Bỏ chấp thuận luồng tuyến: Doanh nghiệp mừng

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 21/12/2015 14:15

Hiện nay, các doanh nghiệp muốn kinh doanh vận tải tuyến cố định phải làm hồ sơ xin chấp thuận tuyến của hai sở GTVT, nếu được chấp thuận thì doanh nghiệp mới được phép hoạt động. Với quy định tại Thông tư số 60 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2016), các sở GTVT sẽ phải công bố chi tiết biểu đồ chạy xe. Doanh nghiệp căn cứ trên biểu đồ sẽ biết được "lốt" xe nào còn trống để đăng ký và nếu có hồ sơ hợp lệ thì đương nhiên được quyền vào khai thác chứ không cần có sự chấp thuận của các sở GTVT như trước. Dưới đây là ghi nhận của các doanh nghiệp về đổi mới trong việc cấp phép hoạt động vận tải thời gian tới.

Đổi mới quản lý vận tải cơ bản đáp ứng mong đợi của người dân và doanh nghiệp 

Do Van Bang

Ông Đỗ Văn Bằng

Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát

Việc bỏ quy định chấp thuận tuyến vận tải khách cố định được quy định tại Thông tư số 60 của Bộ GTVT sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị, bởi hiện nay các doanh nghiệp đang khai thác tuyến ổn định ở các bến xe, với lộ trình, giờ chạy đã rõ ràng.

Chủ trương đổi mới công tác quản lý và kinh doanh vận tải của Bộ GTVT trong thời gian vừa qua đã cơ bản đáp ứng mong đợi của người dân và doanh nghiệp. Khi Thông tư 60 chính thức có hiệu lực vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với doanh nghiệp vận tải. Bởi vì, để có "đất sống" trước một thị trường cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp vận tải sẽ tự chủ một cách toàn diện chứ không thể cứ mãi hoạt động manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.

Đổi mới vì sự phát triển doanh nghiệp

Thông tư 60 khi đi vào cuộc sống sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Ngày trước "xe dù", "bến cóc", phương tiện chất lượng dịch vụ kém, không đảm bảo, ảnh hưởng đến ATGT. Thông tư mới ra đời quy định chặt chẽ, hợp lý, tích cực, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh doanh vận tải. Tôi đánh giá cao những đổi mới trong kinh doanh vận tải của Bộ GTVT thời gian qua. Những đổi mới đó đã góp phần tích cực vì mục tiêu phát triển doanh nghiệp.

Thời gian qua, tình trạng "xe dù", "bến cóc" đã tồn tại khá lâu, kéo dài nhiều năm nay và đa phần ở dạng “open tour” nhưng cơ quan chức năng xử lý chưa triệt để và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp tuân thủ quy định như Phương Trang có những phòng vé, thực hiện trung chuyển hành khách ra bến để đi. Tôi nghĩ nếu làm đúng theo luật và siết chặt xe chạy dạng “open tour” sẽ không còn tình trạng "xe dù", "bến cóc". Chúng tôi muốn cạnh tranh lành mạnh để có lợi cho người tiêu dùng. Phương Trang luôn giữ chất lượng phương tiện, từ vệ sinh xe, hệ thống giám sát, camera giám sát hành trình, ATGT đều được quản lý bằng công nghệ thông tin.

Ông Võ Quốc Bình

Phó Tổng giám đốc điều hành

Công ty CP Xe khách Phương Trang (FuTa Bus Lines)

Xóa bỏ "xe dù", xe núp bóng

Hiện nay, tình trạng nhiều doanh nghiệp bỏ bến chạy “dù”, núp bóng hợp đồng chạy tuyến cố định, cố tình chạy phá lộ trình… đang có chiều hướng gia tăng, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đa phần các "xe dù", xe núp bóng hợp đồng tổ chức bán vé, đặt chỗ và tiến hành đón, trả khách ở bất kỳ đâu trong thành phố mà không cần phải vào bến, không bị quản lý giờ giấc, không mất chi phí bến bãi… Trong khi đó, các xe chạy tuyến cố định buộc phải vào bến đón, trả khách, nộp phí... Việc cạnh tranh bất bình đẳng từ các hoạt động vận tải trá hình này khiến Nhà nước thất thu nguồn thuế lớn, phá vỡ kết cấu thị trường vận tải và gây ách tắc giao thông. Vì vậy, theo tôi, việc Thông tư 60 ra đời sẽ cơ bản giải quyết được những vấn đề còn tồn tại, tạo sự cạnh tranh lành mạnh.

Ông Nguyễn Văn Phú

Chủ Doanh nghiệp vận tải Thiên Việt

Doanh nghiệp có thương hiệu sẽ phát huy được hiệu quả

nguyen huu Hoan

Ông Nguyễn Hữu Hoan 

Phó Giám đốc Công ty CP Hoàng Hà

Thông tư 60 của Bộ GTVT ra đời sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải, giảm bớt áp lực, giảm bớt khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Đây cũng là cơ hội cho các tuyến vận tải, các doanh nghiệp đủ mạnh và có thương hiệu hoạt động đúng pháp luật phát huy hiệu quả, từ đó sàng lọc, loại bỏ các chủ "xe dù", xe không đủ điều kiện và các doanh nghiệp có phương tiện và chất lượng phục vụ không tốt.

Tuy nhiên, để làm được điều này, ngành GTVT cần phải quản lý tốt, điều phối, điều tiết và thực thi pháp luật nghiêm thì người dân, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Ở đây, không thể thiếu sự quản lý của Nhà nước để đảm bảo xe chạy trên tuyến an toàn, đúng giờ, hành khách không bị chèn ép, giá cả ổn định, người dân được hưởng dịch vụ tốt hơn từ các doanh nghiệp uy tín, chất lượng. Chỉ cần điều tiết lượng tuyến phù hợp thì doanh nghiệp chắc chắn có lãi để đầu tư. Đặc biệt, cái được lớn nhất khi Thông tư đi vào cuộc sống và công khai luồng tuyến. Khi đó, xe chạy trên đường đỡ bị chèn ép, các lái xe không bị khoán số lượng hành khách, sẽ không còn hiện tượng nhồi nhét khách.

Bên cạnh đó, khi Thông tư 60 đi vào thực tế cũng sẽ có một số vướng mắc nhất định, đó là cung vượt quá cầu, đặc biệt là "xe dù", "xe chợ", xe của doanh nghiệp tư nhân thuê "lốt". Thường thì các nhà xe này tự lái, phụ xe thường là vợ con hoặc anh em, chưa kể đến xe này còn sử dụng “xã hội đen” để cạnh tranh trong việc chạy đua bắt khách, tạo ra môi trường vận tải không lành mạnh, gây khó chịu và mất an toàn cho hành khách.

Sớm hoàn thành khung pháp lý để tạo sân chơi bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải

Pham Minh Suong

Ông Phạm Minh Sương

Giám đốc Khối vận hành, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh

Mai Linh luôn chấp hành những quy định về kinh doanh taxi như khám sức khỏe định kỳ cho tài xế, bảo dưỡng định kỳ và có sổ theo dõi nên khi các quy định như Nghị định 86/CP, Thông tư 63, Thông tư 60 ban hành có hiệu lực thì Công ty chấp hành ngay và đầy đủ về công tác bảo dưỡng sửa chữa định kỳ.

Đối với điều kiện kinh doanh taxi gặp một số vấn đề khó khăn bởi về thời gian lái xe liên tục, do taxi là loại hình vận tải trong đô thị, chỉ đón khách hành trình ngắn (khoảng vài km). Nhiều khi tài xế đã dừng hơn 10 phút nhưng do có cuộc hành trình mới và chưa dừng đủ 15 phút thì vẫn được xem là lái xe liên tục. Thêm vào đó, cũng do loại hình taxi kinh doanh vận tải trong đô thị, cự ly hành trình ngắn và thời gian lái xe dừng nghỉ lắt nhắt khá nhiều nên Bộ GTVT xem xét điều chỉnh thời gian dừng nghỉ còn 3 - 5 phút cho loại hình kinh doanh taxi thay vì 15 phút như quy định hiện nay.

Hiện nay, taxi truyền thống thỏa mãn các điều kiện kinh doanh taxi theo Nghị định 86 và Thông tư 63 được sở GTVT cấp phép. Tuy nhiên, sự xuất hiện loại hình vận tải Grab và Uber nên môi trường kinh doanh chưa được bình đẳng bởi Chính phủ cho phép hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản và Bộ GTVT đang hoàn thiện hướng dẫn về khung pháp lý cho loại hình hợp đồng điện tử, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các loại hình kinh doanh. Trong thời gian chờ Bộ GTVT hướng dẫn khung pháp lý thì những đơn vị này đã hoạt động, dẫn đến môi trường kinh doanh không bình đẳng nên chúng tôi mong Bộ GTVT sớm hoàn thành khung pháp lý để tạo sân chơi bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải.

Ý kiến của bạn

Bình luận