Bộ GTVT thúc tiến độ hai cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 14/06/2023 16:06

Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA7 yêu cầu nhà thầu huy động nhân lực, máy móc thiết bị theo tiến độ được chấp thuận, tổ chức triển khai thi công, để thông toàn bộ đường công vụ trước ngày 30/6/2023.

Bộ GTVT thúc tiến độ hai cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm (đứng giữa) kiểm tra dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang vào cuối tháng 5/2023

Thông toàn bộ đường công vụ trước 30/6/2023

Bộ GTVT vừa ban hành thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm tại buổi kiểm tra hiện trường dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ GTVT cho biết, về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được trên 75%, trong đó trên 70% đủ điều kiện để triển khai thi công, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, một số vị trí vẫn còn vướng mắc (người dân đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao, cản trở thi công, khó khăn trong việc tiếp cận,…), chưa chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời ảnh hưởng đến việc thi công các gói thầu, đặc biệt tại một số vị trí cầu, các vị trí có khối lượng đào lớn.

Về công tác tổ chức thi công, Bộ GTVT đánh giá cao sự cố gắng của các đơn vị, chỉ trong thời gian ngắn, mặc dù mặt bằng bàn giao còn xôi đỗ, khó khăn về nguồn vật liệu đắp nhưng đã huy động máy móc, thiết bị, nhân vật lực để triển khai thi công.

Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ triển khai còn chậm, chưa đáp ứng kế hoạch, công tác tổ chức thi công chưa khoa học, chưa tập trung triển khai thi công hệ thống đường công vụ để tiếp cận vào các vị trí thi công cầu đã có mặt bằng; các hầm chui dân sinh; cống thoát nước; công tác huy động của một số nhà thầu còn chậm.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, đáp ứng kế hoạch giải ngân vốn bố trí cho các dự án, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA7 cùng với các nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương ưu tiên thực hiện GPMB đối với các vị trí đường tiếp cận công trường, đường công vụ, vị trí qua đất rừng, nền đường xử lý nền đất yếu, công trình cầu,… để sớm tổ chức thi công; đẩy nhanh tiến độ GPMB đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng sạch trong tháng 6/2023 theo chỉ đạo của Chính phủ.

"Ban QLDA7 chỉ đạo nhà thầu phối hợp với chính quyền địa phương, vận động, hỗ trợ việc tháo dỡ, di dời cây cối vật kiến trúc để thi công ngay khi người dân đồng ý bàn giao mặt bằng", Bộ GTVT nêu rõ.

Về công tác tổ chức thi công, Ban QLDA7 với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền là chủ đầu tư dự án, khẩn trương rà soát bổ sung thêm nhân sự có năng lực, kinh nghiệm; hoàn thiện bộ máy tổ chức, đảm bảo việc điều hành dự án khoa học, hiệu quả.

Đồng thời, Ban QLDA7 chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát lập lại tiến độ thi công chi tiết các gói thầu phù hợp với tình hình thực tế về mặt bằng, đường tiếp cận thi công và nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết, đảm bảo tính khả thi (kèm theo yêu cầu về việc huy động máy móc thiết bị, nguồn lực tài chính), trình tư vấn giám sát, Ban QLDA chấp thuận gửi về Bộ GTVT (qua Cục QLĐTXD) trước ngày 15/6/2023 để theo dõi, đôn đốc.

Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA7 yêu cầu nhà thầu huy động nhân lực, máy móc thiết bị theo tiến độ được chấp thuận, tổ chức triển khai thi công, để thông toàn bộ đường công vụ trước ngày 30/6/2023; trong năm 2023 hoàn thành 80% sản lượng các cầu đã tổ chức thi công và đạt 30% giá trị các hợp đồng xây lắp như đã cam kết, thi công nền đường đến đâu, tổ chức thi công ngay các lớp móng mặt đường.

Đối với các vị trí GPMB đủ điều kiện tổ chức thi công, yêu cầu nhà thầu triển khai ngay công tác đào bóc hữu cơ để tránh tình trạng tái lấn chiếm và tổ chức thi công ngay các cống thoát nước; chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh công tác lập, trình duyệt thiết kế bản vẽ thi công, khẩn trương phê duyệt, hoàn thành toàn bộ trong tháng 6/2023, khi phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công cần rà soát, đối chiếu với thực tế hiện trường đảm bảo việc phê duyệt phù hợp với điều kiện thực tế.

Ban QLDA7 cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ tổng thể chung của dự án cũng như tiến độ triển khai của từng nhà thầu; với các nhà thầu chậm trễ trong việc huy động máy móc thiết bị, tổ chức thi công cần thực hiện ngay các biện pháp xử lý theo đúng hợp đồng đã ký để đảm bảo việc hoàn thành theo kế hoạch; đặc biệt đối với việc tổ chức thi công đường công vụ phải đảm bảo không để xẩy ra tình trạng nhà thầu thi công cầu phải chờ đợi do không có đường tiếp cận công trường.

"Công tác kiểm soát chất lượng phải được quan tâm hàng đầu, Ban QLDA7 cần yêu cầu các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật liệu đầu vào, chất lượng thi công các hạng mục, đảm bảo tuân thủ theo hồ sơ thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật của dự án. Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán và đẩy nhanh công tác giải ngân khối lượng hoàn thành", Thông báo nêu rõ.

Các nhà thầu phải tăng cường nhân lực, thiết bị đẩy nhanh thi công

Đối với nhà thầu thi công, Bộ GTVT yêu cầu thực hiện nghiêm trách nhiệm của nhà thầu thi công theo các nội dung công việc đã nêu ở trên; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tổ chức thi công, nhà thầu đứng đầu liên danh cần phát huy vai trò điều hành, điều phối giữa các thành viên; các đơn vị tham gia dự án phải phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác tổ chức thi công.

Các nhà thầu phải huy động nhân lực, máy móc thiết bị để tổ chức thi công ngay đối với các vị trí đã được bàn giao mặt, các hạng mục không có yêu cầu về nguồn vật liệu đắp như: Lắp đặt trạm trộn, đúc dầm, thi công các công trình cầu, cống, hầm chui dân sinh,… Tập trung ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các hạng mục là đường găng của dự án như: Hầm Tuy An, công tác xử lý nền đất yếu, hoàn thành kết cấu phần dưới các cầu Đà Rằng, Sông Cái 2,… trước mùa mưa lũ năm 2023.

"Cơ chế đặc thù về khai thác mỏ vật liệu xây dựng cho dự án chỉ được áp dụng trong 2 năm 2022 và 2023, trong khi các mỏ đã được giao mới đáp ứng 30% nhu cầu của dự án, vì vậy, yêu cầu các nhà thầu phải phân rõ trách nhiệm, chủ động, hoàn thiện hồ sơ khai thác mỏ vật liệu trình cấp có thẩm quyền để sớm được giao mỏ đáp ứng nhu cầu của dự án", Bộ GTVT nêu rõ.

Theo Bộ GTVT, qua kiểm tra hiện trường, tiến độ thi công đường công vụ còn chậm, một số đoạn tuyến thi công chưa đảm bảo yêu cầu. Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đường công vụ đảm bảo tiến độ, chất lượng để phục vụ công tác vận chuyển vật liệu, tổ chức thi công trong suốt quá trình thi công dự án.

Đối với kiến nghị mở rộng một số đoạn đường công vụ, các nhà thầu nghiên cứu, đề xuất phương án đối với các đoạn tuyến có nhu cầu vận chuyển vật liệu lớn, trình Ban QLDA7, tư vấn giám sát xem xét, chấp thuận theo thẩm quyền làm cơ sở triển khai thực hiện.

Các nhà thầu cần tổ chức triển khai thi công ngay các hầm chui dân sinh, cống thoát nước để đảm bảo việc thi công đồng bộ nền đường (đắp vật liệu dạng hạt và thi công đắp nền đường đồng thời). Tổ chức thi công cuốn chiếu, các đoạn xong nền đường phải tổ chức thi công ngay các lớp móng, mặt đường; tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công các cầu lớn trên tuyến để sớm hoàn thành phục vụ cho công tác vận chuyển vật liệu.

Đối với tư vấn giám sát, Bộ GTVT yêu cầu giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục mọi công đoạn thi công của nhà thầu, đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu, cũng như tính độc lập, khách quan, minh bạch trong đánh giá chất lượng thi công các hạng mục; thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của hợp đồng, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và chủ đầu tư trong công tác giám sát công trình.

"Cục Quản lý đầu tư xây dựng có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra; kịp thời nắm bắt và xử lý các vướng mắc về kỹ thuật trong quá trình thi công, không ảnh hưởng đến tiến độ các dự án", Bộ GTVT yêu cầu.