Bộ GTVT huy động 186.660 tỷ đồng đầu tư dự án PPP trong 5 năm

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 07/06/2016 12:51

Giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT.

DSC_0606
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu khai mạc Hội nghị. 

Sáng 7/6, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông (KCHT) theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 -2015 do Bộ GTVT quản lý. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, đại diện Ban kinh tế TW, các địa phương có dự án BOT đi qua, các nhà đầu tư BOT...

Phát triển KCHT giao thông

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá  riêng 5 năm qua, theo tính toán của Bộ GTVT nhu cầu nguồn vốn cần khoảng 484 nghìn tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và ODA đáp ứng được 181 nghìn tỷ đồng (khoảng 37%); việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) ngày càng hạn chế khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Do vậy, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển hạ tầng giao thông là hướng đi tất yếu để có thể hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên.

Theo Bộ trưởng, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng. Đây cũng là một xu thế tất yếu trong bối cảnh của nền kinh tế nước ta (riêng các công trình do Bộ GTVT quản lý có nhu cầu đầu tư giai đoạn từ nay đến 2020 khoảng 1.039 nghìn tỷ, trong khi ngân sách khả năng chỉ cân đối được khoảng 11%. Đây cũng là một công cụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công; giảm gánh nặng ngân sách cho Chính phủ, góp phần tái cơ cấu đầu tư và giảm bội chi ngân sách. Công cụ này càng có ý nghĩa hơn đối với những nước có nguồn ngân sách hạn chế, ở các nước có tỷ lệ nợ công ở mức tương đối cao như chúng ta. Bên cạnh đó, thông qua hợp tác công - tư, chất lượng nguồn nhân lực của khu vực công cũng được cải thiện, giảm chi phí và ổn định được việc cung cấp dịch vụ; nâng cao tính cạnh tranh trong thị trường, cũng như xóa bỏ dần chế độ độc quyền, bao cấp, bảo hộ của nhà nước.

"Quá trình đầu tư phát triển một dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công - tư là một quá trình phức tạp hơn rất nhiều phương pháp đầu tư công truyền thống. Điều này đòi hỏi các bên liên quan, cả cơ quan quản lý nhà nước các cấp và nhà đầu tư, ngân hàng, người sử dụng... phải có một cách tiếp cận thích hợp để có thể thực hiện thành công các dự án loại này, trong đó, theo tôi phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - Nhà đầu tư - Người sử dụng”, Bộ trưởng đánh giá.

Trong bối cảnh đó, giai đoạn vừa qua, do tính chất mới của hình thức đầu tư này, có thể nói hầu hết các chủ thể tham gia đều chưa sẵn có kinh nghiệm; thể chế điều chỉnh hình thức đầu tư PPP nói chung, BOT và BT nói riêng, chưa hoàn chỉnh nên việc triển khai xã hội hóa đầu tư trong thực tiễn vẫn bộc lộ một số bất cập, tồn tại như: Hành lang pháp lý cho việc kêu gọi các nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực của ngành GTVT còn nhiều điểm chưa thống nhất, đồng bộ, Các nhà đầu tư và các ngân hàng cung cấp tín dụng cũng chỉ chủ yếu là tổ chức, doanh nghiệp trong nước, chưa kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài Chính sách phí chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, việc quản lý nguồn thu phí cần chặt chẽ và minh bạch hơn; Chất lượng xây dựng và bảo trì một số dự án chưa đạt yêu cầu…

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT (58 dự án BOT với tổng mức đầu tư (TMĐT) 170.355 tỷ đồng và 4 dự án BT với TMĐT 16.305 tỷ đồng); trong đó, lĩnh vực đường bộ 58 dự án với TMĐT là 185.070 tỷ đồng (chiếm 99,15%); lĩnh vực đường thủy nội địa 1 dự án với TMĐT là 1.303 tỷ đồng (chiếm 0,70%); lĩnh vực hàng hải 02 dự án với TMĐT là 230 tỷ đồng (chiếm 0,12%); lĩnh vực đào tạo 01 dự án với TMĐT là 57 tỷ đồng (chiếm 0,03%). Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 26 dự án với TMĐT 74.806 tỷ đồng (23 dự án BOT với TMĐT 69.987 tỷ đồng và 03 dự án BT với TMĐT 4.819 tỷ đồng); trong đó, lĩnh vực đường bộ 24 dự án với TMĐT 74.576 tỷ đồng; lĩnh vực hàng hải 02 dự án với TMĐT là 230 tỷ đồng; chưa kể 18 dự án với TMĐT 37.212 tỷ đồng đưa vào khai thác trong giai đoạn 2011-2015 nhưng khởi công trước năm 2011. Các dự án cơ bản đảm bảo chất lượng, khai thác an toàn; doanh thu thu phí tương đối phù hợp với số liệu tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án.

5
Hai dự án BOT QL1 qua Quảng Bình vượt tiến độ 7 tháng (Ảnh baomoi)

Lĩnh vực cảng biển là một trong những lĩnh vực thu hút vốn đầu tư tư nhân khá sớm và khá thành công theo hình thức doanh nghiệp đầu tư trực tiếp. Đặc biệt là giai đoạn sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển Riêng lĩnh vực cảng biển và cảng đường thủy, hình thức đầu tư thích hợp là doanh nghiệp tự đầu tư hoặc đầu tư FDI. Đến nay nguồn vốn đầu tư ngoài NSNN (bao gồm FDI, vốn doanh nghiệp tự huy động) theo giá thời điểm năm 2014 vào lĩnh vực cảng biển đạt khoảng 157.600 tỷ đồng/168 cảng, bến; khoảng 18.997 tỷ đồng vào lĩnh vực cảng thủy nội địa.

