Chung tay hành động bảo đảm ATGT cho trẻ em

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 25/02/2016 15:05

Đảm bảo ATGT đặc biệt là việc thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em luôn được quan tâm chú trọng.

176639_10153210848969591_255616526641451135_o
Nhiều em học sinh vẫn vô tư không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện.( Ảnh Vũ Thành Vũ)

Nhiều phương pháp hay

Trong suốt một năm qua, Kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em được các Bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội triển khai quyết liệt và đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong thời gian thực hiện cao điểm, tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em. Đặc biệt, ở nhiều địa phương, công tác triển khai kế hoạch này luôn được quan tâm chú trọng như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lâm Đồng...

Trao đổi với Tạp chí GTVT, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó trưởng Ban chuyên trách ATGT tỉnh Quảng Ninh cho biết kết quả làm được đánh giá đầu tiên tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm rất ít nhưng sau 1 năm triển khai chương trình, đến nay gần như 100% Quảng Ninh thực hiện rất tốt, trên 95% trẻ em đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy. Quảng Ninh coi trọng và đi sâu vào công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc và được duy trì thường xuyên.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, ngành giáo dục Quảng Ninh vào cuộc rất quyết liệt, ngoài chương trình phụ huynh ký cam kết hàng năm với nhà trường thì Sở giáo dục và phòng giáo dục cũng thực hiện ký cam kết với nhà trường. Đồng thời, tại các trường, trước 15 phút đến giờ vào lớp, đội cờ đỏ ghi hình và ghi vi phạm của cha mẹ học sinh, các bạn học sinh vi phạm cho giáo viên phụ trách để nhắc nhở, đưa vào tiêu chí đánh giá điểm trong nhà trường và được duy trì tốt. Tại trường học còn có các hòm thư góp ý và tố giác những vi phạm về ATGT để tránh tình trạng bỏ sót những vi phạm chưa phát hiện kịp thời.

"Ban ATGT tỉnh tài trợ máy quay và máy ảnh cho các trường để thực hiện quay phim chụp ảnh trường hợp vi phạm và hỗ trợ tiền rửa ảnh để gửi về ngành giáo dục, sau đó yêu cầu ngành giáo dục báo cáo kết quả đã xử lý  những học sinh này như thế nào về Ban ATGT, đưa hình ảnh, video lên trang của Ban ATGT tỉnh”, bà Hiền nâhns mạnh.

Ngoài ra, Đoàn thanh niên phối hợp với ngành giáo dục, Ban ATGT tỉnh đi tuyên truyền lưu động bằng những vở kịch tuyên truyền nhí, phù hợp với lứa tuổi các em. Ban ATGT tỉnh hỗ trợ tiền và xây dựng nội dung, chính các em thiếu nhi đóng những vai  bố me, đi diễn tại các trường để khuyên bảo các con và ngược lại các con khuyên bảo bố mẹ. Nội dung các vở kịch phù hợp lứa tuổi và tính tiếp thu của các bạn học sinh đem lại hiệu quả cao.

Bên cạnh tuyên truyền, Công an tỉnh chỉ đạo công an địa phương tăng cường đảm bảo TTATGT đặc biệt là các khu vực gần trường học, gần đường QL, tăng cường và thường xuyên kiểm tra, xử phạt, nhắc nhở và tuyên truyền. Do đó đã xử phạt trên 100.000 trường hợp và phạt gần 6 tỷ đối với trường hợp trẻ em không đội mũ bảo hiểm.

Cũng giống như Quảng Ninh, theo Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Đà Nẵng, công tác đảm bảo TTATGT là một nội dung rất quan trọng, đặc biệt là đảy mạnh ATGT trong trường học. Chính vì vậy, các chương trình phối hợp về giáo dục ATGT về đội mũ bảo hiểm cho học sinh được ngành giáo dục và đào tạo ký nhiều chương trình hành động phối hợp để triển khai thực hiện. Trong đó,  Sở Giáo dục Đào tạo Đà Nẵng phối hợp với phòng CSGT thành phố triển khai chương trình tuyên truyền giáo dục và chỉ rõ tác hại của việc không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy cho không chỉ trẻ em ở độ tuổi từ 6 trở lên mà còn áp dụng với các em ở độ tuổi mầm non.

Theo đó, thành phố Đà Nẵng tổ chức tập huấn về đội mũ cho trẻ em tới tất cả hiệu trưởng ở trường mầm non bởi vì Sở giáo dục đào tạo thành phố cho rằng đây là giai đoạn cầu nối, hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm cho một đứa trẻ bắt đầu từ 3 tuổi thì sẽ có hiệu quả sau này. Các trường học còn thực hiện theo dõi chặt chẽ việc đội mũ với học sinh tiểu học, được người nhà đưa đón bằng phương tiện có bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Vẫn cần khắc phục nhiều hạn chế

Theo tổng kết đánh giá của Uỷ ban ATGT Quốc gia, tỷ lệ chấp hành đội mũ bảo hiểm cho trẻ em tăng cao tại thời điểm tổ chức đợt cao điểm tuy  nhiên lại giảm sâu trong thời gian 6 tháng cuối năm. Khảo sát độc lập của Quỹ phòng chống Thương vong Châu Á tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cho thấy ngay mặc dù tính trung bình từ tháng 3/2014 đến tháng 12/2015, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em tăng 11%( từ 36% lên tới 47%) nhưng vào thời điểm cuối kỳ, tỷ lệ này giảm đáng kể so với thời gian diễn ra cuộc cao điểm( giảm từ 68% xuống còn 47%).

11017170_10153216352399591_1320303342381327910_o
Nhiều phụ huynh thờ ơ trong việc đội mũ bảo hiểm cho con, em mình ( Ảnh Vũ Thành Vũ).

Trao đổi với Tạp chí GTVT về vấn đề này, ông Nguyễn Hiệp Thống -Phó giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cho rằng càng lên lớp trên thì tỷ lệ số học sinh đội mũ bảo hiểm càng ít, có nghĩa là tiểu học còn biết nghe lời, trung học cơ sở đã giảm đi một chút và ở trung học phổ thông, thanh niên thì tỷ lệ chúng ta gặp mặt trên đường không đội mũ bảo hiểm rất nhiều, vậy phải đặt ra câu hỏi tại sao càng lớn, càng có hiểu biết thì ý thức lại càng kém. Mọi người cho rằng để giải quyết vấn đề này thì quy trách nhiệm vào nhà trường và giáo viên nhưng khi phát hiện vi phạm, gọi về nhà trường thì Sở nhận được phản ứng từ nhà trường là tại sao học sinh không đội mũ lại quy trách nhiệm vào giáo viên chủ nhiệm, cho nhà trường

“Về vấn đề này, nhà trường nhận xét rằng nó nằm trong một tam giác đều giữa gia đình, nhà trường, xã hội. Họ tuyên truyền, giáo dục tốt, tích cực đầu giờ lên lớp, trong các tiết học ngoại khoá, ra đường các em vi phạm mà không bị phạt thì đâu có phải lỗi của chúng tôi. Nói như vậy không phải là chúng tôi trốn việc nhưng phải có sự tham gia đầy đủ của các mặt trận. Đối với các bậc phụ huynh, họ chăm lo cho con em mình, khi mưa họ dừng lại mua áo mưa để che mưa, sợ con bị cảm thế nhưng mà đến những km cuối cùng, cái liên quan trực tiếp đến tính mạng của con thì họ lại không lo, lại đối phó”, ông Nguyễn Hiệp Thống nhấn mạnh.

Cũng bàn về vấn đề này, ông Uông Việt Dũng - Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết “Hiện nay, vẫn còn một số người dân còn chủ quan, chưa nhận thức sâu sắc hậu quả của việc không đội mũ bảo hiểm cho con, em mình khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Điển hình, nhiều phụ huynh lấy lý do nhà gần trường, vội đi làm nên không mang theo mũ bảo hiểm cho con hoặc cho con, em mình đội mũ bảo hiểm mang tính chất đối phó, không quan tâm đến chất lượng mũ”.

Theo ông Dũng, ngoài vấn đề về ý thức phụ huynh cũng như ý thức của các em học sinh,  một trong những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này là việc xác định độ tuổi đối với trẻ em khi vi phạm không đội mũ bảo hiểm còn gặp nhiều khó khăn, việc kiểm tra xử lý đối với các trường hợp vi phạm đầu giờ học đôi khi gây ảnh hưởng đến giờ vào học của các cháu, đặc biệt là đối với những phụ huynh đưa con em đi học cận giờ. Đồng thời, theo quy định Luật xử lý vi phạm hành chính, người từ 14 tuổi đến 16 tuổi bị xử phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm do lỗi cố ý, do đó các trường hợp thanh, thiếu niên dưới 16 tuổi điều khiển xe đạp, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm chỉ bị phạt cảnh cáo nên tính răn đe không cao.

Công tác kiểm tra, đôn đốc chưa được các cấp, các ngành và các địa phương thực sự quan tâm, vì vậy nhiều địa phương không duy trì và nâng cao được tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em đợt cao điểm. Tại nhiều trường học, vai trò của Ban giám hiệu nàh trường, các tổ chức Đoàn, Đội chưa phát huy được vai trò trong kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở  học sinh thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, chưa lấy việc chấp hành đội mũ bảo hiểm cho học sinh vào công tác thi đua khen thưởng tại các sở giáo dục.

Chính vì sự chủ quan, thiếu ý thức của một bộ phận phụ huynh cũng như các em học sinh, tình trạng xảy ra TNGT do xe mô tô, xe gắn máy gây hậu quả nghiêm trọng do không đội mũ bảo hiểm mà nạn nhân là trẻ em vẫn còn xảy ra nhiều. Do đó, để tránh thực trạng đáng buồn này xảy ra, ông Uông Việt Dũng cho rằng, các bậc cha mẹ, thầy cô cần gương mẫu trong việc chấp hành đội mũ bảo hiểm cho con, em, học sinh và người thân mình để từ đó tác động đến cộng đồng xung quanh noi gương chấp hành. Đồng thời, phải tạo được sự gắn kết chặt chẽ, làm việc đồng bộ giữa công tác truyền thông và công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm tăng hiệu quả thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em.

Ý kiến của bạn

Bình luận