Bộ GTVT: Cần sớm kiện toàn công tác quản lý tài sản KCHT đường sắt

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Thị trường 15/04/2021 14:58

Ngành Đường sắt hiện đang gặp vô vàn khó khăn do những vướng mắc về vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chưa được tháo gỡ.


bao-tri-duong-sat-1550826732-width1004height565

Mấu chốt vướng mắc hiện nay ở việc chưa xác định được sẽ giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hay Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN). Trong những năm qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là đơn vị doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh trực tiếp toàn bộ tài sản KCHTĐS. Tuy nhiên, Tổng công ty ĐSVN đã chuyển từ Bộ GTVT sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý. Do đó, tại Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ GTVT trình Thủ tướng, Bộ GTVT đã đề xuất cơ chế giao dự toán kinh phí bảo trì cho Cục ĐSVN trước khi phân bổ lại cho Tổng công ty ĐSVN.

Ngày 12/4 vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản kiến nghị khẩn đến Thủ tướng liên quan đến việc này. Lãnh đạo Tổng công ty đề xuất vẫn tiếp tục giao vốn cho Tổng công ty quản lý nhằm giảm các cấp trung gian, thủ tục hành chính trong việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản. Mặt khác, Cục ĐSVN hiện chỉ có hơn 100 nhân lực nên nếu giao cho Cục có nguy cơ gây chậm trễ, ách tắc công tác bảo trì.

Cho ý kiến thẩm định về đề án, trước đó, Bộ Tư pháp cũng đã có Công văn số 193/BTP-PLDSKT ngày 22/1/2021 lựa chọn phương án giao cho Tổng công ty ĐSVN quản lý, sử dụng tài sản KCHTĐSQG đến năm 2030 nhằm tạo khoảng thời gian hợp lý để doanh nghiệp có thể lập và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả và phù hợp với đặc thù kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Pháp luật hiện hành không quy định cứng thời hạn giao là bao nhiêu năm mà chỉ quy định “giao trong một thời gian nhất định”. Do đó, Bộ Tư pháp chọn phương án giao tài sản KCHTĐS quốc gia cho Tổng công ty ĐSVN đến năm 2030.

Giao cho Cục ĐSVN là phù hợp quy định pháp luật

Giải trình ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ GTVT nêu quan điểm, trên cơ sở quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 46/2018/NĐ-CP, thời gian 5 năm (2021-2025) là khoảng thời gian phù hợp để Bộ GTVT, Cục ĐSVN và Tổng công ty ĐSVN thực hiện các nội dung như: Hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, khai thác, kinh doanh tài sản KCHTĐS quốc gia; kiện toàn cơ cấu tổ chức của Cục ĐSVN cho phù hợp để thực hiện vai trò là cơ quan quản lý nhà nước quản lý tài sản KCHTĐSQG và thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị định số 46/2018/NĐ-CP đã quy định. Việc quy định như vậy để sớm kiện toàn công tác quản lý tài sản, khắc phục các tồn tại, bất cập trong công tác quản lý tài sản KCHTĐSQG, phù hợp với mục tiêu của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 46. Quan điểm này của Bộ GTVT cũng được sự thống nhất của Bộ Tài chính.

Về phương thức giao quản lý, sử dụng tài sản KCHTĐS quốc gia, Bộ Tư pháp kiến nghị nên giao một số tài sản KCHTĐS quốc gia như khu ga, một số tuyến đường sắt cho Tổng công ty ĐSVN theo phương thức  tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đã được quy định tại Điều 97 và Điều 98 của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công.

Về việc này, Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho biết, việc giao tài sản KCHTĐS quốc gia (297 ga và tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát) cho Tổng công ty ĐSVN tính vào thành phần vốn nhà nước đầu tư và doanh nghiệp nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của Đề án quản lý, sử dụng tài sản KCHTĐS quốc gia. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ giao Tổng công ty ĐSVN xây dựng Đề án khai thác tài sản KCHTĐSQG theo quy định tại Nghị định số 46/2018/NĐ-CP. Trong thời gian này, sẽ xác định rõ những danh mục, giá trị tài sản KCHTĐS sẽ giao cho doanh nghiệp tính vào thành phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; tài sản nào cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Về việc giao dự toán bảo trì KCHTĐS quốc gia, Bộ Tư pháp nhận thấy việc Bộ GTVT giao dự toán quản lý, bảo trì KCHTĐS quốc gia cho Tổng công ty ĐSVN để tổ chức thực hiện là không trái với quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời không phải giao qua các khâu trung gian không cần thiết.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, việc giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt thực hiện công tác quản lý, bảo trì tài sản KCHTĐSQG cho Tổng công ty ĐSVN là không phù hợp với quy định Luật Ngân sách nhà nước. Việc đặt hàng bảo dưỡng KCHTĐS quốc gia phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019.  Bộ GTVT cũng thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính. Do đó, trên cở sở ý kiến của Bộ Tài chính và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ thường trực Trương Hòa Bình, Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020, Bộ GTVT đề xuất giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho Cục ĐSVN quản lý, sử dụng nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và thực hiện đặt hàng bảo dưỡng KCHTĐS quốc gia theo quy định.

Hiện tại, Bộ GTVT đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện công tác đặt hàng bảo trì KCHTĐS quốc gia năm 2021 theo quy định, trong thời gian Đề án chưa được phê duyệt, Bộ GTVT kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty ĐSVN khẩn trương triển khai ký hợp đồng đặt hàng KCHTĐS quốc gia năm 2021 với Cục ĐSVN để đảm bảo chất lượng công trình, an toàn giao thông đường sắt và chế độ người lao động.

Ý kiến của bạn

Bình luận