Đăng kiểm phương tiện thủy sắp có nhiều thay đổi

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 15/05/2023 07:07

Hàng loạt quy định đăng kiểm phương tiện thủy nội địa đang được đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt hồ sơ, thủ tục, nới chu kỳ kiểm định để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đăng kiểm phương tiện thủy sắp có nhiều thay đổi - Ảnh 1.

Thủ tục đăng kiểm phương tiện thủy vui chơi, giải trí nhập khẩu sắp được đơn giản hóa - Ảnh Internet

Đơn giản thủ tục đăng kiểm phương tiện thủy nhập khẩu, đẩy mạnh phân cấp

Trong 1-2 năm gần đây, xuất hiện khá nhiều phương tiện thủy vui chơi giải trí (mô tô nước, thuyền buồm, tàu thuyền nhỏ…) được nhập khẩu từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí. Các quy định đăng kiểm đối với dạng phương tiện này đã có, song theo không ít đơn vị đóng tàu và người làm trong nghề thiết kế phương tiện, nhiều quy định bất hợp lý, gây khó khăn khi nhập khẩu, kiểm định.

"Bất hợp lý nhất là chuyện làm hồ sơ đăng kiểm phương tiện thủy loại nhỏ nhập khẩu. Vô lý là một con thuyền chế tạo xong xuôi, hoàn chỉnh ở nước ngoài, được nhập khẩu về trong nước lại phải "vẽ lại" hồ sơ từ đầu: từ tuyến hình, kết cấu, các hệ thống kỹ thuật như một bộ hồ sơ đóng mới để đơn vị đăng kiểm xem xét, phân cấp phương tiện", ông Đỗ Thái Bình, chuyên gia thuộc Hội Khoa học kỹ thuật đóng tàu VN chia sẻ.

Còn ông Trần Hùng, một kỹ sư chuyên về thiết kế phương tiện thủy nêu vấn đề phân cấp thực hiện kiểm định phương tiện thủy: "Tại sao các tàu thuyền đóng mới và nhập ngoại phải do Cục Đăng kiểm VN thực hiện mà không phân quyền cho các Chi cục Đăng kiểm làm. Nếu phân cấp kiểm tra, cấp chứng nhận đăng kiểm sẽ giúp cho chủ tàu, cơ sở đóng tàu giảm được công sức làm thủ tục, chi phí".

Cục Đăng kiểm VN cho biết, những vấn đề như trên đã được Cục tiếp nhận, nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm định phương tiện thủy nội địa theo hướng đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ và đẩy mạnh phân cấp công tác đăng kiểm để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, hiện Cục Đăng kiểm VN đã hoàn thiện, trình Bộ GTVT dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 48/2015 của Bộ GTVT quy định về đăng kiểm phương tiện thủy.

"Dự thảo thông tư trên điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý, với quy định phương tiện thể thao, vui chơi giải trí, mô tô nước nhập khẩu về sử dụng cho mục đích thể thao, vui chơi giải trí không yêu cầu lập hồ sơ thiết kế trình cơ quan đăng kiểm thẩm định (mà chỉ kiểm tra thực tế trên cơ sở quy chuẩn) 

Cùng đó, đơn giản hóa hồ sơ phải nộp đối với các phương tiện, sản phẩm công nghiệp nhập khẩu đã được kiểm tra và chứng nhận bởi các tổ chức nước ngoài như Hiệp hội phân cấp tàu quốc tế (IACS) hoặc các tổ chức được các quốc gia có tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến thừa nhận", theo Cục Đăng kiểm VN.

Đăng kiểm phương tiện thủy sắp có nhiều thay đổi - Ảnh 2.

Cục Đăng kiểm VN đang đề xuất phân cấp mạnh mẽ công tác kiểm định cho các đơn vị đăng kiểm thủy

Liên quan đến phân cấp kiểm định, Cục Đăng kiểm VN cũng đề xuất phân cấp cho các đơn vị đăng kiểm thủy thực hiện đầy đủ các nội dung kiểm định phương tiện thủy (thẩm định hồ sơ thiết kế, kiểm tra và cấp chứng nhận đăng kiểm phương tiện (đóng mới, hoán cải, định kỳ, nhập khẩu…) phù hợp với năng lực của đơn vị đăng kiểm, trình độ đăng kiểm viên.

"Khi phân cấp từ Cục cho các đơn vị đăng kiểm sẽ giảm thời gian thẩm định thiết kế phương tiện từ 20 ngày xuống còn 5 ngày đối với trường hợp không phải dạng hồ sơ thiết kế hoán cải, sửa đổi lớn. Tuy nhiên, cũng để ràng buộc trách nhiệm của đơn vị thiết kế, bổ sung quy định trả lại toàn bộ hồ sơ thiết kế đối với hồ sơ đã được chỉ ra tồn tại cần khắc phục ở 2 lần, mà lần trình thứ 3 vẫn không khắc phục", cũng theo Cục Đăng kiểm VN.

Cũng để phân cấp quản lý, dự thảo thông tư bổ sung Thanh tra của Sở GTVT có nhiệm vụ thanh tra công tác đăng kiểm phương tiện thủy để phù hợp với yêu cầu tách bạch quản lý nhà nước và thực hiện dịch vụ công của Cục Đăng kiểm VN.

Đăng kiểm phương tiện thủy sắp có nhiều thay đổi - Ảnh 3.