Minh bạch trong quá trình triển khai dự án 

Việc lựa chọn dự án đầu tư theo hình thức PPP được căn cứ trên nhu cầu thực tế, kiến nghị của địa phương, sự cần thiết phải đầu tư và đặc biệt là đảm bảo phù hợp quy hoạch được phê duyệt. Các dự án đều nhận được sự đồng thuận của các Bộ, ngành và chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Hầu hết các dự án giai đoạn này, Bộ GTVT đều giao cho các Ban Quản lý dự án lựa chọn tư vấn lập dự án đầu tư, trình Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt (giai đoạn này chưa lựa chọn nhà đầu tư). Trong quá trình lập và phê duyệt dự án đầu tư, Bộ GTVT luôn lấy ý kiến của địa phương (một số dự án đặc thù, Bộ GTVT có văn bản đề nghị và nhận được sự đồng thuận bằng văn bản của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội) và tiến hành thẩm định chi tiết các nội dung theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Khi xác định cơ bản về dự án, Bộ GTVT tổ chức công bố danh mục dự án theo quy định; sau khi dự án được phê duyệt bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2011/TT- BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay được Chính phủ quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP). Việc công bố danh mục dự án và mọi thông tin về quá trình lựa chọn nhà đầu tư đều được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT. Đối với các dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu đều tuân thủ quy định Điều 14, Nghị định 108/2009/NĐ-CP (dự án cấp bách được Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc sau khi hết thời hạn 30 ngày công bố danh mục dự án chỉ có 01 nhà đầu tư đăng ký)...

DSC_0610
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 26 dự án với TMĐT 74.806 tỷ đồng (23 dự án BOT với TMĐT 69.987 tỷ đồng và 03 dự án BT với TMĐT 4.819 tỷ đồng).

Như vậy, quá trình triển khai các dự án có thể nói các thông tin đều minh bạch theo quy định, được các Bộ, ngành và địa phương tham gia ý kiến trước khi Bộ GTVT ký hợp đồng chính thức với nhà đầu tư và triển khai dự án. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận hạn chế là trong giai đoạn vừa qua, mặc dù thực hiện đúng quy định pháp luật nhưng còn có nhiều dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, thông tin chưa đến được người dân và các tổ chức xã hội do hình thức tuyên truyền, công bố thông tin chưa thích hợp hoặc người dân chưa có thói quen quan tâm đến thông tin công bố nên còn có quan điểm khác nhau về tính công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, khi địa phương tham gia ý kiến mới chỉ dừng lại ở việc các Sở, ban ngành xem xét, tham mưu mà chưa có điều kiện tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân cũng như các tổ chức xã hội (mặc dù pháp luật chưa có quy định về việc này).

Trong thời gian tới, để tăng cường tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát, Bộ GTVT sẽ đưa vào hoạt động chính thức trang thông tin điện tử công bố thông tin chi tiết về các dự án PPP (thông tin về dự án, tổng vốn đầu tư, đơn vị thực hiện, thời gian thực hiện, mức phí, thời gian thu phí...).

Vị trí trạm thu phí đúng theo quy định pháp luật

Theo thứ trưởng Nguyễn Nhật, trong quá trình thực hiện, các trình tự, thủ tục liên quan đến việc xác định vị trí trạm thu phí được Bộ GTVT thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành: Tư vấn khảo sát hiện trường dự kiến vị trí trạm thu phí và thỏa thuận với địa phương; Bộ GTVT lấy ý kiến của các địa phương (có nhiều trạm thu phí nhận được sự ủng hộ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội) và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành khai thác vẫn còn có một số ý kiến khác nhau về vị trí trạm thu phí và tính công bằng của người sử dụng.

Nguyên nhân một phần là do trong quá trình địa phương tham gia ý kiến về vị trí đặt trạm thu phí chưa tham vấn, lấy ý kiến các tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đối tượng sử dụng đường (hiện nay chưa quy định phải thực hiện); quy định cho phép đặt trạm có cự ly nhỏ hơn 70 km nhưng việc tuyên truyền không tốt, một số vị trí trạm thu phí lựa chọn chưa thực sự phù hợp. Việc quy định cự ly tối thiểu 70km cũng chưa có đầy đủ cơ sở khoa học. Bên cạnh đó, trên thế giới cũng như ở Việt Nam chỉ có 2 hình thức thu phí là thu phí lượt và thu phí theo chiều dài quãng đường sử dụng. Đối với hình thức thu phí kín, người dân trả phí trên số km thực đi và đảm bảo công bằng nhưng chỉ áp dụng đối với đường cao tốc vì kiểm soát được sự ra, vào của các phương tiện. Đối với các quốc lộ, chỉ áp dụng được hình thức thu phí lượt và hình thức này có hạn chế là chỉ đáp ứng được tính công bằng một cách tương đối (người dân ở gần trạm thu phí đi quãng đường ngắn nhưng vẫn phải trả phí trong khi đó những người đi quãng đường dài 40÷50km ở khoảng giữa hai trạm thu phí thì vẫn không phải trả phí).

Để hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với người dân trong khu vực trạm thu phí, trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã miễn phí đối với các phương tiện xe máy (là phương tiện chủ yếu của đại bộ phận người dân đi lại trong cự ly ngắn với thống kê chưa đầy đủ khoảng 37 triệu so với tổng số ô tô đang lưu hành trên cả nước khoảng 2.211.414), xe thô sơ, xe máy nông nghiệp, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư phải bán vé quý, vé tháng để các phương tiện cơ giới có quyền đi lại nhiều lần nhưng chỉ phải trả phí một lần trong ngày. 

Ý kiến của bạn

Bình luận