"Biến sân bay là nhà" khiến các hãng hàng không đau đầu

Giao thông toàn cầu 15/04/2021 09:48

Trong khi hầu hết khách bay đều không muốn lưu trú tại sân bay nhưng vì nhiều lý do cũng có người lại cố biến sân bay thành nhà để cư trú.

 

http___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_210405121523

Vào tháng 1 vừa qua, một người đàn ông 36 tuổi tên Aditya Singh đã bị bắt giữ sau khi người ta phát hiện anh đã sống tại sân bay quốc tế O'Hare (Chicago, Mỹ) suốt 3 tháng trời. Kể từ tháng 10 năm ngoái, người đàn ông này đã sống trong khu an ninh sân bay, dựa vào lòng tốt của người lạ để có đồ ăn, thức uống, ngủ tại nhà ga và sử dụng các tiện nghi phòng tắm. Mãi cho đến khi một nhân viên sân bay yêu cầu anh ta xuất trình giấy tờ thì mọi chuyện vỡ lở.

Singh không phải là người đầu tiên "sống bám" tại các sân bay. Đã từng có rất nhiều trường hợp phải vạ vật tại các sân bay nhưng không phải ai cũng muốn như vậy.

Hòa mình vào đám đông

Sân bay thường được ví như thành phố thu nhỏ. Một người nào đó hoàn toàn có thể sống tại các sân bay vì nơi đây cung cấp nhiều tiện nghi cơ bản cần thiết cho sự sống như: thức ăn, nước uống, phòng tắm, nơi nghỉ ngơi... miễn là không để bị "những người điều hành thành phố" tóm được. Nhiều nhà ga sân bay lớn đến mức, những người đàn ông như O'Hare có thể tìm cách tránh bị phát hiện suốt một thời gian dài.

Để tránh cơ quan chức năng, những người này thường ẩn mình trong đám đông. Trước đại dịch, các sân bay của Mỹ đón từ 1,5-2,5 triệu hành khách mỗi ngày. Kể từ khi đại dịch xảy ra, con số này giảm xuống chỉ còn chưa đến 100.000 người trong những tuần đầu khủng hoảng đại dịch năm ngoái. O'Hare đã đến đây vào giữa tháng 10/2020, khi lượng hành khách đã bắt đầu tăng trở lại. Mãi đến cuối tháng 1 vừa rồi, anh ta mới bị phát hiện, khi số lượng hành khách giảm đáng kể do mùa cao điểm du lịch cuối năm qua đi và sự bùng phát trở lại của Covid-19.

Sống vạ vật vì bị mắc kẹt

Khác với O'Hara, nhiều người buộc phải ăn ngủ tại sân bay vì bị mắc kẹt do lỡ chuyến, hủy chuyến hoặc thời tiết xấu, nhưng những trường hợp này thường hiếm khi ở lại sân bay quá 1-2 ngày. Ấy thế mà vẫn có những người vô tình trở thành cư dân vô thời hạn tại các "thành phố thu nhỏ". Nổi tiếng nhất là Mehran Karimi Nasseri, người đã sống ở sân bay Charles de Gaulle, thủ đô Paris, Pháp suốt 18 năm. Câu chuyện của ông là đề tài cho bộ phim "The Terminal" của đạo diễn nổi tiếng Stephen Spielberg do Tom Hanks đóng chính. Nasseri là một người tị nạn đến từ Iran, đang trên quãng đường bay đến Anh qua Bỉ và Pháp vào năm 1988 thì bị mất giấy tờ xác minh tình trạng tị nạn của mình. Không có những giấy tờ ấy, ông không thể lên máy bay đến Anh nhưng cũng không được phép rời sân bay Paris và nhập cảnh vào Pháp. Sự việc của ông nhanh chóng gây sốt khắp thế giới khi tạo ra cuộc tranh luận giữa 3 quốc gia: Anh, Pháp, Bỉ. Có thời điểm, chính quyền Pháp đã cho phép ông cư trú tại Pháp nhưng Nasseri đã từ chối lời đề nghị đó vì bản thân ông muốn đến Anh. Vì vậy, ông đã ở lại sân bay Charles de Gaulle gần 18 năm và chỉ rời sân bay đúng 1 lần vào năm 2006 khi sức khỏe đã quá sa sút đến mức phải nhập viện.

http___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_210405115758
Mehran Karimi Nasseri theo dõi màn hình các chuyến bay ngày 12/8/2004 tại nhà ga sân bay Paris Charles De Gaulle

Một cư dân dài hạn khác là Edward Snowden cũng đã bị mắc kẹt ở một sân bay tại Nga năm 2013 trước khi được tiếp nhận tị nạn. Sau đó là câu chuyện về Sanjay Shah, đến Anh vào tháng 5/2004 bằng hộ chiếu công dân nước ngoài của Anh. Tuy nhiên khi nhập cảnh, anh đã bị từ chối. Sau khi bị mắc kẹt ở sân bay vài tháng, Shah bị đưa trở lại Kenya trong sợ hãi vì anh đã từ bỏ quốc tịch Kenya. Cuối cùng, Shah cũng đã rời khỏi sân bay sau khi được chính quyền Anh cấp quyền công dân đầy đủ.

Mới đây nhất, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những cư dân sân bay miễn cưỡng mới. Ví dụ như một người Estonia tên Roman Trofimov đến sân bay quốc tế Manila trên chuyến bay từ Bangkok vào 20/3/2020. Thời điểm người đàn ông này đến, chính quyền Philippines đã ngừng cấp thị thực nhập cảnh để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Trofimov đã mắc kẹt hơn 100 ngày ở sân bay Manila cho đến khi được giải cứu bởi đại sứ quán Estonia và được trở về quê hương.

Tìm nơi trú ẩn

Trong khi hầu hết cư dân sân bay không tự nguyện lưu trú tại đây thì một số khác lại cố gắng biến sân bay thành nơi ở lâu dài của họ. Các sân bay lớn ở Mỹ và châu Âu từ lâu đã trở thành những nơi trú ẩn cho người vô gia cư, dù không chính thức. Đại dịch Covid-19 đã gây thêm mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng cho nhóm cư dân sân bay này. Phần lớn những người điều hành sân bay vẫn cố gắng cung cấp viện trợ cho các đối tượng này. Chẳng hạn như sân bay quốc tế Los Angeles, các nhân viên sân bay đã được bố trí để tiếp cận, thỏa hiệp và kết nối những người vô gia cư này với  nhà ở và các dịch vụ khác. Mặc dù vậy, hầu hết các nhà điều hành sân bay đều không thích thú gì với việc nhiều người vô gia cư dần biến những nơi này trở thành ngôi nhà của chính họ.

Ý kiến của bạn

Bình luận