Các chuyên gia kinh tế và người dân cho rằng việc Thủ tướng hủy bỏ "đeo mào" xe công nghệ phù hợp với xu thế công nghệ và tiện ích cho người tiêu dùng. |
Dư luận đồng thuận cao với Chính phủ
Trong bản dự thảo sửa đổi Nghị định 86 lần thứ 9 trình Chính phủ, Bộ GTVT tiếp tục giữ quan điểm sẽ quản lý xe hợp đồng (Grab, Go-viet, Be…) như xe taxi hiện nay, theo đó yêu cầu xe hợp đồng hay xe taxi tới đây đều phải có phù hiệu “xe taxi” dán cố định, đặc biệt có hộp đèn với chữ “TAXI”, “XE HỢP ĐỒNG” gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 12 x 30 cm. Theo Bộ GTVT việc bổ sung nội dung này nhằm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi. Đồng thời, phân biệt xe cá nhân (xe không kinh doanh vận tải) và xe có kinh doanh, tránh tình trạng xe cá nhân trá hình gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Tuy nhiên tại cuộc họp về tình hình đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019 với các địa phương chiều ngày 22/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Bộ GTVT huỷ bỏ đề xuất bắt buộc xe ô tô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn trên nóc xe.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Phải dùng công nghệ để quản lý thay vì gắn hộp đèn như đề xuất của Bộ GTVT. Phải loại bỏ ngay các điều kiện kinh doanh vận tải không cần thiết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thay thế phương thức quản lý truyền thống”.
Chuyên gia kinh tế, Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo yêu cầu huỷ bỏ đề xuất bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe công nghệ là hợp lý, bởi taxi công nghệ không phải là loại hình taxi truyền thống, xe công nghệ thuộc về sở hữu cá nhân và họ thực hiện chuyên chở hành khách thông qua liên kết ứng dụng công nghệ, đây là giao dịch giữa các cá nhân với nhau”.
Có thể Thủ tướng đã nhìn thấy xu hướng tất yếu của một nền kinh tế chia sẻ và chấp nhận sự khác biệt giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ nên đã đưa ra quyết định hủy bỏ không đeo mào xe công nghệ nhằm kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cũng như mang lại những tiện ích cho người dân, ông Hiếu cho biết thêm.
Bất lợi khi bắt buộc xe công nghệ “đeo đồng phục”
Nhìn nhận ở góc độ quản lý, ông Hồ Trọng Ngọc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ và Du lịch Thăng Long cho biết: “Các Hợp tác xã đều thừa nhận từ ngày xe công nghệ được thí điểm triển khai tại Việt Nam đã mang lại rất nhiều thuận tiện trong việc quản lý đầu xe, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt tận dụng số lượng lớn xe nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập cho tài xế. Ngoài ra việc xe công nghệ đã kết nối ứng dụng qua app đã không còn tình trạng khách đứng ngoài đường vẫy xe như trước đây. Vì vậy quy định gắn mào để nhận diện là không cần thiết. Việc gắn mào sẽ xảy ra tình trạng “taxi dù” bùng phát bởi khách không đặt xe qua app mà tự vẫy xe như thế việc quản lý chất lượng sẽ rất khó khăn. Nếu quay lại hình thức hoạt động như trước đây khách bắt xe dọc đường trả tiền mặt cho tài xế nhà nước sẽ bị thất thu thuế”.
Thường xuyên sử dụng dịch vụ xe công nghệ chị Nguyễn Thị Ngân (38 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi thường xuyên đặt xe công nghệ để đi làm và đi lại trong cuộc sống hằng ngày bởi sự tiện ích, đi xe thoải mái, tài xế phục vụ cũng rất văn minh, lịch sự. Nếu ép xe công nghệ đeo mào thì sẽ phát sinh hàng loạt chi phí khi đó cước phí di chuyển tăng chắc chắn người dùng phải gánh chịu. Đặc biệt nếu phải gắn mào số lượng tài xế giảm thì việc đặt xe sẽ khó khăn hơn. Chưa kể việc giảm thu nhập nhiều tài xế chuyển qua chạy dù, như vậy sẽ không kiểm soát được hành trình di chuyển của chuyến xe, thông tin tài xế hành khách đi xe phải đối mặt với nhiều rủi ro và nguy hiểm”.
