Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Nhà thầu có khó khăn trong tiếp cận nguồn cát nhưng không phải phổ biến

Tác giả: M.Thành

saosaosaosaosao
Chính trị 08/06/2023 09:15

Tiếp tục phiên chất vấn vào sáng nay (8/6), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tiếp tục trả lời các câu hỏi và tranh luận của các ĐBQH liên quan đến các vấn đề chi phí logistics, các dự án BOT dừng thu phí, giải quyết nguồn vật liệu làm cao tốc…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Nhà thầu có khó khăn trong tiếp cận nguồn cát nhưng không phải phổ biến - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định)

Dư địa để giảm chi phí logistic còn rất nhiều

Trả lời tranh luận của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) về chi phí logistics, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo thông lệ quốc tế, chi phí logistic đều được so sánh với GDP. Năm 2022 ở mức 16,8% GDP, tỷ lệ này còn cao so với bình quân chung trên thế giới, nhưng đã tiệm cận chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2025, chi phí logistic chiếm khoảng từ 16-20%.

"Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 43 trong tổng số 139 nước tham gia xếp hạng và trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ tư. Đây cũng kết quả ban đầu để tiếp tục phấn đấu và thực tế dư địa để giảm chi phí logistic còn rất nhiều", Bộ trưởng nói và cho biết, trong thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục nỗ lực và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ; đầu tư phát triển các cảng cạn, trung tâm logistic để đẩy mạnh các phương vận tải đa phương thức.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải như giảm phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho các chủ hàng. Chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong hoạt động đầu tư khai thác hạ tầng tránh dàn trải và gây cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến lãng phí xã hội.

Trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề logistics, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng để thực hiện tốt nhất việc đầu tư cơ sở hạ tầng, quan tâm đến việc kết nối mạng lưới giao thông. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, ngày 7/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch cảng hàng không, như vậy, chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, giảm chi phí logistics.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Nhà thầu có khó khăn trong tiếp cận nguồn cát nhưng không phải phổ biến - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay (8/6)

75% trung tâm đăng kiểm của các doanh nghiệp tư nhân

Trả lời tranh luận của đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) về trách nhiệm của bộ trong việc chậm phản ứng, khiến các Trung tâm đăng kiểm chậm hoạt động trở lại do thiếu đăng kiểm viên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, sự việc xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng như các Trung tâm đăng kiểm là một sự cố hết sức đau xót đối với lĩnh vực đăng kiểm nói riêng cũng như ngành giao thông vận tải nói chung. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cùng với Đăng kiểm Việt Nam về những sai phạm xảy ra trong hoạt động đăng kiểm.

Bộ trưởng cho biết thêm, trong công tác điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố, bắt giam bị can do công an các địa phương thực hiện, không phải là Bộ Công an. Về nguyên tắc điều tra, không trao đổi trước với Bộ GTVT. Do vậy, với tinh thần khi xảy ra ở đâu, Bộ Giao thông vận tải trực tiếp trao đổi, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an để có phương án giải quyết. Bộ Giao thông có văn bản đề nghị Bộ Công an tạo điều kiện, việc thu giữ máy móc, thiết bị và tài liệu niêm phong để phục vụ cho công tác điều tra có thể làm sớm, làm nhanh, sau đó bàn giao lại cho trung tâm kiểm để để Cục Đăng kiểm tiếp quản và bố trí lực lượng.

Tuy nhiên, 75% trung tâm đăng kiểm của các doanh nghiệp tư nhân, nên không phải muốn khôi phục lại là khôi phục được. Đặc biệt, lực lượng bị khởi tố, bắt giam ở các trung tâm đăng kiểm chủ yếu là nhân lực chủ chốt, đăng kiểm viên bậc cao, thường mỗi trung tâm chỉ có một người và thường giữ vai trò lãnh đạo của trung tâm.

Về trách nhiệm, ngay từ đầu lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo khi xảy ra các vụ việc tại các trung tâm đăng kiểm về các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Ngày 7/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định sửa đổi 139, như vậy các điều kiện liên quan đến hoạt động của Trung tâm đăng kiểm cơ bản được đảm bảo.

