Bê bối kiểm định an toàn ô tô Nhật: Loạt hãng xe thừa nhận sai phạm, CEO cúi đầu xin lỗi

Tác giả: Huyền Thương

saosaosaosaosao
Thị trường 05/06/2024 08:00

Vụ bê bối kiểm tra an toàn ô tô của các nhà sản xuất Nhật Bản đã lan rộng khi loạt hãng xe phải tạm dừng sản xuất sau khi phát hiện những bất thường.

Mới đây nhất, Toyota Motor và Mazda đều tạm dừng xuất xưởng một số mẫu xe sau khi Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản phát hiện ra những bất thường trong các chứng nhận an toàn cho một số mẫu xe.

Chủ tịch Tập đoàn Toyota Motor, ông Akio Toyoda, xin lỗi trong cuộc họp báo ở Tokyo hôm 3/6/2024 - Ảnh: AFP.  Bê bối kiểm định an toàn ô tô Nhật: Loạt hãng xe thừa nhận sai phạm, CEO cúi đầu xin lỗi

Chủ tịch Tập đoàn Toyota Motor, ông Akio Toyoda, xin lỗi trong cuộc họp báo ở Tokyo hôm 3/6/2024 - Ảnh: AFP.

Các hãng xe khác như Honda, Suzuki và Yamaha Motor cũng bị phát hiện cung cấp dữ liệu kiểm tra không chính xác hoặc can thiệp khi nộp đơn xin chứng nhận cho xe. Toyota đã tạm dừng sản xuất một số mẫu xe, bao gồm Corolla Fielder, Corolla Axio, Yaris Cross.

Chủ tịch tập đoàn Toyota, ông Akio Toyoda, đã xin lỗi khách hàng và các bên liên quan vì hành vi gian lận liên quan đến cấp giấy chứng nhận cho bảy mẫu xe. Vụ việc này có thể thu hút sự chú ý hơn vào cuộc họp cổ đông thường niên của Toyota trong tháng này.

Theo báo Nhật Bản The Japan Times, Toyota Motor và 4 nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác vừa thừa nhận hành vi làm sai lệch dữ liệu trong các cuộc thử nghiệm an toàn hoặc đã tiến hành thử nghiệm không đúng cách. Các hãng xe đã có rất nhiều vi phạm - bao gồm gửi dữ liệu sai, viết lại phần mềm điều khiển động cơ, nhập sai báo cáo thử nghiệm, tiến hành thử nghiệm trong điều kiện không phù hợp và sửa đổi phương tiện thử nghiệm không đúng cách trong thử nghiệm va chạm.

Hiện tại, các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành, bản chất và mức độ nghiêm trọng của những vi phạm này vẫn chưa được xác định rõ. Được biết, có tổng cộng 38 mẫu xe - 6 mẫu vẫn đang bán trên thị trường và 32 mẫu đã ngừng sản xuất - của 5 hãng xe dính vào bê bối này. Các nhà sản xuất đã tạm dừng lô hàng đối với những mẫu xe đang lưu hành.

Trong một tuyên bố, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản cho biết một số mẫu xe "đã được thử nghiệm bằng các phương pháp không đúng như tiêu chuẩn của Chính phủ". Tuy nhiên, theo như giải thích tại cuộc họp báo ngày 3/6, Toyota đã sử dụng dữ liệu thử nghiệm dựa trên điều kiện còn khó khăn hơn mức yêu cầu của Chính phủ. Toyota còn thêm rằng những xe này "không có vấn đề gì" về hiệu suất trái với luật pháp và quy định.

Tham dự họp báo về vụ việc, Chủ tịch Toyota Akio Toyoda đã cúi đầu xin lỗi. Bộ Giao thông Nhật Bản tuyên bố rằng hành vi sai trái này "làm lung lay nền tảng của chính hệ thống chứng nhận".

Sau scandal trước đó tại công ty thành viên thuộc tập đoàn Toyota, ông Toyoda mới đầu năm nay còn tuyên bố sẽ cải tổ các công ty thuộc tập đoàn và cách quản lý bằng cách "dẫn đầu các nỗ lực chuyển đổi với tư cách là người chịu trách nhiệm về tập đoàn".

Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản sẽ thanh tra trụ sở chính của Toyota và thực hiện "các biện pháp nghiêm ngặt" dựa trên kết quả các cuộc điều tra. Công ty đã tạm dừng vận chuyển các mẫu xe Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross.

