Bộ GTVT đề xuất mở rộng các dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống ETC

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 15/05/2023 18:33

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai mở rộng các dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng để chi trả cho các dịch vụ liên quan đến hạ tầng giao thông và các dịch vụ khác.

Bộ GTVT kiến nghị cho phép dùng tài khoản thu phí ETC để thanh toán nhiều dịch vụ - Ảnh 1.

Hệ thống thu phí điện tử không dừng trên toàn quốc hiện đã hoàn thành công tác lắp đặt, đưa vào hoạt động đồng bộ

Tài khoản giao thông chỉ chưa thuận lợi tối đa

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về tình hình triển khai, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Theo Bộ GTVT, nhờ chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ có hiệu quả của các bộ, ngành trung ương, đến nay hệ thống thu phí điện tử không dừng trên toàn quốc đã hoàn thành công tác lắp đặt, đưa vào hoạt động đồng bộ đáp ứng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.

Các trạm thu phí trên tuyến quốc lộ đã áp dụng thu phí không dừng tại toàn bộ các làn thu phí, chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp/1 chiều xe chạy. Các tuyến cao tốc tổ chức thu phí không dừng hoàn toàn.

Đã có 141 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, trong đó Bộ GTVT quản lý 95 trạm; địa phương quản lý 43 trạm.

Trong quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, các nhà cung cấp dịch vụ không ngừng hoàn thiện hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người sử dụng.

Người tham gia giao thông có thể nạp tiền trực tiếp tại điểm giao dịch, thông qua hệ thống tin nhắn, phần mềm dịch vụ, ví điện tử, kết nối liên thông giữa tài khoản giao thông với tài khoản ngân hàng của người sử dụng,..)

Với kênh nạp tiền thuận tiện, đa dạng và hệ thống điểm dịch vụ chăm sóc khách hàng trải rộng trên toàn quốc nên đến thời điểm này dịch vụ thu phí không dừng đã trở thành quen thuộc đối với chủ các phương tiện tham gia giao thông thể hiện ở số lượng các phương tiện dán thẻ, mở tài khoản thu phí (tài khoản giao thông) tham gia dịch vụ đạt trên 90% tổng số lượng phương tiện trên cả nước (khoảng 4,6 triệu phương tiện đã dán thẻ tham gia dịch vụ).

Số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí không dừng chiếm tới 90% tổng số giao dịch qua các trạm thu phí trên toàn quốc.

Theo Bộ GTVT, thống kê đến nay đã có gần 30 triệu lượt xe giao dịch thông qua hệ thống thu phí không dừng.

Tuy nhiên, theo quy định hiện nay tài khoản giao thông mới chỉ phục vụ việc thanh toán phí dịch vụ đường bộ chưa tạo được sự thuận lợi tối đa cho người sử dụng, chưa phát huy được hết hiệu quả của tài khoản giao thông và hiệu quả đầu tư của hệ thống.

Trong xu thế chung của việc ứng dụng giao thông thông minh đang thịnh hành trên thế giới, nhiều doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước có ý kiến đề xuất việc mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng đã đầu tư như: Thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định,…

Bộ GTVT
Bộ GTVT nhận thấy việc mở rộng thêm các dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống thu phí không dừng sẽ mang lại nhiều lợi ích xã hội, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và hiệu quả đầu tư của các dự án thu phí điện tử không dừng.

Những lợi ích và sự thuận tiện được Bộ GTVT nêu ra như: Người dân, chủ phương tiện giao thông chỉ cần sử dụng duy nhất một tài khoản giao thông để chi trả cho nhiều dịch vụ qua đó tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, chủ phương tiện giao thông, tiết kiệm chi phí.

Cùng với đó là góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đối với hệ thống giao thông tĩnh hiện còn lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu tại các nhà ga, bến cảng, sân bay, bãi đỗ xe,…

Đồng thời tận dụng nền tảng, hệ thống thu phí không dừng sẵn có mà không phải đầu tư mới một số hệ thống tương tự, tiết kiệm cho người dân, chi phí xã hội, cũng như nâng cao hiệu quả của các dự án thu phí không dừng.

Bộ GTVT kiến nghị cho phép dùng tài khoản thu phí ETC để thanh toán nhiều dịch vụ - Ảnh 6.

Làn ETC tại trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ km17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình

Theo Bộ GTVT, việc mở rộng thêm các dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống thu phí không dừng phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hạn chế sử dụng tiền mặt.

Việc các nhà cung cấp dịch vụ đề xuất triển khai mở rộng thêm dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống thu phí điện tử không dừng phù hợp với quy định tại Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Cần mở rộng dịch vụ để gia tăng tiện ích, thuận lợi

Theo Bộ GTVT, quá trình tổ chức thực hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trước hết là do hệ thống thu phí điện tử không dừng là lĩnh vực mới, liên quan tới nhiều cơ quan, đơn vị, ngành, lĩnh vực nên trong quá trình triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định 07/2017 và 19/2020 làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ tổ chức thực hiện.

Bộ GTVT kiến nghị cho phép dùng tài khoản thu phí ETC để thanh toán nhiều dịch vụ - Ảnh 7.

Dịch vụ thu phí không dừng đã trở thành quen thuộc đối với chủ các phương tiện tham gia giao thông

Tại các Quyết định nêu trên, hệ thống thu phí không dừng (bao gồm cả tài khoản giao thông) chỉ phục vụ việc thanh toán dịch vụ thu phí đường bộ tại các trạm thu phí, không hướng dẫn thanh toán cho các loại dịch vụ khác.

Do vậy, để có thể triển khai mở rộng các dịch khác trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng cần điều chỉnh Quyết định 19/2020 làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Theo Bộ GTVT, việc thanh toán phí đường bộ qua tài khoản giao thông là một loại dịch vụ thanh toán điện tử đặc thù chỉ phục vụ thu phí đường bộ nên không thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng nhà nước. Trường hợp mở rộng dịch vụ thanh toán cần thiết phải có sự quản lý của Ngân hàng nhà nước tương tự như các hình thức thanh toán điện tử khác.

Tại khoản 8, Điều 3, Luật PPP quy định "Doanh nghiệp dự án PPP là doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập có mục đích duy nhất để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP".

Theo quy định này, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí (là doanh nghiệp dự án của các dự án thu phí không dừng) được thành lập với mục đích chỉ để thực hiện nhiệm vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ; trường hợp muốn mở rộng dịch vụ trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng cần phải điều chỉnh dự án thu phí điện tử không dừng để bổ sung các dịch vụ tăng thêm vào phạm vi dự án.

Trước đây Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương triển khai dự án thu phí điện tử không dừng chỉ với mục tiêu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, chưa bao gồm các dịch vụ khác.

Để mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng tiện ích, tạo thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ, phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai mở rộng các dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng để chi trả cho các dịch vụ liên quan đến hạ tầng giao thông và các dịch vụ khác trên cơ sở đảm bảo lợi ích xã hội, hiệu quả dự án theo quy định tại khoản 11 Điều 26 Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt ưu tiên triển khai ngay đối với dịch vụ thu phí ra, vào tại các sân bay, cảng hàng không.

Cùng với đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước quản lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc thanh toán cho các dịch vụ thông qua hệ thống thu phí điện tử không dừng bảo đảm bảo mật, an ninh, an toàn thanh toán, tuân thủ theo quy định pháp luật.

Bộ GTVT sẽ điều chỉnh dự án thu phí điện tử không dừng để phù hợp với thực tế thực hiện; cho phép rà soát Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan trình cấp có thẩm quyền sửa đổi hoặc thay thế (nếu cần) để tiến tới mở rộng thêm nhiều dịch vụ mới như thu phí cảng biển, bãi đỗ xe, phí bảo hiểm, phí đăng kiểm,… cũng như hoàn thiện, nâng cấp hệ thống để tiến tới tổ chức thu phí đa làn tự do (tại các trạm thu phí không sử dụng barrier, các phương tiện lưu thông tự do qua khu vực trạm thu phí).

Để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường minh bạch trong hoạt động thu phí, văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội cũng như góp phần quản lý chặt chẽ phương thiện giao thông đường bộ, bảo đảm trật tự, ATGT và giữ gìn an ninh trật tự xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017, 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 để triển khai hệ thống thu phí không dừng tại các trạm thu phí trên toàn quốc.

Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVTđã phối hợp với các địa phương, các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư BOT và các cơ quan đơn vị có liên quan nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện.