Bộ GTVT kiên quyết điều chuyển vốn những dự án làm chậm, kém hiệu quả

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 28/06/2022 15:36

6 tháng cuối năm, Bộ GTVT có khối lượng công việc rất lớn, đặc biệt là khởi công 32 dự án, gồm 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022

Nhiều dự án đã có những chuyển biến rõ rệt về tiến độ

Chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra vào sáng nay (28/6), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT đã hoàn thành các kế hoạch đề ra với nhiều kết quả nổi bật. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ GTVT. Cùng với đó là sự nỗ lực hết mình ngay từ những ngày đầu năm của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành.

Đối với một số kết quả công tác nổi bật của Bộ GTVT trong 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nêu, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy hoạch, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; chất lượng văn bản QPPL ban hành được cải thiện, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công các dự án, công trình hạ tầng giao thông tiếp tục được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, tiến độ thực hiện nhiều dự án, công trình quan trọng cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục có nhiều chuyển biến, đạt được mục tiêu đề ra và là một trong những bộ ngành có tiến độ giải ngân cao hơn mức trung bình chung của cả nước.

Công tác xây dựng, triển khai các quy hoạch chuyên ngành được tập trung thực hiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ. Đến nay đã cơ bản hoàn thành kế hoạch, giải pháp đột phá thực hiện các quy hoạch chuyên ngành.

Công tác quản lý điều hành hoạt động vận tải tiếp tục có nhiều chuyển biến đáp ứng nhu cầu vận tải của người dân, doanh nghiệp trong tình hình mới;...

Dù đạt nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt là công tác giải ngân cao hơn mặt bằng chung cả nước, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chỉ rõ, trong các lĩnh vực công tác vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Nổi bật trong đó là tiến độ các dự án đã có những chuyển biến rõ rệt, nhưng vẫn còn một số dự án còn vướng mắc chưa được xử lý triệt để làm ảnh hưởng đến tiến độ; một số dự án còn vướng mắc về thủ tục chưa đủ điều kiện giao vốn năm 2022.

Thi công hạng mục hầm Thung Thi trên cao tốc Mai Sơn - QL45

Thi công hạng mục hầm Thung Thi trên cao tốc Mai Sơn - QL45

Kiên quyết điều chuyển vốn những dự án chậm, kém hiệu quả

Trong 6 tháng cuối năm 2022 được đánh giá là giai đoạn khó khăn của Bộ GTVT với khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn, đặc biệt là trong công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đối với các dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A.

Cùng với đó, phải tập trung đẩy mạnh triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 để đủ điều kiện khởi công vào cuối năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GTVT đang tham mưu Chính phủ trong công tác chuẩn bị đầu tư 3 dự án quan trọng quốc gia (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư để chủ động triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu. Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ GTVT phối hợp để Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện ban hành Dự thảo hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Đồng thời tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác GPMB, nguồn cung vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020, Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2022. Phấn đấu rút ngắn thời gian thi công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng yêu cầu rà soát, điều chỉnh các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn cho phù hợp với quy định hiện hành, nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới để sử dụng cho các dự án chuẩn bị triển khai, đảm bảo tiến độ và chất lượng yêu cầu.

“Cần phải chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện công tác giải ngân. Kiên quyết điều chuyển vốn những dự án có kết quả giải ngân chậm, không hiệu quả sang những dự án có tốc độ giải ngân nhanh nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu giải ngân của Bộ GTVT”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nêu rõ.

Thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Khởi công thêm 32 dự án giao thông trong năm 2022

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Quang Thái - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT) cho biết, theo kế hoạch, năm 2022 sẽ khởi công 38 dự án và hoàn thành 30 dự án.

Trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 6 dự án được hoàn thành thủ tục khởi công, và 6 dự án đã hoàn thành, đạt 100% kế hoạch đề ra. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm nay sẽ phải hoàn thành các thủ tục để khởi công 32 dự án và phải hoàn thành 24 dự án.

Tính đến hết tháng 6/2022, đã có 25/32 dự án dự kiến khởi công trong 6 tháng cuối năm đã hoàn chỉnh các thủ tục đủ điều kiện phê duyệt, bao gồm 12 dự án cao tốc Bắc - Nam. Cùng với đó, 7 dự án còn lại chưa phê duyệt dự án đầu tư, gồm: Dự án đường tránh phía Đông TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh; Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang; Dự án QL6 tuyến tránh TP. Hòa Bình; QL.2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; Dự án tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; Dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc.

Cục trưởng Bùi Quang Thái lý giải, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ các yếu tố về: giá nguyên, nhiên liệu tăng đột biến, một số dự án sau khi rà soát vượt tổng mức đầu tư so với chủ trương đầu tư; có 1 dự án địa phương xin chủ trương lồng ghép vốn (địa phương và Trung ương) cần hoàn chỉnh thủ tục báo cáo cấp có thẩm quyền; Một số chủ đầu tư đang hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư.

Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT đề nghị các chủ đầu tư, ban QLDA tập trung chỉ đạo quyết liệt tư vấn thiết kế tăng cường nhân sự tiến hành khảo sát, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi; đẩy nhanh các thủ tục để phê duyệt khung chính sách GPMB, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), chuyển đổi mục đích sử dụng rừng,... để trình phê duyệt dự án trong tháng 7/2022, đảm bảo được kế hoạch khởi công trong năm 2022.

Mặt khác, các dự án có tổng mức đầu tư vượt so với chủ trương đầu tư, cần khẩn trương chỉ đạo tư vấn thiết kế nghiên cứu điều chỉnh phạm vi, quy mô dự án, phương án phân kỳ đầu tư hoặc lồng ghép với nguồn vốn ngân sách địa phương,... báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư, song song với việc trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư.

Ý kiến của bạn

Bình luận