Kinh nghiệm quản lý xe công nghệ tại một số quốc gia - không gắn mào cho xe công nghệ
Phần lớn các nước trong khu vực và quốc tế không coi các ứng dụng gọi xe là dịch vụ vận tải, và cũng không sử dụng hộp đèn/mào để nhận diện xe công nghệ. Singapore chỉ quản lý xe hợp đồng (private hire car service), mà không có quy định nào đối với dịch vụ gọi xe hợp đồng, và chỉ yêu cầu dán tem xe hợp đồng, chứ không có hộp đèn trên nóc như các phương tiện taxi.
Singapore là thị trường khá sôi động của các hãng xe công nghệ như Grab, Go Jek, Tada, Kardi...và cũng có những điều chỉnh chính sách nhất định đối với loại hình dịch vụ này. Cụ thể, tại Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 7/2017, Singapore không coi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối vận tải là doanh nghiệp vận tải. Các doanh nghiệp như Grab, Go Jek được coi là các doanh nghiệp cung cấp công nghệ và mô hình kinh doanh mới, thông qua nền tảng kinh tế chia sẻ (sharing economy platform), giúp nâng cao hiệu quả nguồn lực, cho phép người dùng có nhiều lựa chọn hơn với chi phí thấp hơn.
Đối với mảng dịch vụ kết nối xe cho thuê cá nhân (tương tự “xe hợp đồng” của Việt Nam), pháp luật về giao thông của Singapore không điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ như Grab, Go Jek hay Tada. Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (có hiệu lực tháng 7/2017) chỉ quy định điều chỉnh đối với phương tiện cho thuê cá nhân (Private Hire Vehicles) và tài xế tham gia vào hoạt động vận tải nhằm đảm bảo sự an toàn và lợi ích của hành khách, cụ thể: Phương tiện cho thuê cá nhân phải được đăng ký với Cơ quan vận tải đường bộ (LTA) và phải dán phù hiệu phương tiện cho thuê cá nhân. Lái xe phải được cấp Giấy phép lái xe cho thuê cá nhân chuyên nghiệp (PDVL), theo đó, lái xe phải có chứng nhận sức khỏe và tham gia khóa huấn luyện kéo dài 10 tiếng về an toàn giao thông và các quy định liên quan. Doanh nghiệp cung cấp phương tiện cho thuê cá nhân được phép hoạt động mà không cần giấy phép vận tải. Tuy nhiên, Luật giao thông đường bộ sửa đổi quy định lái xe phương tiện cho thuê cá nhân không được lái xe cho các doanh nghiệp/nhà điều hành vận tải có 3 vi phạm trở lên trong khoảng thời gian 12 tháng liên tục, bao gồm: cung cấp dịch vụ mà không có giấy phép lái xe cho thuê cá nhân chuyên nghiệp, sử dụng xe không được đăng ký với cơ quan vận tải đường bộ và không có đầy đủ bảo hiểm cần thiết.
Đáng chú ý, Luật này quy định các xe tham gia nền tảng kết nối phải dán đề can chống giả mạo trên kính trước và sau xe. Đề can được cấp bởi Cục Giao thông Đường bộ Singapore, có kích thước 10 cm x 14 cm.
Để nhận diện Grab Cục GTĐB Singapore cho dán đề can trên kính mà không bắt buộc đeo mào |
Khác với Singapore, chính phủ Thái Lan vẫn đang trong quá trình thảo luận về chính sách đối với loại hình dịch vụ này. Các cơ quan quản lý đang đẩy nhanh quá trình xây dựng quy định để chính thức hợp pháp hóa dịch vụ gọi xe như một nỗ lực nhằm thúc đẩy ngành du lịch của đất nước này. Hiện nay, mặc dù chưa được hợp thức hóa, các dịch vụ xe cá nhân kết nối qua ứng dụng vẫn đang hoạt động song song với xe taxi truyền thống, với điều kiện phương tiện được đăng ký đầy đủ, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu di chuyển của người dân và khách du lịch. Các xe sử dụng kết nối này không phải đeo mào như taxi.
