Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu 4 nguyên tắc thúc giải ngân vốn đầu tư công

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Xã hội 01/02/2023 19:43

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 vào chiều 1/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã nêu 4 nguyên tắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu 4 nguyên tắc thúc giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Quang cảnh cuộc họp của Bộ GTVT về kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 vào chiều 1/2

Không để đến hạn mới hoàn thành, phải làm nhanh nhất có thể

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 94 nghìn tỷ vốn đầu tư công cho các công trình giao thông. Đây là khối lượng vốn "khổng lồ" và cho thấy những áp lực và thách thức đối với Bộ GTVT là rất lớn để có thể hoàn thành tối thiểu 90% theo yêu cầu. 

"Nếu không có sự chủ động, sáng tạo thì rất khó để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ này", Bộ trưởng nói và nêu cụ thể, năm 2023, Bộ GTVT đăng ký kế hoạch vốn 72 nghìn tỷ đồng, nhưng được Chính phủ giao thêm hơn 22 nghìn tỷ, nâng tổng số vốn lên hơn 94 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021. Khối lượng vốn đầu tư công này chủ yếu tập trung vào các dự án cao tốc, nhất là cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và giai đoạn 2.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ 4 nguyên tắc để giải ngân hiệu quả khối lượng vốn đầu tư công năm 2023. Trước hết, các dự án mới phải khởi công càng sớm càng tốt. Tiếp đó, công tác GPMB phải càng nhanh càng tốt. Thi công phải nhanh nhất, khối lượng nhiều nhất có thể. Cuối cùng, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phải triển khai theo phương châm "vừa chạy, vừa xếp hàng".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu 4 nguyên tắc thúc giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 2.

Thi công cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Chỉ rõ hơn về công tác GPMB, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phải triển khai với tốc độ nhanh nhất, không phải chờ đến thời hạn Chính phủ ấn định là quý 2/2023 mới hoàn thành, mà phải làm xong sớm nhất có thể. Các chủ đầu tư, ban QLDA phải có hành động quyết liệt, mạnh mẽ, chủ động, đồng thời bám sát, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đảm bảo "tăng tốc" tiến độ.

Đối với công tác thi công làm sao để nhanh nhất, khối lượng nhiều nhất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ, nguồn vốn rất nhiều nên không lo thiếu tiền, vì vậy, chủ đầu tư, ban QLDA phải đẩy nhanh tiến độ tối đa, làm đến đâu sẽ được bố trí đủ tiến đến đó.

Phân tích rõ về phương châm "vừa chạy, vừa xếp hàng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phải vừa thiết kế bản vẽ thi công, vừa thi công trên cơ sở được duyệt; vừa xây dựng phương án mua vật liệu ở các mỏ thương mại, đảm bảo vật liệu thi công trong thời gian đầu, vừa đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép mỏ vật liệu mới

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2022, mỗi tháng bình quân Bộ GTVT giải ngân từ 2,5 đến 3 nghìn tỷ đồng đã là thành tích rất tốt. Trong khi năm 2023, bình quân mỗi tháng Bộ GTVT phải giải ngân khoảng 8 nghìn tỷ đồng mới có thể đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2023. Riêng tháng 1/2023, tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT đạt 1,81% là thấp, nguyên nhân là trùng với dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán nên có tới khoảng nửa tháng triển khai công tác gặp nhiều hạn chế.

"Nguyên tắc là dù bất kỳ nguyên nhân là gì, tháng nào giải ngân thấp thì tháng sau phải bù lại", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói và yêu cầu, các chủ đầu tư, ban QLDA phải thực sự chủ động, quyết liệt mạnh mẽ triển khai các nguồn lực thực hiện dự án. Đặc biệt là phải huy động sẵn vật tư, vật liệu, nhân lực và phải thi công cuốn chiếu các hạng mục.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu 4 nguyên tắc thúc giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại cuộc họp

Sẽ có "thẻ đỏ" rất nghiêm khắc

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: "Chúng ta phải chủ động hơn, quyết liệt hơn mới đạt được hiệu quả cao hơn. Nếu không nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt mạnh mẽ hơn, chây ỳ đổi mới cách làm thì sẽ không thể hoàn thành được khối lượng công việc khổng lồ".

Người đứng đầu ngành GTVT nói rõ, việc chậm tiến độ ở bất kỳ đâu cũng phải báo cáo ngay để khắc phục từ sớm. Nguyên nhân chậm tiến độ do nhà thầu không đáp ứng được năng lực là điều rất khó có thể chấp nhận. "Nghe báo cáo rằng, nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu tiến độ quả thật là rất khó chịu, khó chấp nhận được lý do này", Bộ trưởng bày tỏ.

Bộ trưởng cảnh báo sẽ rút "thẻ đỏ" đối với các nhà thầu yếu kém. Bộ GTVT sẽ có chế tài xử lý mạnh mẽ, nghiêm khắc đối với các nhà thầu không đáp ứng năng lực làm chậm trễ tiến độ dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu 4 nguyên tắc thúc giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 4.

Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45

Đồng thời, người đứng đầu ngành GTVT khẳng định, các chủ đầu tư, ban QLDA có toàn quyền xử lý đối với các nhà thầu yếu kém. Nếu các chủ đầu tư, ban QLDA không xử lý được mà để lãnh đạo Bộ GTVT trực tiếp thực hiện thì các chủ đầu tư, ban QLDA cũng sẽ bị xử lý theo.

"Không thể tiếp diễn tình trạng nhà thầu cứ làm chậm, cứ vi phạm hợp đồng đã ký kết nhưng lại không có hành động cụ thể. Nhà thầu nào dính "thẻ đỏ" thì sẽ không được tham gia thêm bất cứ công trình nào của Bộ GTVT", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Bên cạnh chủ đầu tư, ban QLDA, nhà thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng lưu ý đối với các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Nếu các đơn vị tư vấn lơ là, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ cũng sẽ bị xử lý mạnh tay.