Căn nhà vườn 19, khu đô thị Minh Tâm (Q.Long Biên, Hà Nội) là địa chỉ núp bóng để Công ty cổ phần Thương mại Logistic Trung Thành hoạt động vận tải hành khách sai quy định - Ảnh: Nhị Hà |
“1001” cách biến tướng vi phạm
Như trong bài trước chúng tôi đã đề cập, các xe ô tô của Công ty cổ phần Thương mại Logistic Trung Thành được Sở GTVT Quảng Ninh cấp phép là xe hợp đồng, chuyên phục vụ khách đoàn đi tham quan, du lịch, đám cưới, đám ma..., nhưng thực tế hiện nay chúngg hoạt động không khác gì xe khách tuyến cố định với đủ “chiêu trò” lách luật.
Cụ thể, trên trang web: http://trungthanhlimousine.vn của Công ty Cổ phần Thương mại Logistic Trung Thành (hãng xe Trung Thành Limousine - PV), có địa chỉ tại số nhà 22, Khu 7, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh liên tục đăng tải những lời mời chào đặt vé xe Limousine tuyến Quảng Ninh - Hà Nội và ngược lại, kèm theo đó các số điện thoại của tổng đài để hành khách kết nối. Thậm chí, hệ thống mua vé trực tuyến trên trang web hoạt động chuyên nghiệp và bài bản giống tuyến cố định như: Điểm đi, điểm đến, ngày giờ, số hành khách… với tần suất 1 chuyến/tiếng từ 2h30 đến 21h với giá vé dao động từ 220.000 - 260.000 đồng/người.
Mới đây, PV Tạp chí GTVT gọi điện để đặt vé từ Vân Đồn (Quảng Ninh) đi Hà Nội. Theo lời hướng dẫn của nhân viên Trung Thành Limousine, xe đón lúc 11h tại nhà riêng, vị trí ngồi ghế số 6 (ghế giữa) và sẽ chở về một địa điểm thuộc khu đô thị Minh Tâm, quận Long Biên, Hà Nội.
Đúng lịch, chiếc xe Limousine Trung Thành BKS 14 (Quảng Ninh) đến đón PV như đã đặt. Thời điểm này trên xe cũng đã có khoảng 3 -4 hành khách. Dù vậy, chiếc xe vẫn tiếp tục chạy về khu vực thành phố Hạ Long để đón thêm khách, sau đó di chuyển lên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội. Sau khi dừng nghỉ tại một cửa hàng trên cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, tài xế đã trực tiếp thu tiền vé xe của từng hành khách với giá “niêm yết” theo vị trí ghế ngồi.
Trên trang web của Công ty cổ phần Thương mại Logistic Trung Thành vô tư chào bán vé và đặt chỗ với các xe Limousine mang phù hiệu "Xe Hợp đồng" - Ảnh chụp tại địa chỉ web: http://trungthanhlimousine.vn |
Sau gần 4 tiếng di chuyển, chiếc xe chở khách về căn nhà vườn 19, khu đô thị Minh Tâm, phường Long Biên, quận Long Biên (Hà Nội). Tại đây, hành khách tiếp tục được hãng xe bố trí ô tô loại 7 chỗ trung chuyển trả về tận nhà.
Ghi nhận của PV, căn nhà vườn 19, khu đô thị Minh Tâm mà chiếc xe Limousine Trung Thành đưa khách về là căn biệt thự quy mô hàng trăm mét vuông, có công năng sử dụng như một bến xe thu nhỏ . Bên trong văn phòng có 3 nhân viên đang hoạt động điều hành vận tải hành khách và ký gửi hàng hóa. Còn phía ngoài cửa, 5 - 6 chiếc xe Limousine dàn hàng dưới lòng đường chờ xếp khách để chạy về Quảng Ninh.
Vi phạm bị “lờ” đi?
Cũng tại văn phòng này, khi PV hỏi về việc muốn lấy vé xe để thanh toán công tác phí, nam nhân viên hồ hởi hướng dẫn: “Anh vui lòng cung cấp các thông tin cá nhân, tên đơn vị và hạng nghế sử dụng để công ty xuất hóa đơn đỏ hoặc viết phiếu thu cho anh”. Tiếp đó, nam nhân viên viết phiếu thu cho PV với chiếc ghế số 6 giá 260.000 đồng.
Cầm chiếc phiếu thu này cung cấp cho một cán bộ thuộc Sở GTVT Hà Nội, PV nhận được câu trả lời, phiếu thu này không có giá trị đối với doanh nghiệp vận tải cũng như cơ quan của người xin về thanh toán công tác phí vì đây không phải chứng từ. Nếu đăng ký hoạt động vận tải hợp đồng mà bán vé, viết phiếu thu xác nhận đặt chỗ là vi phạm đăng ký kinh doanh.
Ông Vũ Hà - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của Tạp chí GTVT, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông phối hợp với Công an thành phố và UBND quận Long Biên kiểm tra, xử lý triệt để các vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn, đặc biệt là kiểm tra hoạt động vận tải của hãng xe Trung Thành Limousine.
