Bộ GTVT tiếp tục cổ phần hoá 24 doanh nghiệp trong năm 2016

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 26/02/2016 14:31

Năm 2016, Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hoá, tái cơ cấu doanh nghiệp với 24 doanh nghiệp, đơn vị.

MJM_7949
Thứ trưởng phục trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp.

Ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (QLDN) cho biết năm 2016 sẽ triển khai thực hiện cổ phần hóa 24 doanh nghiệp, đơn vị bao gồm 14 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển tiếp từ năm 2015 (4 Công ty mẹ - Tổng công ty: Hàng hải Việt Nam, VEC, Cửu Long, Công nghiệp tàu thủy; Bệnh viện Nam Thăng Long; 08 công ty con thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy; 1 công ty con thuộc Tổng công ty VEC) và 10 đơn vị sự nghiệp triển khai mới trong năm 2016 (2 Trường, 2 Bệnh viện thuộc Cục Y tế GTVT, 5 Trung tâm Kỹ thuật đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 1 Trung tâm Đăng kiểm cơ giới đường bộ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp, các đơn vị tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt, trọng tâm là Vinalines và SBIC trên cơ sở thực tiễn, tiến hành rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, nhằm mục tiêu phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, tạo sức độ hấp dẫn để thu hút được các nguồn lực từ xã hội, phát triển các lĩnh vực trọng yếu, phục vụ phát triển nền kinh tế quốc dân. Trong đó, tăng cường công tác thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần giữ chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần.

Theo ông Vũ Anh Minh, trong 2 tháng đầu năm 2016, đối với các doanh nghiệp chuyển tiếp từ năm 2015, tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu thành lập công ty cổ phần, chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần đối với 25 doanh nghiệp (Bệnh viện GTVT Trung ương và 24/24 công ty thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam). Đồng thời, phê duyệt danh sách, giá khởi điểm bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, sau khi hoàn thành việc bán cổ phần, dự kiến trong tháng 3/2016 tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu thành lập công ty cổ phần; Chỉ đạo Công ty mẹ - Tổng công ty Cửu Long xây dựng phương án cổ phần trình Bộ thẩm định theo quy định…

Còn đối với các đơn vị triển khai mới trong năm 2016, hoàn thành phê duyệt danh sách, thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa 4 đơn vị sự nghiệp công lập (Học viện Hàng không VN, Trường Trung cấp nghề GTVT Thăng Long, Bệnh viện GTVT Vinh, Bệnh viện GTVT Đà Nẵng), triển khai các bước cổ phần hóa các đơn vị trên theo quy định. Tổng hợp tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh, lao động, cơ chế quản lý của 05 Trung tâm Kỹ thuật đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam thuộc Bộ để xây dựng phương án sắp xếp, cổ phần hóa phù hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận ủy quyền cho Bộ Giao thông vận tải lựa chọn đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt cho biết cho tới thời điểm này, đường sắt đã tiến hành cổ phần hoá toàn bộ các đơn vị đã đại hội cổ đông, có thể nói công tác cổ phần hoá kết thúc chỉ còn thoái vốn. Về công tác thoái vốn, các bước cơ bản là đã ổn, trong tháng 3 sẽ công bố mời bán và tiến hành thoái vốn 28 công ty. Trong 28 công ty, một số công ty đang báo cáo lại lộ trình và trong năm 2016 tiếp tục đẩy nhanh công tác thoái vốn, cố gắng kết thúc trước tháng 6.

Còn về lĩnh vực y tế, ông Vũ Văn Triển- Cục trưởng Cục Y tế GTVT cho rằng hiện nay đã có 2 đơn vị là Bệnh viện GTVT TW và bệnh viện Nam Thăng Long đã tiến hành cổ phần hoá, bênh viện Vinh và Đà Nẵng năm nay sẽ tiếp tục triển khai do đó còn các đơn vị bệnh viện khác thì cần phải có sự đánh giá tiếp theo, cân nhắc từ kết quả cổ phần hoá các bệnh viện đã thực hiện để đảm bảo chất lượng cũng như lượng bệnh nhân khám chữ bệnh và đăng ký bảo hiểm.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động trong công tác cổ phần hoá của Tổng công ty ĐSVN, Thứ trưởng đề nghị Tổng công ty tiếp tục chủ động thực hiện thoái vốn tại các đơn vị trực thuộc, phải đưa ra các phương án cụ thể để đạt được mục tiêu, thu hồi vốn. Đồng thời, Tổng công ty phải xem xét tiếp tục nghiên cứu cổ phần hóa hai đơn vị vận tải trên cơ sở làm sao kêu gọi nhà đầu tư chiến lược; nghiên cứu xã hội hóa nhà ga, cho thuê kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa đường sắt theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin…

Còn đối với hai Tổng công ty Hàng hải VN và Công nghiệp tàu thủy, sẽ chờ kết luận của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu, cổ phần hóa Tổng công ty để tổ chức cuộc họp cụ thể nhằm đưa ra nội dung của giai đoạn mới từ nay đến năm 2020. Trọng tâm theo chỉ đạo của Thủ tướng, cổ phần hóa Tổng công ty Hàng hải VN trong năm 2016 và cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy trước năm 2018. 

Về 5 Trung tâm ký thuật đường bộ của Tổng cục ĐBVN, Thứ trưởng đề nghị Vụ QLDN nghiên cứu lại để xây dựng mô hình 5 đơn vị sẽ triển khai cổ phần hóa của Tổng cục Đường bộ VN để vừa tự chủ về tài chính và nhà nước phải quản lý được nguồn thu ở các đơn vị này với chức năng nhiệm vụ phải rõ ràng hơn.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng thống nhất với phương án cần xây dựng lộ trình cổ phần hóa các đơn vị của Cục Y tế với các bước tương đối vững chắc nhưng không để chậm và lên phương án để làm sao cán bộ, công nhân viên ở các đơn vị này có thể tham gia vào cổ phần hóa là tốt nhất. Và Thứ trường còn đề nghị Vụ QLDN có công văn của Bộ đánh giá mức độ thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hoá của các đơn vị để làm căn cứ sau này có thể kiểm điểm được.

Ý kiến của bạn

Bình luận