Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chưa phát hiện lợi ích nhóm thu phí không dừng

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 09/06/2022 10:42

Trả lời đại biểu QH sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, đến nay chưa phát hiện cấu kết trong việc chậm triển khai thu phí đường bộ không dừng.


 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn sáng ngày 9/6

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn sáng ngày 9/6

Sáng nay (9/6), Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3 tiếp tục phiên chất vấn các thành viên Chính phủ với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Mỗi tháng thông báo giá một lần để cập nhật biến động giá kịp thời hơn

Tại phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT, đề cập một trong những vấn đề “nóng” nhất hiện nay, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) và Trần Quang Minh (Quảng Bình) nêu thực tế, việc khan hiếm nguyên nhiên vật liệu tại các dự án giao thông đường bộ đang khiến nhà thầu gặp khó khăn. "Bao giờ giải quyết được vấn đề này?", đại biểu TP.Hà Nội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, do ảnh hưởng giá nhiên liệu, chiến sự Nga - Ukraine khiến giá nguyên vật liệu xây dựng tăng giá đột biến. Hai Bộ Giao thông và Xây dựng đã báo cáo Chính phủ. Bộ Xây dựng tổ chức 7 đoàn kiểm tra ở các công trường.

“Theo quy định thông báo giá của địa phương là sau 1-3 tháng. Có 37 địa phương thông báo giá hàng tháng, còn lại đều thông báo 3 tháng một lần”, Bộ trưởng dẫn chứng và đề nghị các địa phương mỗi tháng thông báo giá một lần để cập nhật biến động giá kịp thời hơn.

Theo người đứng đầu Bộ GTVT, dự án lớn đều ký hợp đồng theo điều chỉnh giá, địa phương thông báo kịp thời thì sẽ điều chỉnh kịp thời hơn. Tuy nhiên, thực tế là giá biến động nhanh, cơ chế vận hành chậm nên ít nhiều ảnh hưởng tới nhà đầu tư, nhà thầu.

"Chúng tôi mong muốn nửa tháng thông báo giá một lần, nhưng như vậy nhiều vật tư biến động, gây áp lực lớn cho Sở Tài chính địa phương", Bộ trưởng Thể nói và cho biết sẽ cùng các bộ, ngành có phương án xử lý tốt nhất. Còn xử lý triệt để thì rất khó do giá nguyên vật liệu xây dựng ảnh hưởng từ giá xăng dầu, nguyên vật liệu từ thị trường thế giới.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian qua có ý kiến về tiến độ một số dự án giao thông, nhất là công trình trọng điểm quốc gia chậm, do giá nguyên vật liệu tăng. Nếu nhà thầu làm thì không đủ phương án tài chính. Nhưng thực tế như Bộ trưởng nói thì các hợp đồng xây lắp đều có cơ chế điều chỉnh giá.

"Vậy chậm do thủ tục và quy trình điều chỉnh. Có phải thế không? Hay các nhà thầu thiệt thòi gì nên không làm. Dư luận, nhân dân cứ nghĩ là đã ký hợp đồng rồi, chọn nhà thầu rồi, thì bây giờ giá cao thì làm thế nào? Trách nhiệm điều chỉnh giá kịp thời ra sao, do vấn đề gì? Giải pháp khắc phục sắp tới thế nào?", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt hàng loạt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý vấn đề này phải rất tường minh, tránh hiểu nhầm là nhà thầu bị thiệt thòi khi nhận công trình làm cho nhà nước, bây giờ giá tăng nên thua lỗ.

Cương quyết "xả trạm" nếu không hoàn thành thu phí không dừng

Trước đó, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) đặt vấn đề, Chính phủ triển khai thu phí không dừng từ năm 2015 và áp dụng thống nhất trên cả nước từ năm 2019. Sau nhiều lần gia hạn, đến nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, trước ngày 30/6 phải hoàn thành cũng khó đạt được. Vậy nguyên nhân chậm chễ này vì đâu?

Đại biểu tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, nếu trạm thu phí nào không lắp đặt hệ thống thu phí không dừng thì phải xả trạm. "Theo Bộ trưởng điều này có thực hiện được hay không?", ông Đặng Hồng Sỹ đặt câu hỏi.

Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, quá trình triển khai thu phí không dừng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, một phần do thói quen của người dân, tỷ lệ dán thẻ rất ít, dù việc dán thẻ là miễn phí. Ngoài ra, công nghệ này rất mới trên thế giới và nhiều quốc gia chưa dùng nên khi triển khai tại Việt Nam vẫn còn gặp một số vấn đề kỹ thuật.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cả nước có hơn 113 trạm BOT, hơn 400 làn thu phí không dừng (ETC). Bộ GTVT đã rất nỗ lực nhưng chưa thể đáp ứng kịp khối lượng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến 30/6, toàn bộ các trạm BOT, trừ các trạm của Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam phải hoàn thành lắp đầy đủ hệ thống ETC, mỗi trạm chỉ chừa 2 làn để xử lý các tình huống phức tạp, đột xuất.

“Nếu chưa hoàn thành thì sẽ dừng thu phí. Khi nào làm xong thì mới cho thu phí lại”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh sự cương quyết của Chính phủ.

Cả nước có hơn 113 trạm BOT, hơn 400 làn ETC

Cả nước có hơn 113 trạm BOT, hơn 400 làn ETC

Riêng Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam sẽ hoàn thành công việc này vào 31/7. Tương tự, nếu không hoàn thành đúng hạn sẽ phải “xả trạm” cho đến khi thực hiện xong việc lắp đặt làn thu phí không dừng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện có khoảng 3,2/4 triệu xe đã dán thẻ ETC, đạt trên 60%. Ngày 1/6 vừa qua đã thí điểm thu phí không dừng 100% trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và việc vận hành rất tốt. Đây là tiền đề để triển khai thực hiện trong thời gian tới. 

Trả lời đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đến năm 2019, theo đề án Chính phủ giao, mỗi trạm BOT ít nhất 2 làn thu phí tự động. "Lý do là việc nếu dán thẻ không được nhiều thì đi trên các làn thu phí tự động rất khó khăn. Đến nay, việc 3,2 triệu ôtô dán thẻ thu phí không dừng là cơ sở, thời điểm chín muồi để sử dụng các làn thu phí tự động", Bộ trưởng Thể nói.

Trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí về việc có hay không gian lận, lợi ích nhóm trong chậm triển khai thu phí không dừng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc lắp đặt thu phí không dừng liên quan đến người dân nên rất nhạy cảm, các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công an rất quan tâm đến vấn đề này.

"Đến nay chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa cơ quan nhà nước cấu kết với nhà đầu tư. Còn nếu có vấn đề gì bên trong, nếu có vi phạm gì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Tôi nghĩ chúng ta có bộ máy để kiểm tra, giám sát việc này", người đứng đầu Bộ GTVT nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận