Công ty được giao quản lý, duy tu 486,05km sông nằm trong vùng kinh tế trọng điểm gồm 10 tuyến sông, địa bàn quản lý trải rộng từ miền Đông qua TP. Hồ Chí Minh về miền Tây. Các tuyến do đơn vị quản lý có mật độ giao thông thủy rất cao, khối lượng hàng hóa thông qua tuyến rất lớn như tuyến sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây, sông Cần Giuộc, sông Chợ Đệm Bến Lức, kênh Nước Mặn, kênh Thủ Thừa…, trong đó có các tuyến sông Vàm Cỏ, sông Vàm Cỏ Đông có số lượng tàu biển trọng tải 3.000 tấn đến 5.000 tấn lưu thông khá nhiều.
8 tháng đầu năm 2015, lưu lượng vận tải tăng cả về số lượng phương tiện, kích thước, tải trọng và khối lượng hàng hóa do vận tải đường bộ bị siết chặt về tải trọng. Vì vậy, các đơn vị vận tải đã chuyển đổi phương thức từ vận tải đường bộ sang vận tải đường thủy. Trước áp lực về ATGT trên tuyến đường thủy nội địa tăng cao, trong tình hình đó, cùng với sự chỉ đạo kịp thời của Cục ĐTNĐ Việt Nam, Chi cục ĐTNĐ phía Nam, Công ty Cổ phần Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 10 kịp thời phối hợp với Ban ATGT các địa phương, các cơ quan chức năng, các hội đoàn thể xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền các nội dung Luật GTĐT đến các chủ phương tiện, các xã, phường ven sông bằng nhiều hình thức khác nhau như phát trên loa truyền thanh, phát tờ rơi, dựng panô, áp phích tại các khu vực tập trung dân cư, khu vực trọng điểm về giao thông đường thủy, đặc biệt là tuyên truyền và yêu cầu học kỹ năng bơi lội đối với trẻ em, nhất là các em học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; thực hiện tốt cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”.
Mặt khác, Công ty đã tiến hành rà soát, kiểm tra, hoàn thiện hệ thống phao tiêu, biển báo trên toàn tuyến quản lý, đặc biệt là qui hoạch lại hệ thống phao báo hiệu trên các tuyến có nhiều tàu biển lưu thông và tuyến có mật độ phương tiện lưu thông cao như tuyến sông Vàm Cỏ, sông Vàm Cỏ Đông. Bên cạnh đó, tại các vị trí trọng yếu, Công ty có biện pháp giải tỏa những vị trí mất ATGT, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao xảy ra TNGT trên các tuyến, thông qua hình thức tăng cường duy trì các trạm điều tiết hướng dẫn giao thông qua các cầu trọng yếu trong mùa mưa lũ và thực hiện điều tiết hướng dẫn giao thông phục vụ thi công các cầu xây dựng mới; tăng cường báo hiệu hướng dẫn giao thông tại những vị trí nguy hiểm, khó đi như luồng cong, bãi cạn, có đá ngầm, chướng ngại vật.
Ngoài ra, Công ty gặp không ít khó khăn như: Tình trạng mất cắp biển báo hiệu và phụ kiện báo hiệu trên tuyến đường thủy nội địa diễn biến ngày càng phức tạp, từ đó làm gia tăng nguy cơ mất ATGT trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các tuyến có tàu biển lưu thông. Bên cạnh đó, các bãi đá ngầm trên tuyến sông Đồng Nai dù đã được bố trí hệ thống báo hiệu cảnh báo nhưng do chưa được thanh thải nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, giảm năng lực vận tải… Những năm qua, nguồn kinh phí đầu tư vào lĩnh vực ĐTNĐ còn nhiều hạn chế như đầu tư vào cơ sở hạ tầng luồng tuyến, báo hiệu, phương tiện thiết bị chuyên dụng, quan trắc thu thập số liệu…) và còn rất nhiều báo hiệu tại các công trình trên tuyến ĐTNĐ do chủ công trình, doanh nghiệp tự thiết kế, lắp đặt không thực hiện đúng theo qui định. Do không được duy tu bảo dưỡng nên hệ thống báo hiệu này đa số đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.