Thủ đô Washington, tiểu bang Illinois, thành phố New Orleans (tiểu bang Louisana), bang Virginia, thành phố Seattle (tiểu bang Washington) (Mỹ) v.v... cũng đã có các quy định tương tự để đưa hình thức “đi chung xe” của Uber vào khuôn khổ pháp luật. Các điểm chung nổi bật trong các quy định này bao gồm: quy định nghiêm ngặt về kiểm tra lý lịch lái xe, lấy dấu vân tay tài xế, kiểm tra chất lượng phương tiện, chính sách không khoan nhượng với lái xe sử dụng đồ uống có cồn và ma túy khi lái xe, cấm các xe sử dụng dịch vụ kết nối vận tải đón khách vẫy trên đường…
Về việc nhận diện phương tiện, thủ đô Washington DC, Mỹ quy định xe công nghệ phải có logo, phù hiệu, đề can hoặc dấu hiệu nhận diện thương mại (trade dress) đồng bộ đặc trưng riêng ở bên ngoài của phương tiện. Dấu hiệu nhận diện thương mại phải được gửi cho Ủy ban Taxi Columbia (District of Columbia Taxicab Commission - DCTC) để Ủy ban biết được dấu hiệu nhận diện của mỗi công ty. Dấu hiệu nhận diện phải đủ lớn và có màu dễ thấy được từ khoảng cách 50ft (~15m), trong điều kiện ánh sáng ban ngày, và phản quang, phát sáng hoặc có thể nhìn rõ trong bóng tối.
Xe công nghệ Grab tại Washington không hề có đeo mào |
Trước khi xuất hiện tại thị trường Việt Nam, xe công nghệ đã có mặt và phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ mang lại nhiều tiện ích cho người dân chính quyền các nước đã nhanh chóng ban hành những quy định phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền lợi cho tài xế và người tiêu dùng.
Cần có chính sách quản lý xe công nghệ phù hợp để thúc đẩy được sự phát triển kinh tế. |
Tương tự tại Indonesia xe công nghệ được điều chỉnh bởi luật về Dịch vụ Vận tải Cho thuê Đặc biệt, trong đó quy định phương tiện cơ giới công cộng có màu phân biệt với xe khác (chữ đen trên nền vàng). Các chữ cái trên biển số cũng thể hiện khu vực đăng ký và hoạt động của phương tiện.
Như vậy có thể thấy, có rất nhiều cách mà các nước sử dụng để nhận diện và quản lý xe công nghệ mà không nhất thiết phải cột vào một bó với Taxi truyền thống, Việc quản lý vừa kết hợp được lợi ích của nhà nước là quản lý và thu thuế cộng thêm việc thuận lợi cho chủ xe và người sử dụng.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng chuyên gia Chính sách công cho rằng: “Không cần phải “ép” xe công nghệ vào “ngành vận tải”, Nhà nước vẫn có thể quản lý mà không gây tổn hại tới lợi ích công nào. Làn sóng công nghệ và giải pháp sáng tạo sẽ thay thế những cái cũ kém hiệu quả hơn là chuyện đương nhiên phải chấp nhận chứ không thể “kìm hãm” theo cách “siết chặt” theo tư duy quản lý nhà nước như hiện nay. Tôi cho rằng cạnh tranh thì phải tuân theo quy luật của thị trường, doanh nghiệp nào làm tốt, hiệu quả hơn thì sẽ tồn tại và phát triển, nếu taxi truyền thống cứ mãi chậm đổi mới thì phải chấp nhận “thất bại”. Trong bối cảnh có sự xuất hiện của nhân tố mới, vấn đề ở đây là Nhà nước phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa “taxi truyền thống” và xe công nghệ. Cơ quan quản lý cần “cởi trói” cho taxi truyền thống bằng cách bãi bỏ những quy định khắt khe không phù hợp, đồng thời yêu cầu các nhà cung cấp ứng dụng kết nối phải phối hợp với Nhà nước để việc đảm bảo các nghĩa vụ thuế của đối tác vận tải, bảo vệ người lao động, đặc biệt là bảo vệ người tiêu dùng”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.