Bớt gánh nặng phí cho logistics

17/07/2016 09:11

Gánh nặng chi phí luôn là một trong những rào cản tác động tới năng lực cạnh tranh của các DN logistics trong nước so với thế giới.

1_49405
Nhà nước nên đóng vai trò “đòn bẩy” để hỗ trợ phát triển. (Ảnh: Quang Tấn).

Áp lực

Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, dự kiến trong năm 2016 lượng hàng XNK qua các cảng biển sẽ đạt 470 triệu tấn với 13,3 triệu TEU. Lượng hàng XNK trong các năm tiếp theo sẽ còn tăng nhiều hơn và gấp đôi năm 2016 vào năm 2025. Không những thế, các DN Việt Nam đều đang tích cực mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất nên sẽ cần sử dụng nhiều hơn các dịch vụ hậu cần. Do đó, nhu cầu phát triển và sử dụng dịch vụ ngành logistics sẽ còn tăng cao.

Tuy nhiên, các DN logistics lại đang vấp phải nhiều rào cản, trong đó vấn đề chi phí là đáng quan ngại nhất. TS. Trịnh Thị Thu Hương, Trưởng bộ môn Vận tải, Trường Đại học Ngoại thương cho hay, các DN logistics Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, ít DN lớn nên vốn đầu tư phát triển rất hạn chế. Vì thế, các DN này cần tập trung nguồn vốn nhiều hơn cho sự phát triển công nghệ, dịch vụ nên mong muốn giảm thiểu tối đa chi phí và có những hỗ trợ cần thiết.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần Logistics U&I cho hay, DN logistics luôn chịu nhiều sức ép từ phía các DN nước ngoài khi họ có được năng lực tài chính, công nghệ, chất lượng dịch vụ gần như vượt trội. Vì thế, để tạo thuận lợi cho DN, các cơ quan chức năng nên có biện pháp ưu đãi thuế, miễn giảm thuế thu nhập từ hoạt động logistics trong khoảng thời gian nhất định… Chính sách này sẽ giúp các DN tăng được phần nào năng lực tài chính của mình.

Ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại lý vận tải SAFI cho biết, chi phí mà các DN ngành logistics đang phải trả còn rất “hỗn độn”, mỗi nơi một kiểu, thậm chí nhiều loại phí được thu một cách vô lý. Đặc biệt, chi phí vô lý nhất thường đến từ các hãng tàu nước ngoài, trong khi DN logistics Việt Nam làm việc với hãng tàu nhiều nhất, điều này đã phần nào khiến chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam cao hơn các DN nước ngoài, giảm sức cạnh tranh.

Ví dụ tiêu biểu nhất là vào đầu tháng 7-2016, việc xác nhận khối lượng toàn bộ container (VGM) trong vận chuyển hàng hóa quốc tế được thực hiện đã khiến nhiều DN logistics kêu trời khi phải mất thêm một số chi phí nữa khi làm dịch vụ. Bởi không những DN phải mất thêm chi phí cân container tại cảng với giá từ vài trăm lên đến cả triệu đồng cho một lần cân tùy thuộc loại hàng của container, mà DN còn bị hãng tàu tự ý thu thêm một khoản phí (gọi là phí về VGM) khi vận chuyển container lên tàu trong khi không có cơ sở nào để hãng tàu đặt ra khoản phí này đối với các chủ hàng.

Hỗ trợ hợp lý

Vấn đề chi phí và ưu đãi thuế không chỉ được các DN logistics mong muốn mà là nhu cầu bức thiết của các DN nói chung. Theo các chuyên gia, những hỗ trợ hay thay đổi liên quan đến các vấn đề này không phải dễ thực hiện bởi những ràng buộc từ các cam kết trong hội nhập. Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, việc giảm thuế hay đưa ra những ưu đãi nào thì các DN đều được hưởng, như vậy, DN logistics Việt Nam vẫn phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nói thêm về vấn đề này, TS. Trịnh Thị Thu Hương cho rằng, trong bối cảnh hội nhập thì Nhà nước không thể can thiệp sâu vào các chính sách hỗ trợ ngành logistics trong nước, đặc biệt về thuế. Vì thế, Nhà nước nên đóng vai trò “đòn bẩy” để hỗ trợ phát triển, ví dụ như làm trung gian kết nối với DN XNK, thành lập các đơn vị quản lý chặt chẽ hơn việc thu phí của các hãng tàu nước ngoài, có cơ chế xử phạt nghiêm khắc với những hành vi thu phí sai quy định…

Riêng với vấn đề về thuế, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận tiếp vận quốc tế Interlog cho hay, các DN mong muốn nhiều hơn vào việc cải cách thủ tục hành chính, đến nay, Hiệp hội chưa nhận được kiến nghị về việc xin miễn giảm hay hỗ trợ về thuế, mà thường là những kiến nghị do vướng mắc trong quy trình, giải quyết vụ việc, nhưng đều đã được cơ quan Thuế giải đáp.

Nhiều DN logistics trong nước cho rằng, mọi sự hỗ trợ dù là nhỏ nhất cũng đều cần thiết cho sự phát triển của DN hiện nay. Dù còn nhiều khó khăn nhưng các DN vẫn bày tỏ sự lạc quan khi các chính sách từ Chính phủ hay các cơ quan liên quan đã tập trung nhiều hơn đến việc hỗ trợ DN, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, phát triển.

Ý kiến của bạn

Bình luận