Bi hài chuyện thiếu nước sinh hoạt và những "sáng tạo" của người dân

Tác giả: Quỳnh An

saosaosaosaosao
Xã hội 22/08/2015 07:44

Sử dụng nước điều hòa, đi xin nước, mua nước, đục đường ống và di cư sang nơi ở khác đó chính là thực trạng tại ngõ 98 đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) bởi 1 tuần nay các hộ dân ở đây phải sống trong cảnh mất nước, không có nước sinh hoạt.

IMG_3850
Ông Chu Văn Nụ đục đường ống để hạ van nước với hy vọng có nước chảy về.

 Di cư nơi ở, đục đường ống nước

Theo phản ánh của người dân, từ khi vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 13 thì tại ngõ 98 đường Xuân Thủy cũng bị ảnh hưởng theo. Dù 1 tuần trôi qua nhưng tại khu vực trên vẫn đang chịu cảnh mất nước, không đủ nước sạch để sinh hoạt khiến cuộc sống bị đảo lộn.

“Một tuần nay mất nước chúng tôi phải đi xin từng xô nước về sinh hoạt…nhưng số lượng người chịu cảnh mất nước đông nên đi xin cũng khó. Số nước xin được cũng chỉ đủ để đánh răng rửa mặt chứ nấu nướng hay tắm giặt đều không đủ dùng. Tôi không nghĩ có cảnh như ngày hôm nay, gần 70 tuổi rồi mà vẫn lọ mọ đi xin nước quá thời bao cấp. Kiến nghị nhiều quá họ cũng cho được tí nước nhưng khi chảy về vòi nó cũng chỉ nhỏ giọt hứng cả ngày may ra được xô nước”, đó là chia sẻ của bà Miến ở khu tập thể báo chí ngõ 98.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Thái Bá Thể sống tại số nhà 16 C10, ngõ 98 đường Xuân Thủy mở tay ra vặn vòi nước cạn khô kêu than: “Không có nước ăn, nước sinh hoạt cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn. Lắm hôm cả nhà tôi ra ngoài hàng ăn, tắm rửa thì sang nhà con cái. Rửa rau không dám đổ nước đi mà vẫn để sử dụng lại,  nước điều hòa cũng vậy, cây cối trên tầng nhà tôi không có nước cũng chết hết cả rồi. Mất điện còn chịu đựng được chứ mất nước quả thật rất khổ, mong cơ quan chức năng có biện phám gì khắc phục chứ để tình trạng như này kéo dài thêm nữa chúng tôi không chịu được.”.

IMG_3828
Ông Thái Bá Thể mở vòi nước cạn khô gần tuần nay.

 Không những ông Thể mà bà Bùi Thị Bính số nhà 15 cũng xót ruột nói: “Cắt nước cả tuần đến sáng ngày 20/8 họ cho được 30 phút rồi lại tịt nước không chảy nữa. Một số nhà thì sang trường Báo chí ...xin nước, còn đâu dân chúng tôi cũng phải đi sơ tán. Thậm chí nhiều gia đình còn đục cả đường ống nước thải ra để lấy nước về dội nhà vệ sinh. Tổ dân phố cũng kiến nghị lên Xí nghiệp nước sạch Cầu Giấy nhưng cũng không ăn thua. Thực tế ngày 18/8 họ nói là cắt nước luân phiên thế nhưng thực tế ở đây mất trước đó mấy ngày rồi. Nhà nào cũng dùng bơm hút đường ống nước nhưng có nước đâu”, nói rồi bà Bính chỉ tay ra chỗ ông cụ đang đục gõ tiếp lời: “Đấy không có nước những nhà cao họ còn phá đồng hồ xuống thấp để hy vọng có nước chảy vào”.

Men theo con ngõ nhỏ giữa trời nắng chúng tôi tìm đến nhà ông Chu Văn Nụ, người đang phá đồng hồ xuống thấp với hy vọng sẽ có nước chảy về. Gạt mồ hôi ông Nụ cho hay: “Những nhà cao nước không chảy tới nên tôi phải phá van nước này để hạ xuống thấp may ra có hy vọng, chứ mất nước, không được tắm giặt người khó chịu lắm”.

Nước chảy nhỏ giọt

IMG_3826
Một số hộ gia đình ở đầu nguồn đã có nước nhưng chỉ chảy nhỏ giọt 30 phút rồi lại mất.

 Trao đổi với Tạp chí GTVT, bà Vũ Thị Thuận tổ trưởng tổ dân phố 14 (ngõ 98, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy) cho biết, đúng là có tình trạng mất nước gần tuần nay như bà con phản ánh. Tổ dân phố cũng có kiến nghị lên xí nghiệp kinh doanh nước Cầu Giấy họ cũng cho người xuống kiểm tra. Đến ngày 21/8 thì đã có nước nhưng chảy yếu không đủ dùng, còn một số hộ gia đình có đường ống cao thì chưa có nước chảy vào. Trước tình trạng mất nước bên tổ tôi cũng không nhận được bất kỳ thông báo của xí nghiệp nước”, bà Thuận nói.

 Ông Trịnh Kim Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, sau khi sự cố vỡ đường ống nước sông Đà, Viwasupco đã giảm áp nên một số hộ dân ở khu vực Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình…bị ảnh hưởng mất nước.

“Trước tình trạng trên, Công ty nước sạch buộc phải cấp nước luân phiên dồn một phần nước của các quận có nước chia sẻ cho những quận bị mất nước. Đồng thời Công ty cũng huy động các xe cung cấp nước miễn phí cho dân cư ở một số khu vực. Tuy nhiên, việc sử dụng các xe chỉ là tạm thời chứ không thể đáp ứng đầy đủ nước sinh hoạt cho bà con được”, ông Giang chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận