Theo một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên tạp chí Nature, con người đã gián tiếp gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu từ giữa thế kỷ 19, thậm chí nhiều thập kỷ trước khi các nhà khoa học bắt đầu tính toán.
Tạp chí Time nhận định, nghiên cứu này cũng đặt ra vấn đề nhận thức về biến đổi khí hậu hiện nay. Tưởng chửng là một hiện tượng không đáng quan ngại trong thế kỷ 20 nhưng cho đến khi chịu tác động của khí nhà kính, hậu quả của biến đổi khí hậu mới thực sự khắc nghiệt hơn bao giờ hết trong thế kỷ 21. Thậm chí chỉ với lượng khí thải nhà kính tương đối thấp thời kỳ đầu cuộc cách mạng công nghiệp đã đủ đóng góp rất lớn vào xu hướng tăng nhiệt trong suốt thế kỷ này.
Tác giả nghiên cứu, nhà khoa học Nerilie Abram thuộc trường Đại học Quốc gia Úc cho biết: "Đó là một phát hiện bất thường. Đó cũng là một trong những lúc, khoa học thực sự khiến chúng ta phải bất ngờ. Kết quả rất rõ ràng, hiện tượng khí hậu nóng lên mà chúng ta đang được chứng kiến ngày nay đã bắt đầu từ cách đây 180 năm trước".
Cuộc cách mạng công nghiệp hóa đã chính thức châm ngòi cho cuộc chiến giữa con người và tự nhiên mà tại đó, con người chắc chắn sẽ là bên phải chịu thiệt lớn nhất.
Nhiều nghiên cứu trước đây thường dựa vào nền nhiệt độ mặt đất tại khu vực Bắc bán cầu để đánh giá xu hướng nóng lên. Tuy nhiên theo nghiên cứu chỉ ra, Bắc bán cầu không phải là nơi đầu tiên con người gây nên hiện tượng Trái Đất nóng lên. Nhóm nghiên cứu đã xem xét nguồn dữ liệu lịch sử có nguồn gốc từ tự nhiên như san hô, vân gỗ và băng để xác định xu hướng tăng nhiệt thực sự.
Kết quả cho thấy, xu hướng tăng nhiệt liên tục và mạnh mẽ đã xảy ra lần đầu tiên tại vùng biển nhiệt đới và Bắc Cực trong những năm 1830, tức cách khoảng vài chục năm trước khi con người bắt đầu xây dựng bộ dữ liệu đo nhiệt độ ngày nay.
Nerilie Abram cùng các đồng sự cũng xem xét nền nhiệt độ gia tăng giữa các vùng địa lý khác nhau trên thế giới với một nhóm các yếu tố khí hậu đa dạng gồm hải lưu. Trong đó, Bắc Cực chịu ảnh hưởng khá mạnh của dòng hải lưu Bắc Đại Tây Dương có tính chất ấm và thường gây nên hiện tượng băng tan. Đó cũng là một trong những lý do giải thích tại sao nền nhiệt độ tại Bắc Cực dường như gia tăng nhanh hơn so với bất cứ nơi nào khác trên thế giới, khoảng 16 độ C trong mùa đông này. Trong khi đó, nền nhiệt tại Nam Cực lại tăng tương đối chậm.
Nhóm nghiên cứu khẳng định, công trình của họ sẽ khuyến khích nhiều nghiên cứu về hiện tượng nóng lên toàn cầu khác cùng tham gia để đạt được một bộ dữ liệu tổng quan, đầy đủ nhất về cách khí hậu của Trái Đất đang biến chuyển từng ngày.
Tất nhiên, nhân tố con người trong sự cấu thành hiện tượng nóng lên toàn cầu thế kỷ 19 không rõ rệt như hiện nay, khi quá trình công nghiệp hóa của con người vẫn đang tiếp tục phát triển. Nhiệt độ gia tăng chỉ nằm trong ngưỡng giới hạn của tự nhiên cho đến những năm 1930. Kể từ đó tới nay, nền nhiệt độ Trái Đất luôn vượt qua ngưỡng có thể tự điều chỉnh, lẽ dĩ nhiên dẫn tới hệ lụy không ai mong muốn, đó là Trái Đất nóng lên.
Đỉnh điểm của biến đổi khí hậu có lẽ chưa đến nhưng những chớm nở của hiện tượng này trong hơn một thập kỷ đầu của thế kỷ 21 là rất rõ ràng. Tháng 7/2016 vừa qua đã đánh dấu là tháng Bảy nóng nhất lịch sử nhân loại. Liệu rằng, danh sách nhiệt độ kỷ lục có thể sẽ tiếp tục nối dài lên tính theo từng ngày hay không là điều khó ai đoán trước được.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.