Từ 15/8, phân cấp mạnh công tác đăng kiểm phương tiện thủy

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 17/07/2023 12:04

Theo hướng dẫn của Bộ GTVT, từ ngày 15/8/2023, công tác đăng kiểm phương tiện thủy được phân cấp mạnh giữa Cục Đăng kiểm VN và Chi cục, đơn vị đăng kiểm thuộc Sở GTVT.

Từ 15/8, phân cấp mạnh mẽ công tác đăng kiểm phương tiện thủy - Ảnh 1.

Thông tư số 16/2023 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa có hiệu lực từ 15/8/2023

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 16/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

Trong đó, nhiều nội dung quan trọng của Thông tư số 48/2015 (quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa) được sửa đổi, bổ sung, như: các loại hình kiểm tra kỹ thuật; cơ quan thực hiện đăng kiểm phương tiện; áp dụng sản phẩm công nghiệp cho phương tiện thủy; hồ sơ, thủ tục đăng kiểm…

Cụ thể, các loại hình kiểm tra (kiểm định) kỹ thuật gồm: kiểm tra lần đầu (phương tiện khi đóng mới, phương tiện nhập khẩu, phương tiện đã đóng không có sự giám sát của đăng kiểm); kiểm tra chu kỳ (định kỳ, hàng năm, trên đà, trung gian); kiểm tra bất thường; kiểm tra hoán cải.

So với quy định hiện nay, bổ sung loại hình kiểm tra phương tiện đã đóng nhưng không có sự giám sát của cơ quan đăng kiểm và kiểm tra hoán cải. Nội dung và thời hạn các loại hình kiểm tra được thực hiện theo quy định chi tiết tại thông tư.

 Phương tiện thủy được đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi, nhập khẩu ở khu vực nào thì đơn vị đăng kiểm có đủ năng lực, thẩm quyền phụ trách khu vực đó thực hiện kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.

Cũng đáng chú ý, Bộ GTVT quy định phân cấp mạnh việc thực hiện đăng kiểm giữa Cục Đăng kiểm VN và các đơn vị đăng kiểm thủy trực thuộc, đơn vị thuộc Sở GTVT. Cụ thể, Cục Đăng kiểm VN không trực tiếp kiểm định, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho phương tiện thủy (nhập khẩu, đang khai thác…) như hiện nay mà chỉ thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế và tài liệu hướng dẫn của phương tiện.

Trong khi đó, Chi cục Đăng kiểm thực hiện kiểm định phương tiện và thêm công việc thẩm định hồ sơ thiết kế, tài liệu hướng dẫn của tàu. Các đơn vị đăng kiểm thủy (Chi cục Đăng kiểm hoặc đơn vị thuộc Sở GTVT) được đánh giá năng lực, xếp theo các hạng I, II, III và được tiếp nhận đăng kiểm loại phương tiện tương ứng với năng lực.

Điểm mới khác, thông tư quy định: sản phẩm công nghiệp đã được Cục Đăng kiểm VN kiểm tra và cấp giấy chứng nhận sử dụng cho tàu biển thì được sử dụng cho phương tiện thủy nội địa. Tương tự, sản phẩm công nghiệp được Cục Đăng kiểm VN hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài công nhận kiểu loại để sử dụng cho tàu biển thì được dùng cho phương tiện thủy.

Nhằm giảm thủ tục hành chính, thông tư cũng quy định việc nộp, giải quyết hồ sơ, thủ tục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa bằng các hình thức trực tiếp, hệ thống bưu chính hoặc dịch vụ công trực tuyến với trình tự, thời hạn giải quyết cụ thể.

Trước thực tế một số Sở GTVT địa phương hiện không tổ chức được đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy và công tác đăng kiểm phương tiện thủy do Chi cục Đăng kiểm (trực thuộc Cục Đăng kiểm VN) đảm nhiệm, thông tư bổ sung quy định: Đơn vị đăng kiểm có trách nhiệm thực hiện công tác đăng kiểm phù hợp với năng lực được Cục Đăng kiểm VN thông báo. Trong trường hợp có đề nghị của Sở GTVT thì nhiệm vụ đăng kiểm được phân công cho đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở GTVT sẽ do Chi cục Đăng kiểm thực hiện.

Ý kiến của bạn

Bình luận