Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN-Cầu nối giữa DN với nhà nước

27/06/2016 06:16

Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam với tiền thân là Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 5874/KTN, ngày 18/11/1993 của Văn phòng Chính phủ. Tại Quyết định số 07/QĐ-BNV, ngày 4/01/2013 của Bộ Nội vụ, Hiệp hội đã được đổi tên thành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, tên giao dịch tiếng Anh là Viet Nam Logistics Business Asociation (VLA). Hiện nay, Hiệp hội có trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh và văn phòng đại diện ở Hà Nội và TP. Đà Nẵng.

global-logistics

Trải qua 23 năm thành lập và phát triển, Hiệp hội đã có những bước tiến vượt bậc trong việc xây dựng tổ chức, tập hợp và quy tụ các thành viên trong ngành Dịch vụ giao nhận vận tải, logistics của Việt Nam, là chỗ dựa đáng tin cậy và cầu nối giữa các doanh nghiệp nghề nghiệp với các cơ quan nhà nước vì mục tiêu phát triển ngành Dịch vụ logistics, góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế nói chung và thương mại nói riêng.

Tính đến ngày 30/4/2016, Hiệp hội đã kết nạp được 289 hội viên, bao gồm 243 hội viên chính thức và 46 hội viên liên kết. Trong số đó có 31 hội viên là các doanh nghiệp FDI. Khoảng 70% hội viên có trụ sở chính ở phía Nam, chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh, khoảng 27% hội viên ở phía Bắc và khoảng 3% hội viên ở miền Trung Việt Nam.

Trong 5 năm qua, số lượng hội viên đã tăng 2 lần so với 5 năm trước. Hiện nay, số hội viên chiếm khoảng 20% tổng số doanh nghiệp tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics của Việt Nam. Phần đông các hội viên kinh doanh dịch vụ giao nhận vận tải quốc tế và trong nước (khoảng 54%), vận tải đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không chiếm khoảng 38%, kinh doanh kho hàng khoảng 16%, đại lý hải quan khoảng 14%.

Về thị trường, khoảng 52% hội viên có quan hệ làm ăn với thị trường Hoa Kỳ, 47% với EU, 63% với các nước ASEAN, 57% với thị trường Nhật Bản, 49% với thị trường Trung Quốc và 43% với thị trường Hàn Quốc. Ngoài việc cung cấp dịch vụ theo từng công đoạn của dây chuyền cung ứng, một số doanh nghiệp đã vươn lên đảm nhiệm được dịch vụ logistics tích hợp 3PL; khoảng 27% hội viên đã cung cấp dịch vụ 3PL ở mức độ khác nhau. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong số đó, hầu hết các doanh nghiệp lớn của Nhà nước được cổ phần hóa là hội viên chủ đạo của Hiệp hội như: Công ty Transimex Saigon, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Gemadept, Vietrans, Sotrans, Vietfracht... Theo thống kê của VLA, năm 2015, vốn điều lệ bình quân của các hội viên vừa và nhỏ khoảng 6 tỷ đồng và bình quân có khoảng 67 nhân viên. Những doanh nghiệp hội viên lớn có vốn đăng ký bình quân khoảng 161 tỷ đồng với khoảng 183 nhân viên. Trong năm 2015, khoảng 92% doanh nghiệp hội viên có bước phát triển và ổn định và khoảng 71% hội viên làm ăn có lãi. Điều này cho thấy ngành Dịch vụ logistics nước ta đang trên đà phát triển ổn định.

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế sâu rộng của đất nước, Hiệp hội đã đề ra tầm nhìn cho mình là: “Liên kết, hợp tác những nhà cung cung cấp dịch vụ giao nhận, vận tải, logistics trong và ngoài nước nhằm kiến tạo vai trò một ngành kinh tế cốt lõi của Việt Nam” với sứ mệnh “Nâng cao tính chuyên nghiệp, phát triển dịch vụ logistics hiện đại, kết nối logistics khu vực và toàn cầu, đóng góp hiệu quả vào việc phát triển doanh nghiệp trong Ngành cũng như phát triển kinh tế đất nước Việt Nam” với phương châm “Kết nối, Chuyên nghiệp Logistics”.

Hiệp hội là một trong những tổ chức ngành nghề có các hội viên tham gia hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế sớm nhất của Việt Nam từ những năm 1980 - 1990. Tháng 5/1994, Hiệp hội là đại diện duy nhất của Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Giao nhận, Vận tải quốc tế FIATA. Tháng 11/1999, Hiệp hội trở thành thành viên của Hiệp hội Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA) và năm 2014 trở thành Chủ tịch luân phiên của AFFA. Tháng 12/2011, Hiệp hội là thành viên chính thức của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận hàng không châu Á Thái Bình Dương (FAPAA). Hiện nay, Hiệp hội có quan hệ hợp tác với tất cả các Hiệp hội Giao nhận, Vận tải logistics của các nước ASEAN và của một số nước châu Á, châu Âu, châu Đại Dương.

Với chức năng phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi của hội viên, trong thời gian qua, Hiệp hội đã tạo được mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ GTVT (Vụ Vận tải, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam), Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế), đóng góp ý kiến cho các văn bản pháp luật có liên quan, phản ánh các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong kinh doanh để các cơ quan quản lý kịp thời giải quyết. Hiệp hội đã thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao trình độ tiếng Anh và nghiệp vụ pháp lý chuyên ngành, phục vụ cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Hiệp hội có Tạp chí Logistics ra hàng tháng cung cấp thông tin cho hội viên và các doanh nghiệp hoạt động logistics nói chung. Hiện nay, Hiệp hội đang chủ động và tích cực tham gia với Bộ Công thương thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành Logistics Việt Nam”, trong đó có việc xây dựng Chương trình hành động về Logistics đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Hiệp hội trong năm 2016.

Có thể nói, Hiệp hội đang thực sự là một trong những đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành Logistics Việt Nam trong tiến trình thực hiện TPP, AEC và các FTA thế hệ mới khi các điều ước quốc tế này đang đi dần vào việc thực hiện. Với phương châm “Kết nối và Hội nhập”, Hiệp hội sẽ làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối với Nhà nước, đề xuất kịp thời các chính sách phát triển và minh bạch thị trường dịch vụ logistics, tạo ra các hỗ trợ cần thiết để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nâng cao năng lực cạnh tranh và tính chuyên nghiệp; thông qua hội nhập khu vực, quốc tế, tranh thủ vốn và kỹ năng nghề nghiệp, thực hành tốt nhất, kết nối và hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia có mạng lưới chuyên nghiệp toàn cầu; tăng cường hợp tác và kết nối chặt chẽ với khách hàng là các nhà sản xuất, xuất nhập khẩu và các hiệp hội ngành nghề có liên quan như: Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, qua đó tạo xung lực mới cho sự phát triển nhanh của ngành Dịch vụ logistics Việt Nam

Ý kiến của bạn

Bình luận