Bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, Quảng Nam lên phương án đảm bảo giao thông

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 19/07/2023 14:10

Liên tục hứng chịu mưa lũ, sạt lở "bức tử" kết cấu hạ tầng giao thông, Quảng Nam chủ động nhận diện những hạn chế trong công tác đảm bảo giao thông, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Quảng Nam
Vùng "rốn lũ, sạt lở" lên phương án đảm bảo giao thông - Ảnh 1.

Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam chủ trì hội nghị, bàn giải pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn năm 2023 diễn ra vào ngày 18/7/2023

Mưa lũ, sạt lở gây thiệt hại hạ tầng giao thông nặng nề

Ngày 19/7, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho biết, trên cơ sở nhận diện hạn chế, khó khăn và đúc kết những kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, đảm bảo giao thông thời gian qua, Sở GTVT Quảng Nam vừa triển khai một loạt giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông trong năm 2023.

Theo ông Tuấn, năm 2022, ở Quảng Nam, mưa bão tiếp tục gây thiệt hại nặng đến kết cấu hạ tầng giao thông. Hệ thống các tuyến QL14B, QL14D, QL24C sạt lở ta luy dương tràn lấp mặt đường, công trình thoát nước, gây hư hỏng công trình; đặc biệt tình trạng hư hỏng mặt đường trên tuyến QL40B. Tổng thiệt hại do mưa lũ trên các tuyến quốc lộ là hơn 20 tỷ đồng.

Hệ thống tỉnh lộ các tuyến ĐT606, ĐT603B, ĐT611, ĐT614, ĐT612, ĐT613B, ĐT615, ĐT609 cũng bị sạt lở ta luy dương và taluy âm, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông nhiều vị trí. Tổng thiệt hại trên các tuyến tỉnh lộ hơn 22 tỷ đồng.

Trên các tuyến đường thủy nội địa, mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng, làm mất biển báo hiệu, phụ kiện phao... trên các tuyến sông Duy Vinh, Bà Rén, Tam Kỳ, Yên, tuyến ven bờ phía Tây đảo Cù Lao Chàm và tuyến ven xã đảo Tam Hải.

"So với năm 2021, khối lượng và giá trị thiệt hại trong năm 2022 nhiều hơn; mức độ, tính chất nguy hiểm ngày càng tăng, nhất là các vị trí tái sạt lở nhiều lần gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia khắc phục sạt lở đảm bảo giao thông cũng như người tham gia giao thông. Điển hình như sạt lở mố cầu Suối Mơ tại Km45+779, sạt lở gây tắc đường và công trình thoát nước nhiều vị trí trên tuyến QL14D", ông Tuấn nhìn nhận.

Vùng rốn lũ, sạt lở lên phương án đảm bảo giao thông - Ảnh 2.

Mưa lũ gây sạt lở, vùi lấp tuyến QL14B

Nhận diện khó khăn, kịp thời tháo gỡ bất cập, nâng cao hiệu quả ứng phó thiên tai

Đúc rút kinh nghiệm, ông Tuấn chia sẻ: Để ứng phó, khắc phục thiên tai nhanh, kịp thời, hiệu quả, trước hết phải bảo đảm thông tin, liên lạc được liên tục, trực tiếp, thống nhất từ trên xuống và dưới lên. Các đơn vị tham gia phải chuẩn bị đầy đủ tiềm lực đủ mạnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa tham gia khắc phục bão lũ.

"Đặc điểm hệ thống giao thông trải rộng trên khắp địa bàn, bão lũ phức tạp và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở vị trí nào, trong khi đó, lực lượng của ngành GTVT có hạn nên không thể rải khắp từng vị trí trên các tuyến đường. Do vậy, phải quán triệt các đơn vị thực hiện nghiêm phương châm "bốn tại chỗ" kết hợp phương án huy động hiệu quả thiết bị và nhân công tại chỗ (huy động thiết bị thi công cơ giới của các địa phương, đơn vị đang thi công trên địa bàn gần với vị trí sạt lở và nhân công địa phương) khi có tình huống khẩn cấp thì phối hợp triển khai khắc phục để bảo đảm giao thông", ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, để huy động được nguồn lực ứng phó với thiên tai kịp thời, ngoài lực lượng ngành GTVT, cần phát triển lực lượng bảo đảm giao thông ở các địa phương để đảm nhiệm tốt, kịp thời phát dọn cây xanh ngã đổ thông tuyến, sửa chữa khắc phục hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện và giao thông nông thôn. Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với Khu Quản lý đường bộ III, lực lượng CSGT đường bộ, đường thủy và các địa phương phân luồng giao thông, đảm bảo giao thông.

"Bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia công tác phòng chống mưa lũ là nhiệm vụ then chốt nhưng rất khó thực hiện do ranh giới giữa sự nhiệt tình và không bảo đảm an toàn rất mong manh, yêu cầu cán bộ, công nhân, người lao động ngành đường bộ, đường sông phải luôn cảnh giác, đề phòng nguy hiểm", ông Tuấn lưu ý.

Vùng rốn lũ, sạt lở lên phương án đảm bảo giao thông - Ảnh 3.

Quảng Nam được xem là vùng rốn mưa lũ, sạt lở "bức tử" kết cấu hạ tầng giao thông. (Ảnh: lãnh đạo Sở GTVT Quảng Nam đến hiện trường chỉ đạo khắc phục sự cố sụt lún cầu Sông Vàu ở huyện miền núi Đông Giang năm 2022)

Nhìn thẳng vào hạn chế, nhận diện những khó khăn trong công tác ứng phó, khắc phục thiên tai, đảm bảo giao thông, ông Tuấn cho biết: Theo quy định tại khoản 9, Điều 1 Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ GTVT, các hạng mục thi công khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 được thực hiện ngay sau khi cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp, lệnh xây dựng công trình khẩn cấp. 

Tuy nhiên, việc này mất nhiều thời gian (qua thực tế khoảng 15-20 ngày hoặc hơn), trong khi đó, yêu cầu triển khai ngay công tác thông tuyến, đảm bảo giao thông, phục vụ cứu hộ, cứu nạn, công tác này cần phải triển khai sớm nhất, nhanh nhất để phù hợp với tính chất khẩn cấp về thiên tai.

"Để thống nhất, phù hợp với nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ" được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai; chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả khi xảy ra thiên tai, giảm thiệt hại về người và tài sản, đề nghị Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam thẩm quyền quyết định và công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hệ thống quốc lộ", ông Tuấn nêu.

Trước bất cập về đơn giá hót đất sạt lở hiện nay và để tăng tính chủ động trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ông Tuấn kiến nghị cấp có thẩm quyền áp dụng định mức đào hót đất, đá sụt lở bằng tổ hợp máy đào, máy ủi và nhân công khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông trên hệ thống đường bộ. Đồng thời bố trí nguồn kinh phí dự phòng hằng năm nhằm kịp thời tạm ứng trước cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai.