Phương án tổ chức giao thông cho tuyến buýt nhanh BRT vẫn chưa được hoàn thiện |
Xe buýt BRT sắp về Hà Nội vào tháng 12
Buýt nhanh BRT được áp dụng tại các đô thị lớn trên thế giới từ lâu nhưng tại Hà Nội, dù được phê duyệt chủ trương từ năm 2007, theo thông tin mới nhất từ UBND TP Hà Nội, loại hình vận tải này cuối năm nay mới được vận hành.
Theo Sở GTVT Hà Nội, tiến độ của tuyến xe buýt nhanh BRT chậm hơn so với dự kiến ban đầu do nhiều nguyên nhân. Đây là loại hình giao thông công cộng lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam; khối lượng giải phóng mặt bằng khá lớn và có khó khăn phức tạp.
Trong khi đó, điều kiện thi công chật hẹp trong đô thị, vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông, lại thiếu các tiêu chuẩn thiết kế, kỹ thuật, vừa làm vừa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hơn nữa, quy trình triển khai thực hiện các dự án ODA phải trải qua nhiều thủ tục khác nhau và mọi thay đổi điều chỉnh, ngoài việc thẩm định, phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam, còn phải có ý kiến thống nhất của phía cho vay vốn. Công tác lựa chọn nhà thầu đều thông qua đấu thầu quốc tế.
Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang tập trung chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ để tháo gỡ, khắc phục các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án này. Đến nay, các khó khăn, vướng mắc cơ bản đã được giải quyết.
Dự án buýt nhanh BRT có 12 gói thầu, trong đó, 8 gói thầu xây lắp và 4 gói thầu thiết bị, với số vốn đầu tư 44,58 triệu USD, đã giải ngân được hơn 20 triệu USD. Hiện 5/12 gói thầu đã hoàn thiện gồm: trạm trung chuyển bến xe Kim Mã; trạm đầu cuối bến xe Yên Nghĩa; mua sắm và lắp đặt thiết bị cho khu bảo dưỡng sửa chữa đặt tại bến xe Yên Nghĩa; khu depot nằm trong bến xe Yên Nghĩa; đoạn đường Giang Văn Minh - Kim Mã - Giảng Võ. 7/12 gói thầu còn lại đang được gấp rút thực hiện bao gồm các hạng mục cầu đi bộ kết nối nhà ga xe buýt BRT, đường, trạm xe buýt; hệ thống bán vé, đèn tín hiệu và chương trình truyền thông, tuyên truyền về xe buýt nhanh BRT; việc gia cường cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà cũng đang được triển khai, dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2016. Đặc biệt, Sở GTVT Hà Nội cho biết, 35 xe buýt BRT đã được lắp đặt hoàn thiện, đang chờ thẩm định và bàn giao trong tháng 12 để đưa về chạy thử.
Sớm có phương án tổ chức giao thông
Hiện nay, đơn vị tư vấn đã hoàn thành báo cáo phương án tổ chức giao thông tuyến BRT. Ban QLDA đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội đang trình Sở GTVT chấp thuận. Theo Sở GTVT, các hạng mục tổ chức giao thông cần được triển khai từ đầu tháng 11-2016 nếu không sẽ không kịp đưa tuyến BRT vào vận hành trước 31-12-2016.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là gói thầu mua sắm hệ thống thẻ vé và thông tin liên lạc do phía WB và UBND TP đã thống nhất hủy gói thầu. Sở GTVT đang tổ chức thẩm định và ra quyết định hủy thầu. Tuy nhiên, theo Hiệp định đã ký kết, dự án sẽ kết thúc vào ngày
31-12-2016, do vậy sẽ không đủ thời gian để triển khai thực hiện gói thầu này, kể cả trong trường hợp lựa chọn được nhà thầu.
Hầu hết các gói thầu xây lắp còn lại từng gặp vướng mắc về công tác tổ chức giao thông trên tuyến. Cụ thể, gói thầu xây dựng đường và trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến Khuất Duy Tiến, hiện đã thi công xong 6/6 nhà chờ và nền mặt đường từ Hoàng Ngân đến Khuất Duy Tiến. Tuy vậy, gói thầu vẫn chưa thi công hạng mục tổ chức giao thông trên tuyến như sơn kẻ, đinh phản quang, biển báo; gói thầu xây dựng đường và trạm xe buýt từ Khuất Duy Tiến đến bến xe Yên Nghĩa cũng đã hoàn thành nhà chờ và đường bê tông xi măng tại các khu vực nhà chờ, đang thực hiện hạng mục cải tạo mở rộng tuyến QL6 đoạn Ba La - Yên Nghĩa, chưa thi công hạng mục tổ chức giao thông trên tuyến.
Đại diện WB đề nghị TP Hà Nội tập trung tối đa để hoàn thiện các phần việc cuối cùng của dự án, đặc biệt là công tác tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên tối đa cho xe buýt nhanh BRT hoạt động nhằm bảo đảm mục tiêu của dự án. Đại diện Sở GTVT thông tin, phương án tổ chức giao thông dành sự ưu tiên tuyệt đối cho xe buýt nhanh BRT sẽ cần tham khảo thêm ý kiến chuyên gia và cộng đồng xã hội.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, quỹ thời gian còn rất ngắn, chỉ còn hơn 50 ngày trong khi khối lượng công việc còn rất lớn và khó khăn. Do đó, Sở GTVT cần tập trung cao độ để ngay trong tháng 11-2016 có phương án tối ưu cho BRT hoạt động nhưng cũng phải có sự đồng thuận của người dân. UBND TP cũng đề nghị WB lắng nghe, điều chỉnh cho phù hợp.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.