Toyoda nhắc lại sẽ dẫn đầu cuộc cải cách trong tập đoàn và hợp tác chặt chẽ với các công ty thành viên.

Ông Toyoda nhắc lại sẽ dẫn đầu cuộc cải cách trong tập đoàn và hợp tác chặt chẽ với các công ty thành viên.

Ngoài Toyota, Honda Motor, Mazda, Yamaha Motor và Suzuki Motor cũng đã thừa nhận có "hành vi vi phạm" về thử nghiệm an toàn. Những hãng xe này cũng là các đối tượng bị kiểm tra. Hôm 4/6, Mazda tiết lộ các mẫu Roadster RF và Mazda 2 là đối tượng trong các cuộc thử nghiệm động cơ sai lệch. Cả 2 mẫu xe đều đã bị đình chỉ sản xuất vào ngày 30/5. Ngoài ra còn có 3 mẫu xe đã ngừng sản xuất là Atenza, Axela và Mazda 6 dính vào bê bối này.

Trong cuộc họp báo ngày3/6, Giám đốc điều hành Mazda Masahiro Moro cho biết "toàn công ty sẽ nỗ lực ngăn chặn những sự cố như vậy xảy ra lần nữa, bằng cách giải quyết mọi vấn đề trong cuộc điều tra này, đồng thời nỗ lực khôi phục niềm tin của người tiêu dùng".

Hãng xe máy Yamaha cũng thừa nhận có những hành vi "thử nghiệm bất thường" đối với mẫu xe máy thể thao YZF-R1, mẫu xe hiện vẫn đang được lưu thông trên thị trường.

Trong khi đó, Honda báo cáo kết quả thử nghiệm sai phương pháp đối với 22 mẫu xe đã ngừng sản xuất. Tại họp báo, các quan chức của Honda đã xin lỗi vì tiến hành các cuộc thử nghiệm không đúng cách, đồng thời hứa hẹn không lặp lại các cuộc thử nghiệm như vậy. "Chúng tôi cho đây là một vấn đề rất nghiêm trọng... Chúng tôi thành thật gửi lời xin lỗi sâu sắc", Giám đốc điều hành Toshihiro Mibe nói trước khi cúi đầu thật sâu.

Ông Mibe cho biết trước đây Honda đã tiến hành điều tra nhưng chỉ dừng ở bước thăm dò và điều đó có nghĩa là công ty đã không phát hiện ra vấn đề. Ông Mibe cho biết công ty hiện có tài liệu quy định nghiêm ngặt hơn, quy trình tuân thủ nâng cao, và những điều này sẽ được số hóa.

Hãng xe Suzuki cũng đã báo cáo hành vi giả mạo tương tự liên quan đến một mẫu xe.

Theo The Japan Times, mặc dù những tiết lộ này có thể sẽ khiến các nhà sản xuất bị giám sát chặt chẽ hơn, nhưng đây cũng là dịp để thảo luận về hệ thống kiểm tra chứng nhận. Chẳng hạn, trong một số trường hợp đã xác định quy trình chứng nhận thử nghiệm không phù hợp, các kỹ sư đã áp dụng các điều kiện thử nghiệm nghiêm ngặt hơn nhằm đạt được độ tin cậy cao hơn về độ an toàn của phương tiện. Ví dụ, để kiểm tra nguy cơ rò rỉ nhiên liệu ngay cả khi có va chạm từ phía sau, Toyota đã sử dụng một chiếc xe đẩy nặng 1.800 kg - nặng hơn tiêu chuẩn pháp lý là 1.100 kg.

Tuy nhiên, vì Toyota dính líu đến vi phạm nên ông Toyoda nói rằng: "Tôi không đủ tư cách để lên tiếng về điều này, nhưng coi đây là cơ hội để chính phủ và các nhà sản xuất ô tô bắt đầu cuộc thảo luận".

Tháng 12 năm ngoái, văn phòng của Daihatsu, một nhà sản xuất ô tô khác của tập đoàn Toyota, đã bị các quan chức chính phủ đột kích sau khi phát hiện ra rằng nhà sản xuất này đã làm giả hồ sơ kiểm tra an toàn khi va chạm từ những năm 1980, bao gồm cả các bài kiểm tra an toàn cho hành khách như những bài kiểm tra liên quan đến triển khai túi khí ô tô.

Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu 85 nhà sản xuất ô tô trong nước kiểm tra và báo cáo kết quả.

Ý kiến của bạn

Bình luận