Biến luồng đường thủy thành nơi chuyển tải hàng, pha trộn cát, sỏi
Theo phản ánh của một số thuyền viên phương tiện thủy thường xuyên hoạt động tuyến Hà Nội – Việt Trì, gần đây một đoạn luồng dài khu vực ngã ba sông Hồng – sông Lô (giáp ranh địa phận huyện Ba Vì, Hà Nội – huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc – TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) tập trung nhiều tàu thuyền neo đậu gây cản trở giao thông và nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại.
"Khu vực này thường xuyên có tàu thuyền neo đậu cả ngày lẫn đêm, biến thành công trường nổi trên sông khiến tàu thuyền lưu thông qua gặp khó khăn, nguy hiểm, nhất là ban đêm hoặc thời tiết xấu. Tình trạng này diễn ra từ lâu nhưng gần đây có nhiều phương tiện, máy móc hơn", một thuyền viên tàu chở container tuyến Hải Phòng – Việt Trì cho biết.
Ghi nhận của PV Tạp chí GTVT từ giữa tháng 5/2024 đến nay cũng cho thấy, luồng, hành lang luồng đường thủy trên đoạn từ khoảng từ Km251 – Km253 sông Hồng bị biến thành công trường pha trộn cát, sỏi và bốc dỡ, chuyển tải cát, sỏi từ tàu nhỏ sang tàu lớn.
Tại đây, thường xuyên có cả trăm phương tiện thủy chở hàng neo đậu, cập mạn khoảng 20 - 30 "tàu mẹ" là phương tiện thủy hoặc hoặc pông – tông nổi neo đậu cố định trên luồng để làm bến nổi. Bên trên các bến nổi được đặt máy gầu xúc, dây chuyền sàng cát, sỏi để tàu chở cát, sỏi loại nhỏ (từ phía thượng lưu sông Hồng, Lô, Đà) cập mạn; sau đó cát vàng được pha trộn với cát đen hoặc bốc dỡ, chuyển tải cát, sỏi từ tàu nhỏ sang tàu lớn hơn để chạy về phía hạ lưu sông Hồng.
Thường xuyên có cả trăm phương tiện thủy tập kết tại ngã ba sông Hồng - Lô để pha trộn cát, sang mạn hàng hóa. Nhiều phương tiện chở hàng, thiết bị xếp dỡ không có đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn hoạt động công khai
"Luồng phía thượng lưu sông Hồng, sông Lô, sông Đà đã cạn, tàu to không chạy lên được nên neo đậu ở ngã ba sông Hồng - Lô để nhận chuyển tải cát, sỏi từ các tàu nhỏ. Do cát vàng có giá trị cao nên một số bến nổi trung chuyển cũng đồng thời là xưởng chuyên pha trộn cát vàng với cát đen, sau đó bốc sang tàu to để chở về phía xuôi sông Hồng", một lái đò tại khu vực trên cho biết.
Cùng với tình trạng phương tiện thủy neo đậu lấn chiếm luồng, hàng lang luồng, tại khu vực trên cũng có mỏ cát đang khai thác, dùng gầu dây xúc cát... song báo hiệu giới hạn vùng nước của mỏ không có tín hiệu ban đêm.
Xác nhận tình trạng trên, ngày 27/5, đại diện Công ty CP Quản lý đường sông số 6 (đơn vị quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng luồng tuyến) cho biết thêm, tình trạng trên diễn ra từ Km249+500 – Km253+000 sông Hồng (gần 5km), gây ảnh hưởng đến giao thông thủy và thường xuyên khiến phao dẫn luồng đường thủy bị va đập, trôi giạt.
"Đoạn Km249+500 – Km253+00 sông Hồng thuộc đoạn luồng Cao Đại – Bạch Hạc, có mật độ lưu lượng vận tải cao. Tại đây tập trung nhiều phương tiện khai thác cát, phương tiện thủy sang mạn, phương tiện mua hàng chờ đậu đỗ chờ lấy hàng lấn chiếm chiếm vào luồng chạy tàu, hành lang bảo vệ luồng gây mất trật tự ATGT và nguy cơ xảy ra TNGT đường thủy.
Trạm quản lý đường sông trực thuộc đơn vị thường xuyên đi kiểm tra tuyến, tuyên truyền, nhắc nhở các chủ phương tiện, thuyền trưởng neo đậu đúng nơi quy định. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn thường xuyên xảy ra. Đơn vị chỉ có thẩm quyền tuyên truyền, nhắc nhở với các phương tiện vi phạm và cũng đã báo cáo với Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II về tình trạng trên", lãnh đạo đơn vị cho biết.
Khu vực trên còn đan xen hoạt động khai thác cát, sửa chữa phương tiện thủy nhưng trên phao giới hạn luồng của mỏ cát (phao màu vàng, ảnh dưới) không có đèn tín hiệu ban đêm
Vi phạm gia tăng, kéo dài nhưng không bị xử lý?
Đại diện Đội Thanh tra – an toàn số 2 (Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I) cho biết, tình trạng trên đã diễn ra từ hơn một năm nay nhưng chưa được giải quyết. Trong khi đó, đơn vị gặp khó khăn do không có thẩm quyền xử lý các phương tiện vi phạm đậu đỗ lấn chiếm trên luồng, hành lang bảo vệ luồng nên chỉ có thể lập biên bản và tuyên truyền, nhắc nhở phương tiện vi phạm.
Đáng chú ý, qua kiểm tra của thanh tra giao thông đường thủy, cùng với vi phạm đậu đỗ lấn chiếm luồng, hành lang bảo vệ luồng, khu vực này phổ biến tình trạng tàu, phương tiện thủy không có đăng ký, đăng kiểm.
Cụ thể, giữa tháng 3/2023, Đội Thanh tra – an toàn số 2 phối hợp với Cảng vụ Đường thủy nội địa tại Phú Thọ, Chi nhánh đăng kiểm Vĩnh Phú và UBND xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) và UBND phường Bạch Hạc (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) kiểm tra đoạn từ Km251+000 – Km253+000 và ghi nhận có 28 phương tiện neo đậu để chuyển tải, sang mạn hàng hóa.
Khu vực Km249+500 - Km253+000 sông Hồng đến nay chưa có vị trí nào được cấp phép hoạt động bến thủy nổi, nhưng theo lời một chủ phương tiện, tàu vào làm hàng tại đây vẫn "xin" được giấy phép rời bến của cơ quan cảng vụ đường thủy
"Đa số phương tiện thủy dùng để chuyển tải, sang mạn hàng hóa được hoán cải từ tàu chở hàng khô, pông - tông nổi tự đóng không có hồ sơ thiết kế theo quy định. Về giấy tờ, tất cả các phương tiện đều không có đăng ký, đăng kiểm. Một số phương tiện có giấy đăng ký nhưng là của tàu chở cũ, còn thực tế phương tiện đã thay đổi công năng.
Cùng đó, đa số phương tiện cẩu, thiết bị xếp dỡ đặt trên pông – tông nổi cũng không có giấy tờ đăng ký, đăng kiểm. Người vận hành lái máy cẩu không xuất trình được chứng chỉ chuyên môn vận hành phương tiện. Về vùng nước, khu vực trên chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công bố là nơi neo đậu phương tiện", báo cáo kiểm tra của Đội Thanh tra – an toàn ngày 17/3/2023.
Phía hạ lưu cầu Văn Lang (phía trên ngã ba sông Hồng - Lô, địa phận TP. Việt Trì, Phú Thọ) cũng xuất hiện cảng thủy hoạt động không phép
Về tình hình hiện nay, lãnh đạo Đội Thanh tra – an toàn số 2 cho biết, do vi phạm không bị xử lý nên thời gian qua gia tăng sự tập trung phương tiện và vi phạm tiếp tục diễn biến phức tạp. Dẫn chứng, ngày ngày 21 – 22/5/2024, Đội Thanh tra – an toàn số 2 tổ chức kiểm tra hiện trường từ khu vực Km251+000 - Km253+000 sông Hồng để tuyên truyền, nhắc nhở phương tiện vi phạm.
Tại thời điểm kiểm tra, trên sông có khoảng 50 phương tiện thủy đang neo đậu để chờ lấy hàng, chuyển tải (gồm cả tàu chuyển tải và tàu chở cát, sỏi). Khi thấy đoàn kiểm tra, các phương tiện đang neo đậu gây ảnh hưởng đến luồng, hành lang bảo vệ luồng đã tự di dời vào các vị trí trong bờ hoặc di chuyển đi nơi khác.
"Tại khu vực này đã trở thành điểm trung chuyển cát, sỏi từ phương tiện thủy có trọng tải nhỏ sang phương tiện có trọng tải lớn từ phía sông Lô, thượng nguồn sông Hồng, sông Đà xuống để vận chuyển đi các tỉnh phía Bắc... gây mất trật tự ATGT đường thủy.
Để giải quyết dứt điểm việc phương tiện neo đậu ảnh hưởng đến luồng, hành lang bảo vệ luồng, liên ngành cấp Cục Đường thủy nội địa VN – Cục Cảnh sát giao thông – Cục Đăng kiểm VN cần tổ chức Đoàn kiểm tra, phối hợp để có phương án giải quyết dứt điểm", Đội Thanh tra – an toàn số 2 đề xuất.
Thực trạng trên cho thấy, các cơ quan quản lý đường thủy, lực lượng có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông đường thủy trên tuyến đường thủy quốc gia sông Hồng cần phối hợp, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, cũng như tổ chức quản lý hoạt động GTVT đường thủy khu vực ngã ba sông Hồng - Lô để đáp ứng nhu cầu vận tải thủy và đảm bảo ATGT đường thủy đoạn Km249+500 - Km253+000 sông Hồng.
Video: Luồng đường thủy ngã ba sông Hồng - Lô bị lấn chiếm, biến thành công trường pha trộn cát, chuyển tải sang mạn hàng hóa
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.