ra tình trạng sụp lún, chủ đầu tư cảng là Công ty CP Cảng Hồng Vân đã có văn bản đề xuất cho phép Cảng được sử dụng phương tiện thiết bị hiện có để tổ chức nạo vét vùng nước trước bến, khắc phục sự khan cạn để tàu bè có thể ra, vào cập bến làm hàng an toàn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của Cảng

Chủ cảng đề xuất nạo vét vùng nước trước bến

Theo tài liệu của PV Tạp chí Giao thông vận tải, trước khi xảy ra sự cố trên, ngày 28/8/2021, Công ty CP Cảng Hồng Vân có Công văn số 43 gửi Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho phép Cảng được sử dụng phương tiện thiết bị hiện có để tổ chức nạo vét vùng nước trước bến, khắc phục sự khan cạn để tàu bè có thể ra, vào cập bến làm hàng an toàn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của Cảng.

“Chất thải bùn, đất phù sa nạo vét công ty sẽ vận chuyển, tập kết về bãi chưa phế thải theo đúng quy định”, Văn bản do ông Mai Duy Chung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Hồng Vân ký nêu rõ.

Sau khi nhận được đề xuất, ngày 14/9/2021, Bộ GTVT đã chuyển văn bản của Công ty CP Cảng Hồng Vân đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để hướng dẫn Công ty CP Cảng Hồng Vân bằng văn bản về việc tổ chức thực hiện việc nạo vét vùng nước trước cảng theo quy định tại Nghị định 08/2021 ngày 28/1/2021, Nghị định 159/2018 ngày 28/11/2018 của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đến ngày 1/12/2021, ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ký ban han hành Văn bản 2817 thống nhất với đề nghị của Công ty CP Cảng Hồng Vân về việc nạo vét vùng nước Cảng Hồng Vân để duy trì độ sâu và đảm bảo an toàn cho phương tiện thủy hoạt động tại cảng không kết hợp tận thu sản phẩm, chất nạo vét.

Theo văn bản của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, phạm vi vùng nước nạo vét trong phạm vi vùng nước Cảng Hồng Vân có chiều dài dọc sông 500m (từ Km156+500 - Km157+00 bờ phải sông Hồng), chiều rộng 40m tính từ mép ngoài cầu cảng trở ra sông; Cao độ đáy vùng nước sau khi nạo vét: -3,68m; Khối lượng bùn đất nạo vét (chất nạo vét) không vượt quá khối lượng (khoảng 32.229m3) ghi trong hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình nạo vét vùng nước Cảng Hồng Vân do Công ty CP thế giới kỹ thuật Miền Bắc lập tháng 10/2021 được cơ quan có thẩm quyền duyệt.

Văn bản của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng nêu rõ: Thời gian thi công nạo vét thực tế không quá 90 ngày, kể từ ngày Công ty thông báo thời điểm bắt đầu thi công và phải hoàn thành việc nạo vét trước ngày 31/12/2022. Quá thời gian trên, Công ty không được thi công nạo vét.

“Phương tiện thi công nạo vét sử dụng 2 phương tiện tàu hút, 3 phương tiện thủy chứa và vận chuyển chất nạo vét; Kinh phí nạo vét do Công ty CP Cảng Hồng Vân thực hiện”, Văn bản nêu rõ.

Để triển khai công tác nạo vét, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam yêu cầu Công ty CP Cảng Hồng Vân phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, quản lý khoáng sản và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Trước khi tiến hành thi công nạo vét, Công ty CP Cảng Hồng Vân phải thực hiện nghiêm chỉnh và đáp ứng các điều kiện về hoạt động thi công nạo vét, phương tiện thi công  nạo vét, phương tiện vận chuyển chất nạo vét, bãi tập kết chất nạo vét theo quy định của Nghị định 159 ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

Ngoài ra, Công ty CP Cảng Hồng Vân phải lập phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; Thông báo bằng văn bản cho cảng Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II, Chi cục đường thủy nội địa phía Bắc, cơ quan cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường chính quyền địa phương nơi nạo vét, nơi tập kết chất nạo vét biết thời gian bắt đầu thi công và cung cấp bản sao các giấy tờ có liên quan để được theo dõi, kiểm tra suốt quá trình thi công,…

IMG-2649
Đơn vị chủ cảng cho rằng, do địa chất tại đây yếu (đã từng xảy ra sự cố) và chưa được triển khai cải tạo kịp thời nên dẫn đến sự cố sụt lụt xảy ra tại cảng ngày 13/1/2022 (ảnh chụp hiện trường Cảng Hồng Vân tối ngày 7/2/2022) 

Đoàn liên ngành phát hiện dấu hiệu bất thường

Theo tài liệu PV Tạp chí Giao thông vận tải nắm được, ngay sau khi sự cố sụp lún tại Cảng Hồng Vân xảy ra chỉ một ngày, ngày 14/1/2022, ông Phạm Đình Tuyến - Phó Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II đã ký văn bản báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về hiện trạng sự cố sụt lún tại Cảng thủy nội địa Hồng Vân.

Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, khu vực tiếp giáp về phía hạ lưu cầu cảng số 2 xảy ra sự cố sụt lún, mức độ sụt lún khoảng 2 - 3,5m so với mặt bằng cầu cảng số 2, chiều dài sụt lún khoảng 40m, chiều rộng 25m tính từ mép ngoài cầu cảng số 2 trở vào bờ; Cầu cảng số 2 có dấu hiệu nghiêng có khả năng sụt đổ gây mất an toàn; một phương tiện thủy bị đắm (phương tiện không có hàng),…

Đối với hoạt động nạo vét vùng nước cảng, báo cáo của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II nêu rõ, ngày 23/12/2021, đơn vị nhận được Thông báo 65/CV-HV-2021 của Công ty CP Cảng Hồng Vân về việc thông báo triển khai nạo vét vùng nước trước cảng.

“Ngày 6/1/2022, đơn vị đã tổ chức phối hợp với Đội Thanh tra An toàn số 2 kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra một số phương tiện tham gia thi công theo đăng ký chưa đảm bảo điều kiện và hợp đồng kinh tế số 488/2020/HĐKT/389-CLCTMTHN giữa Công ty CP xây dựng cơ giới 389 với Công ty xử lý chất thải xây dựng và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội ngày 18/12/2020 chỉ có hiệu lực đến 31/12/2021. Do vậy, đoàn kiểm tra yêu cầu chỉ được tiến hành hoạt động nạo vét khi đã hoàn thiện và bổ sung đầy đủ các nội dung trên”.

Tuy nhiên, chiều ngày 9/2, trao đổi với PV Tạp chí Giao thông vận tải, ông Đoàn Trường Sơn, Q.Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) lại khẳng định: “Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn Công ty CP Cảng Hồng Vân tiến hành nạo vét vùng nước Cảng Hồng Vân nhưng chủ cảng chưa triển khai công tác nạo vét do đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục hồ sơ”.

Trước đó, trong văn bản ngày 7/2/2022 gửi đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, ông Hoàng Huy Minh - PGĐ Công ty CP Cảng Hồng Vân cũng nêu rõ: Từ khi có văn bản của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đến nay, chúng tôi hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị để thực hiện các thủ tục theo quy định trước khi tiến hành nạo vét mà chưa thực hiện hoạt động nẹo vét”.

Tạp chí Giao thông vận tải sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Ý kiến của bạn

Bình luận