Bộ GTVT làm việc với từng địa phương để gỡ vướng đăng kiểm, cơ sở đóng phương tiện thủy

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 06/11/2023 15:55

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, Tổ công tác của Bộ GTVT sẽ được thành lập trong tuần này để làm việc với từng địa phương phía Bắc để gỡ khó về đăng kiểm, cơ sở đóng phương tiện thủy.

Bộ GTVT làm việc với từng địa phương để gỡ vướng đăng kiểm, cơ sở đóng phương tiện thủy - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội nghị

Bộ GTVT thành lập Tổ công tác để làm việc với từng địa phương

Sáng 6/11 tại Hà Nội, Cục Đăng kiểm VN phối hợp với Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức Hội nghị về quản lý nhà nước phương tiện thủy nội địa khu vực phía Bắc, với sự tham gia của đại diện các Sở GTVT, hiệp hội vận tải, đơn vị đăng kiểm, đơn vị vận tải thủy, cơ sở thiết kế, đóng và sửa chữa phương tiện thủy từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra phía Bắc.

Sau khi nghe các báo cáo, tham luận và kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang kết luận chỉ đạo nhiều nội dung trong công tác trên. Trong đó, đáng chú ý, Thứ trưởng chỉ đạo thành lập Tổ công tác của Bộ GTVT, với thành phần có Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường, Cục Đăng kiểm VN, Cục Đường thủy nội địa VN để làm việc với từng địa phương nhằm giải quyết các đề xuất cụ thể của địa phương về đăng kiểm phương tiện thủy, hoạt động của cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy.

"Trong tuần này, Bộ GTVT sẽ ra quyết định thành lập Tổ công tác, nhằm giải quyết các những vấn đề khó khăn, vướng mắc trước mắt và về lâu dài để thể chế hóa thành cơ chế, chính sách. Tổ công tác triển khai đến hết quý I/2024 ở khu vực phía Bắc, sau đó triển khai tại phía Nam. Tổ công tác phối phợp cùng địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để tháo gỡ những vấn đề chung, vấn đề của từng địa phương, thậm chí của từng phương tiện như phương tiện trót đóng, lỡ đóng... mà không có giám sát đăng kiểm", Thứ trưởng Sang chỉ đạo, lưu ý sớm tháo gỡ vướng mắc đang xảy ra tại tỉnh Hòa Bình.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục Đăng kiểm VN có văn bản gửi Sở GTVT đề nghị tham mưu UBND cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo góp ý và sẵn sàng thực hiện khi Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (QCVN 72: 2023/BGTVT, đang được lấy ý kiến) được ban hành, có hiệu lực.

Trong đó, cần đặc biệt quan tâm dự thảo quy chuẩn loại phương tiện thủy S3 - loại phương tiện mới, cấp thấp nhất của phương tiện thủy hiện nay, bằng cách chuyển đổi phương tiện thủy cấp S2 (tập trung nhiều ở vùng lòng hồ thủy điện, thủy lợi) về cấp S3 để phù hợp hoạt động ở vùng lòng hồ.

Trước đó, lãnh đạo Sở GTVT Hòa Bình, Sơn La nêu thực trạng khó khăn, vướng mắc ở địa phương là phương tiện thủy chủ yếu hoạt động ở vùng lòng hồ, với các yếu tố thủy văn đặc thù, ít nguy hiểm hơn so với mặt bằng chung. Song việc áp dụng đầy đủ các hạng mục của quy chuẩn phương tiện thủy gây khó khăn cho chủ phương tiện. Mặt khác, điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương khó khăn, hệ thống các đơn vị đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy thiếu, năng lực yếu, chi phí đăng kiểm lần đầu cao so với mặt bằng thu nhập của người dân… Việc áp dụng quy trình kiểm định chung cũng không phù hợp với một số địa bàn của miền núi phía Bắc.

Bộ GTVT làm việc với từng địa phương để gỡ vướng đăng kiểm, cơ sở đóng phương tiện thủy - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Chiến Thắng phát biểu tại hội nghị

Trong khi đó, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ninh nêu phát sinh, vướng mắc trong việc giải quyết đăng kiểm khoảng 1.500 phương tiện thủy trước đây là tàu dịch vụ nghề cá, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thủy sản, nhưng nay không còn điều chỉnh nên cần được kiểm soát đăng kiểm bằng Luật Giao thông đường thủy.

Đề cập vấn đề chung về đăng kiểm phương tiện thủy, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang dẫn số liệu hiện toàn quốc mới có hơn 289 nghìn phương tiện thủy có chứng nhận dăng kiểm, nhưng số lượng lớn không quay lại đăng kiểm định kỳ, cho thấy công tác quản lý nhà nước về phương tiện thủy còn nhiều hạn chế, bất cập, kết quả khiêm tốn.

"Số lượng phương tiện đăng kiểm thủy còn ít, công tác quản lý nhà nước chưa đạt yêu cầu, phản ánh các điều kiện về an toàn kỹ thuật, trình độ thuyền viên, người lái không đạt yêu cầu, từ đó cho thấy chất lượng dịch vụ hàng hóa và hành khách ở mức thấp. Điều này ảnh hưởng đến phát triển đội tàu, đội ngũ thuyền viên… Đây là hậu quả của nhiều năm công tác quản lý phương tiện thủy đã không chú trọng", Thứ trưởng Sang đánh giá.

Chỉ đạo một số giải pháp chung, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu Cục Đăng kiểm VN, Cục Đường thủy nội địa VN và các Sở GTVT, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan quan tâm hơn nữa đến công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là quy định đang lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung, tránh tình trạng không tâm huyết góp ý hoặc không đóng góp ý kiến, đến khi quy định được ban hành xong mới… kêu vướng mắc.

Bộ GTVT làm việc với từng địa phương để gỡ vướng đăng kiểm, cơ sở đóng phương tiện thủy - Ảnh 3.

Trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình hiện có khoảng 260 phương tiện thủy chở khách nhưng chỉ có hơn 90 phương tiện có chứng nhận đăng ký, đăng kiểm - Ảnh minh họa

191 nghìn phương tiện thủy đã 10 năm không quay lại đăng kiểm

Về phía Cục Đăng kiểm VN, Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Đặc thù hoạt động vận tải thủy nội địa có nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc phương tiện nhỏ, phân tán, nhiều khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, có những khu vực biệt lập do bị chia cắt bởi các đập thủy điện. Có địa bàn chưa có cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu được xác nhận, thông báo năng lực... gây khó khăn cho việc đóng mới, sửa chữa, đăng kiểm phương tiện. Có nơi vẫn còn tình trạng phương tiện được đóng tự phát không có hồ sơ thiết kế được thẩm định, không có sự giám sát của cơ quan đăng kiểm: có tình trạng phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm hoặc hết hạn đăng kiểm vẫn đưa vào hoạt động…

"Tổ công tác sau khi đi vào hoạt động sẽ cố gắng, nỗ lực làm tốt theo chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang để giải quyết sớm những vấn đề khó khăn, vướng mắc cụ thể ở từng địa phương và cả những vấn đề mang tính chiến lược về đăng kiểm, đăng ký; cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy", Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Chiến Thắng cho biết.

Liên quan đến số liệu đăng kiểm, theo Cục Đăng kiểm VN, tính đến ngày 1/10/2023, toàn quốc có 289.875 phương tiện thủy đăng kiểm lần đầu (để lưu hành). Tuy nhiên, hiện có tới 191.443 phương tiện (chiếm khoảng 66%) đã quá 10 năm không quay lại đăng kiểm (phương tiện loại lớn chiếm 5%, phương tiện loại nhỏ chiếm 61%). Do không có điều tra, thống kê nên số phương tiện này có thể đã giải bản hoặc không còn hoạt động.

Về cơ sở đóng phương tiện, đến nay có 352 cơ sở  (317 cơ sở loại 1, 35 cơ sở loại 2) đóng tàu đã được xác nhận năng lực kỹ thuật phù hợp các quy định nêu trên. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi cho phương tiện, góp phần nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật của các phương tiện trong khai thác sử dụng.

Dù vậy, đáng chú ý là hiện chỉ có 37/63 tỉnh, thành phố có cơ sở đóng tàu được xác nhận năng lực kỹ thuật và tập trung ở các địa phương như Nam Định, Hải Phòng, Cần Thơ. Ngoài ra, còn tới 27 tỉnh, thành phố chưa có cơ sở đóng tàu (tập trung vào các địa phương miền núi phía Bắc: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên; các tỉnh miền Trung, khu vực Tây Nguyên như: Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng). 

Đáng chú ý, tại địa phương không có cơ sở đóng tàu (được công nhận năng lực) vẫn diễn ra hoạt động vận tải thủy, giao thông thủy… cho thấy khoảng trống trong mối liên kết giữa cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện và hoạt động của phương tiện thủy.

Đề xuất cho liên kết giữa cơ sở đóng tàu đủ điều kiện và không đủ điều kiện

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy, Cục Đăng kiểm VN đề xuất, tại địa bàn chưa có cơ sở đóng tàu được chứng nhận đủ năng lực, khi có đề xuất của địa phương, cho phép cơ sở của địa phương khác (đủ năng lực) sử dụng nhân lực, trang thiết bị của mình phối hợp cơ sở chưa đủ năng lực để đóng, sửa chữa phương tiện tại khu vực có tính chất đặc thù.