Nhân viên Công ty cổ phần Thương mại Logistic Trung Thành cấp phiếu thu cho hành khách đi xe - Ảnh: Nhị Hà |
Qua công tác quản lý nhà nước, Phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội khẳng định với PV, tại địa chỉ căn nhà vườn 19, khu đô thị Minh Tâm không có bất kỳ đăng ký kinh doanh về bến bãi, vận tải hành khách tuyến cố định Hà Nội - Quảng Ninh. Những chiếc xe Limousine đang hoạt động ở đây chẳng khác gì những chiếc xe dù và biến nơi đây thành bến cóc”.
Ông Nguyễn Quang Lượng - Đội trưởng Đội TTGT quận Long Biên cũng thừa nhận: “Xe Limousine Trung Thành thường xuyên tập trung tại khu vực số khu đô thị Minh Tâm và đơn vị đã nhiều mật phục xử lý. Tuy nhiên, khi lực lượng ra quân thì không bắt gặp xe Limousine Trung Thành hoạt động tại văn phòng như báo chí phản ánh”.
Doanh nghiệp vận tải bất bình gửi đơn thư kêu cứu
Theo đơn kêu cứu của 11 đơn vị vận tải chạy cố định tuyến Quảng Ninh - Hà Nội gửi Bộ GTVT, hiện trên tuyến Quảng Ninh - Hà Nội và ngược lại, mỗi ngày có trên 1.500 xe chạy. Nhưng chỉ khoảng 300 xe là được cấp phép hoạt động trên tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định, còn lại phần lớn là các xe dòng Limousine 10 chỗ, 16 chỗ, 19 chỗ và xe giường nằm 41 chỗ mang biển đăng ký Quảng Ninh hoặc Hà Nội hoạt động dưới hình thức như tuyến cố định.
Các xe này thường xuyên tùy tiện chạy vòng vo đón khách tại nhà ở Quảng Ninh và Hà Nội vào tất cả các khung giờ, trong khi xe chạy tuyến cố định không được cấp phép xe trung chuyển. Các xe thường “đè giờ” xe hoạt động trên tuyến cố định Hà Nội - Quảng Ninh, khiến doanh nghiệp chạy tuyến cố định đang trên bờ vực phá sản.
Ông S., chủ một hãng xe tuyến cố định Cẩm Phả - Mỹ Đình, cho rằng: “Cuộc cạnh tranh giữa xe Limousine núp bóng hợp đồng chạy tuyến cố định với xe khách tuyến cố định truyền thống ở Quảng Ninh đang không sòng phẳng. Limousine đang dần bóp chết tuyến cố định và đẩy các doanh nghiệp vận tải vào thế phá sản”.
Trái ngược với hình ảnh đón, trả khách nhộn nhịp tại "bến xe riêng" của hãng xe Trung Thành, lực lượng chức năng quận Long Biên lại "im hơi lặng tiếng" một cách khó hiểu - Ảnh: Nhị Hà |
Theo ông S., chi phí vận hành một chiếc xe Limousine 9 chỗ với chiếc xe khách tuyến cố định 43 chỗ đang chênh lệch rất lớn. Cụ thể, cùng với quãng đường từ Hạ Long đến trung tâm TP Hà Nội theo tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội, xe Limousine 9 chỗ chỉ mất khoảng 700.000 đồng/chuyến tiền dầu (xe tuyến cố định mất 2.200.000 đồng); phí đường bộ tại cầu Bạch Đằng là 35.000 đồng/lượt (tuyến cố định là 60.000 đồng); phí cao tốc Hải Phòng - Hà Nội là 210.000 đồng/lượt (tuyến cố định 350.000 đồng).
Riêng phí bến bãi thì xe Limousine không mất vì loại xe này quay vòng đón trả khách và hầu hết các chuyến đều đủ khách với giá vé trung bình 240.000 đồng/người. Trong khi đó, xe tuyến cố định 43 chỗ phải đóng 300.000 đồng cho một bến (2 đầu bến là 600.000 đồng) và số khách chỉ dao động khoảng 25/43 ghế/lượt với giá vé 140.000 đồng/người.
"Tần suất hoạt động liên tục của Limousine cũng đang gây áp lực đối với tài xế và không ai dám chắc rằng thời gian lái xe trên đường của tài xế có vượt quá quy định cho phép, điều này tiềm ẩn nguy cơ TNGT", ông S., nhấn mạnh.
Trước vấn đề xe chở khách Limousine chạy núp bóng dạng xe hợp đồng du lịch khiến các xe chạy tuyến cố định trên bờ vực phá sản, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, trách nhiệm của cơ quan nhà nước thi hành công vụ thiếu quyết liệt, chưa làm thường xuyên. Do đó, mấy chục năm nay, xe dù bến cóc chưa dẹp được, phải có phương án toàn diện để giải quyết vấn đề này. Tình trạng bỏ bến của các doanh nghiệp vận tải là việc làm “cực chẳng đã”. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp xử lý đồng bộ để cứu các doanh nghiệp vận tải hoạt động trong bến, tạo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.