Về quy hoạch chuyên ngành mạng lưới trung tâm đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, Luật Quy hoạch không có lỗi, mà vấn đề ở phản ứng chính sách của Bộ GTVT. Khi Luật ra đời, quy hoạch này hết hiệu lực, bị bãi bỏ, đáng ra Bộ cần chỉ đạo Cục Đăng kiểm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để kiểm soát, nhưng Bộ đã không kịp làm việc đó. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các trung tâm đăng kiểm nở rộ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Nhà thầu có khó khăn trong tiếp cận nguồn cát nhưng không phải phổ biến - Ảnh 3.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu)

Khó khăn nguồn cát chỉ diễn ra ở một vài dự án trong giai đoạn đầu triển khai

Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) liên quan đến dự án BOT dừng thu phí, Bộ GTVT đang đốc thúc, trong trường hợp doanh nghiệp chưa chịu bàn giao, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ chỉ đạo để thực hiện việc tiếp quản; nơi nào hỏng hóc cần phải nâng cấp, bảo trì, Bộ Giao thông vận tải thực hiện.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu về khó khăn trong tiếp cận nguồn cát của các nhà thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực tế này có trên thực tế nhưng không phải là phổ biến, chỉ diễn ra ở một vài dự án trong giai đoạn đầu triển khai dự án. Bởi khi chưa thực hiện quy trình, thủ tục để được cấp mỏ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội cần có quy trình, thủ tục và mất thời gian, khi đó các doanh nghiệp phải mua nguyên vật liệu trên trên thị trường, vấn đề này cơ bản được giải quyết.

Trả lời ý kiến của đại biểu về giải pháp phát huy hơn nữa phương thức vận tải đường biển để tận dụng chiều dài của bờ biển hơn 3.200 km, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đang triển khai các quy hoạch lĩnh vực hàng hải làm cơ sở thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải; tiếp tục phối hợp với các địa phương để tháo gỡ các điểm nghẽn về kết nối hạ tầng; tập trung phát triển, nâng cao năng lực vận chuyển các chặng ngắn; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng biển theo đúng quy hoạch và cố gắng thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các doanh nghiệp, tập đoàn tài chính lớn có kinh nghiệm trên thế giới.

Giải trình chất vấn của đại biểu về vi phạm của các doanh nghiệp vận tải, giải pháp của Bộ trưởng đưa ra là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để quản lý các phương tiện này; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt phần mềm giám sát hành trình, lắp đặt các camera giám sát hành trình nhằm theo dõi, giám sát thời gian lái xe, tuân thủ đúng quy định về các biện pháp an toàn hành khách…

Đối với vấn đề sử dụng cát biển trong xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, Bộ trưởng cho biết, hiện nay theo quy hoạch chúng ta vẫn đảm bảo nguồn nguyên vật liệu cho quá trình thi công dự án này. Riêng với dự án Cần Thơ – Cà Mau, trên cơ sở các cuộc làm việc trực tiếp giữa Bộ GTVT, TN&MT với với 3 tỉnh, Thủ tướng đã giao các địa phương cung cấp vật liệu. Bộ trưởng cho biết, các tỉnh rất ủng hộ, đang làm quy trình thủ tục để cấp phép vật liệu cho tuyến đường này.

Liên quan đến một ý khác trong câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thị Phúc liên quan đến dự án BOT dừng thu phí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đang đốc thúc, trong trường hợp doanh nghiệp chưa chịu bàn giao, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ chỉ đạo để thực hiện việc tiếp quản; nơi nào hỏng hóc cần phải nâng cấp, bảo trì, Bộ Giao thông vận tải thực hiện.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động đăng kiểm

Đối với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động đăng kiểm, Bộ trưởng cho biết, đây là một trong những tồn tại, nguyên nhân khiến xảy ra sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm. Đặc thù của hoạt động đăng kiểm là tương đối khép kín, nên khi thanh tra tiến hành kiểm tra, chỉ kiểm tra được trên hồ sơ, trong khi sai phạm lại không nằm trên hồ sơ, hồ sơ rất đẹp nhưng vẫn xảy ra sai phạm.

Bộ trưởng cho biết, qua phân tích kỹ, có lỗ hổng trong hệ thống công nghệ thông tin, khi phần mềm bảo mật kém, bị lợi dụng, các trung tâm đăng kiểm đã sử dụng phần mềm can thiệp làm thay đổi số liệu trong hệ thống, nếu kiểm tra hồ sơ thì không thể phát hiện được. Đó là khó khăn của công tác thanh tra, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng thời gian qua thanh tra đã làm chưa hết trách nhiệm.

Bộ trưởng cho biết, ngay khi nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng đã tiến hành thanh tra hệ thống đăng kiểm, thanh tra việc đào tạo, cấp phép lái xe, huy động lực lượng tập trung vào công việc này, từng bước khắc phục vướng mắc. Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ siết chặt hơn nữa, ban hành các Nghị định, thông tư để làm cơ sở cho công tác thanh tra, kiểm tra được quản lý tốt hơn, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thanh tra, xây dựng đề án tách kinh doanh dịch vụ công khỏi công tác quản lý để đảm bảo thanh tra, kiểm tra được khách quan, minh bạch.

Đối với việc hoán cải xe, Bộ trưởng nhấn mạnh nhu cầu của người dân là chính đáng, hiện nay việc hoán cải từ xe 16 chỗ thành xe 9 chỗ đã được quy định trong Thông tư 85 của Bộ Giao thông vận tải, trong đó giao nhiệm vụ này cho các Sở Giao thông vận tải của các tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định các thiết kế cải tạo xe cơ giới mà có đăng kiểm tại địa phương. Nếu Sở Giao thông vận tải không đủ điều kiện thì Cục Đăng kiểm có trách nhiệm thực hiện, trong đó chỉ thực hiện hoán cải với các xe không kinh doanh vận tải.

Toàn bộ hoạt động đào tạo, cấp GPLX đã được phân cấp cho địa phương

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Nhà thầu có khó khăn trong tiếp cận nguồn cát nhưng không phải phổ biến - Ảnh 4.

Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang)

Trước câu hỏi của Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) về giải pháp ngăn chặn nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực trong việc cấp giấy phép lái xe và ùn tắc giao thông tại một số đô thị lớn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cung ứng dịch vụ công. Việc cấp đổi gần như đã được liên thông toàn bộ dữ liệu, có thể đăng ký cấp đổi qua mạng. 

Đối với việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, qua việc thanh kiểm tra trong thời gian qua, Bộ đã nhận diện được vấn đề. Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện thể chế, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt trong phân định trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải các tỉnh trong thanh tra, kiểm tra đào tạo, cấp phép lái xe. 

"Đến nay toàn bộ hoạt động đào tạo, cấp giấy phép lái xe đã được phân cấp xuống địa phương, Bộ chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND cấp tỉnh, chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải khắc phục triệt để vấn đề này", Bộ trưởng chia sẻ.

Về vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cần giải quyết tháo gỡ về lâu dài, không thể hoàn thành một sớm một chiều. Bộ trưởng cho rằng cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số. Nếu ở vùng lõi tiếp tục mọc lên các chung cư cao tầng thì tình trạng ùn tắc sẽ tiếp tục tiếp diễn. Trong quá trình quản lý quy hoạch đô thị thì cần chú trọng đến đất giao thông. Bộ trưởng cho rằng đất giao thông cần từ 16 đến 26% đất đô thị, tuy nhiên hiện nay chúng ta chỉ dành khoảng 8 đến 9%.

Bên cạnh đó, việc phát triển phương tiện công cộng cũng là vấn đề cấp thiết, trong đó, đường sắt đô thị cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh, thúc đẩy tiến độ, cần tổ chức sắp xếp để mở rộng không gian, triển khai quyết liệt các tuyến đường vành đai, tuyến tránh.

Ý kiến của bạn

Bình luận