Chợ hoa Hàng Lược chỉ họp một lần trong năm, thông thường từ 23 đến 30 tháng Chạp Âm lịch nhưng đã được tổ chức sớm hơn trong 2 năm trở lại đây. Phiên chợ kéo dài từ đoạn giao phố Gầm Cầu đến phố Chả Cá khiến con đường vốn đã sầm uất vào ngày thường càng thêm đông đúc hơn bởi dòng người từ khắp nơi đổ về.
Vào những ngày này, xe máy không được lưu thông trong khu vực chợ hoa Tết. Vỉa hè, lòng đường phố Hàng Lược trở thành nơi bán hàng của các tiểu thương với cây, hoa, đồ trang trí… Hình ảnh người bán cầm cành đào nhỏ đi dọc phố mời khách mua rất dễ thấy khi đến đây. Mỗi cành có giá từ 50.000 đến 100.000 đồng.
Anh Nguyễn Đình Toàn (Cửa Nam, Hà Nội) đến chợ hoa từ sớm để kết hợp mua sắm đồ Tết và đồ cúng ngày 23 tháng Chạp. Anh cho biết, mỗi dịp cuối năm anh đều lên chợ hoa Hàng Lược ít nhất một lần: “Năm nào xong việc sớm, tôi lên đây đi dạo ngắm chợ, còn bận như năm nay, tôi chạy xe lên sớm cho đỡ đông, mua xong rồi về luôn. Đến chợ hoa một lát thôi nhưng thế cũng là có không khí Tết rồi”.
Hoa đào bán tại chợ đến từ nhiều nguồn khác nhau, đa phần trồng ở Nhật Tân và các huyện ngoại thành Hà Nội. Khác với chợ hoa Lạc Long Quân chuyên bán đào gốc với những cây có giá hàng chục triệu đồng, chợ Hàng Lược chủ yếu bán đào cành từ nhỏ tới vừa. Ông Nguyễn Quý (Hai Bà Trưng) chia sẻ, đến chợ Hàng Lược ngắm hoa đã trở thành một nét văn hóa với người dân Hà Nội từ ngày xưa. Theo ông Quý, dù con phố đã không còn giữ nghề làm lược nhưng chợ hoa thì năm nào cũng có, vẹn nguyên như 100 năm trước.
Chợ hoa Hàng Lược năm nay xuất hiện thêm loại tuyết mai với giá 240.000 đồng một bó. Theo người bán, loại hoa này phải nhập khẩu từ Nhật Bản, tươi lâu và rất dễ chăm sóc. Trước đây, người mua muốn trưng tuyết mai trong nhà phải đặt trước tại các cửa hàng hoa nhập khẩu với giá cao gấp đôi mức hiện tại.
Chị Hòa, một người bán đào tại chợ cho hay, càng những ngày cận Tết chị bán càng đắt hàng: “Tôi bắt đầu bán từ một tuần nay nhưng đến 20 tháng Chạp mới bắt đầu đông khách. Năm nay, những cành đào nhỏ bán chạy hơn năm trước. Khách thích những cành nhỏ để bày ban thờ từ trước 23 tháng Chạp, hoặc họ mua cầm đi chụp ảnh cho tiện”.
Bên cạnh đào, mai, quất… những loại hoa giấy, hoa lụa tràn ngập góc phố Hàng Lược giao Hàng Rươi. Người bán hàng tại đây cho biết, hoa giả được ưa chuộng bởi có giá phải chăng lại bền, có thể trưng quanh năm trong nhà hoặc trên ban thờ.
Đồ trang trí Tết năm nay có thêm mặt hàng pháo giả gần giống hình ảnh những bánh pháo ngày xưa. Loại pháo này làm từ giấy cuộn tròn và nối với nhau bằng dây, có giá khoảng vài chục nghìn tùy kích thước. David, du khách Canada lần đầu đến Việt Nam, kể về cảm nhận của mình: "Không khí năm mới ở đây rất mới lạ và thú vị với tôi. Ở Canada, năm mới là lúc tuyết phủ đầy nhưng các bạn lại có tiết trời ấm áp, các loại hoa đua nở khắp nơi".
Một điểm mới tại chợ Hàng Mã (liền với chợ Hàng Lược) là bánh chưng, bánh tét giấy. Chị Linh, chủ một cửa hàng kinh doanh tại đây chia sẻ, năm nay vẫn có nhà lầu, xe hơi, smartphone giấy… như các năm trước với mức giá giữ nguyên. Ngoài bánh chưng, bánh tét, chị Linh và các hộ bán hàng mã khác còn nhập thêm iPhone X và những mẫu cành vàng lá ngọc có thiết kế mới.
Một đôi bạn chụp ảnh với các đồ trang trí trên phố Hàng Mã. Anh Tiến, thợ chụp ảnh dịch vụ có mặt tại chợ Hàng Lược, cho hay, năm nay, việc các bạn trẻ rủ nhau lên Hàng Mã chụp ảnh đã không còn phổ biến. “Có thể điểm đến này đã bão hòa, chợ quá đông hoặc một số cửa hàng đã treo biển cấm chụp ảnh. Thời điểm hiện tại, các bạn trẻ đang thích những góc ảnh ở vườn đào và các hàng cà phê có thiết kế nội thất đẹp”, anh Tiến nói thêm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.