Phương tiện thủy công suất dưới 50 CV và chiều dài dưới 20m được đề xuất bỏ loại hình kiểm định hàng năm

Giảm hồ sơ, kéo dài chu kỳ đăng kiểm

Cùng với một số nội dung trên, Cục Đăng kiểm VN cũng đề xuất đơn giản hóa nhiều thủ tục hồ sơ đăng kiểm phương tiện thủy nội địa đóng mới, cải tạo để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và đơn vị đăng kiểm.

Có thể kể đến: trường hợp phương tiện đóng, hoán cải theo hồ sơ thiết kế từng được đơn vị đăng kiểm duyệt và cùng một cơ sở đóng tàu, cùng do đơn vị đăng kiểm giám sát thi công thì chỉ cần nộp bản sao của bản thiết kế phương tiện dự định đóng. Điều này sẽ giúp giảm thủ tục hiện nay và chi phí, thời gian thực hiện. 

Ngày 29/4/2023, tại cuộc họp về hoạt động vận tải và đăng kiểm phương tiện thủy tổ chức tại Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo Cục Đăng kiểm VN nghiên cứu điều chỉnh kéo dài thời gian chu kỳ kiểm định phương tiện thủy, gắn với tăng cường công tác kiểm tra phương tiện của các Cảng vụ hàng hải, đường thủy nội địa, Sở GTVT trong thời gian giữa hai lần của chu kỳ kiểm định.

Khẩn trương rà soát các hồ sơ thiết kế đã tiếp nhận, nhanh chóng giải quyết việc thẩm định để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, tránh gây tồn đọng, ách tắc trong đăng kiểm phương tiện; nghiên cứu phân cấp, phân quyền xuống các chi cục đăng kiểm để giảm tải số lượng công việc ở phòng chức năng.

Một số thủ tục trong quy trình đăng kiểm nói chung cũng được bỏ như: thẩm định thiết kế thi công, thẩm định thiết kế hoàn công… 

Nội dung khác được đề xuất là bỏ quy định thẩm định và bản sao thiết kế mẫu định hình phương tiện thủy để tránh gây mất thời gian và khó khăn, vướng mắc trong thức hiện.

"Quy định trên trước đây nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những phương tiện thủy cỡ nhỏ, thường là những phương tiện đã đóng và không có sự giám sát của cơ quan đăng kiểm. Tuy vậy, việc sao và thẩm định mẫu định hình gây mất thời gian và khó thực hiện.

Đối với các mẫu định hình đã công bố, đề xuất quy định được tiếp tục sao chép đến ngày 31/12/2024 để tổ chức, cá nhân nào còn nhu cầu có thời gian để thực hiện", Cục Đăng kiểm VN lý giải.

Cũng đáng chú ý, để giảm bớt thủ tục hành chính, dự thảo thông tư để xuất bổ sung nộp hồ sơ đăng kiểm trực tuyến qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

Đáng chú ý, về chu kỳ đăng kiểm phương tiện, theo Cục Đăng kiểm VN, tại dự thảo sửa đổi bổ sung Quy chuẩn QCVN 25:2010/BGTVT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm giám sát kỹ thuật và đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ, ban hành tại Thông tư số 15/2010 của Bộ GTVT) đề xuất bỏ quy định kiểm định hàng năm đối với phương tiện thủy loại công suất dưới 50CV và chiều dài dưới 20m. Phương tiện này sẽ chỉ phải kiểm tra 2 lần lên đà trong vòng 5 năm.

Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm VN cũng đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn chu kỳ đăng kiểm đối với các phương tiện thủy có công suất, kích thước lớn hơn.

Các loại hình, chu kỳ đăng kiểm phương tiện thủy

Về thời hạn, chu kỳ kiểm định phương tiện thủy hiện được thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa QCVN 72: 2013/BGTVT (ban hành theo Thông tư số 61/2013 của Bộ GTVT).

Đối với phương tiện thủy đang khai thác có các chu kỳ đăng kiểm: kiểm tra lần đầu (để phân loại phương tiện). Kiểm tra định kỳ (giữa hai lần kiểm tra định kỳ): 5 năm/lần đối với tất cả các loại tàu.

Kiểm tra hàng năm: 6 tháng một lần đối với tàu vỏ gỗ không bọc ngoài; 12 tháng một lần đối với các tàu còn lại.

Kiểm tra trên đà (để xác nhận phần phương tiện chìm dưới nước): 12 tháng/lần đối với tàu vỏ gỗ không được bọc ngoài; 36 tháng/lần đối với tất cả các tàu còn lại: không quá 36 tháng một lần.

Trong định kỳ 5 năm phải lên đà hai lần, một trong hai lần lên đà phải trùng với đợt kiểm tra định kỳ.

Kiểm tra trung gian (không phải lên đà): không quá 12 tháng đối với tàu chở khách cao tốc; không quá 36 tháng đối với tàu chở hàng nguy hiểm, tàu chở xô hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng.

Kiểm tra bất thường: kiểm tra bất thường tàu hoặc từng phần máy móc, thân tàu, trang thiết bị của chúng được tiến hành trong mọi trường hợp theo yêu cầu của chủ tàu, bảo hiểm, hoặc theo chỉ thị đặc biệt của Nhà nước; tàu bị tai nạn (nhằm xác định hư hỏng).

Kiểm tra bổ sung: 6 tháng/lần ở trạng thái nổi đối với tàu khách cao tốc trên 20 tuổi.