Một số nước trên thế giới đầu tư phát triển đường cao tốc từ nguồn vốn đầu tư công, sau khi đưa vào sử dụng thì tiến hành thu phí để vận hành, bảo trì, hoàn vốn và tái đầu tư phát triển mở rộng mạng lưới cao tốc mới. Hiện nay, điều kiện nguồn vốn đầu tư của nước ta còn hạn hẹp, trong khi nhu cầu vốn để phát triển hệ thống đường cao tốc là rất lớn, vì vậy những mô hình thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư của một số quốc gia dưới đây sẽ là những bài học hay để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm.
Trung Quốc chuyển nhượng quyền thu phí
Theo số liệu của Bộ GTVT Trung Quốc, tính đến cuối năm 2021, nước này có trên 160.000 km đường bộ cao tốc. Mạng lưới đường cao tốc của Trung Quốc đã xây dựng các trục chính quốc gia, bao phủ đến 99% thành phố, trung tâm hành chính có dân số trên 200 nghìn người. Mục tiêu đến năm 2035, Trung Quốc sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng "cường quốc giao thông", hình thành mạng lưới giao thông lập thể tổng hợp quốc gia hiện đại, chất lượng cao với 460.000 km đường bộ, trong đó cải tạo và xây mới 25.000 km đường bộ cao tốc. Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức thu phí đường bộ, thuế mua phương tiện giao thông và thuế nhiên liệu, trong đó phí đường bộ cao tốc thông qua trạm thu phí chiếm 80% tổng thuế, phí... Nguồn thu phí này chủ yếu sử dụng cho vận hành và hoàn vốn, một phần sẽ sử dụng tái đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng các tuyến đường mới. Hiện nay, Trung Quốc thực hiện thu phí khoảng hơn 150.000 km đường bộ cao tốc. Đồng thời, Trung Quốc đang đẩy mạnh sử dụng công nghệ và hình thức thu phí tự động không dừng (ETC) liên thông trên toàn quốc.
Nhằm huy động các nguồn lực để quay vòng đầu tư các tuyến đường cao tốc mới, Trung Quốc áp dụng hình thức "Chuyển nhượng quyền thu phí" các tuyến đường cao tốc. Sau khi chuyển nhượng quyền thu phí, bên nhận sẽ thu phí và vận hành. Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí theo thỏa thuận, thời gian không quá số năm do Nhà nước quy định. Có thể nói, việc thu phí đường bộ là yếu tố quan trọng cho thành công của chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc quốc gia, gồm cả các dự án đầu tư từ ngân sách và các dự án đầu tư ngoài ngân sách những năm qua, đem lại hệ thống cao tốc đồng bộ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển vững mạnh.
Hoa Kỳ: Hình thành quỹ phát triển đường cao tốc
Tại xứ sở "cờ hoa", Chính phủ sở hữu và chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc và tổ chức đấu thầu. Tư nhân chịu trách nhiệm bảo trì, thu phí và vận hành khai thác trên các tuyến đường do Liên bang đầu tư xây dựng thông qua hình thức hợp tác nhượng quyền trong khoảng thời gian từ 5 năm đến 15 năm. Các tuyến cao tốc qua các tiểu bang được Chính phủ dùng ngân sách Liên bang để đầu tư xây dựng thông qua Quỹ Tín thác đường cao tốc (Highway Trust Fund). Quỹ này được hình thành từ nguồn thu thuế nhiên liệu trên toàn Liên bang.
Mặc dù quy định của pháp luật Liên bang không cho phép thu phí người sử dụng đường bộ do Liên bang đầu tư bằng ngân sách, tuy nhiên tại một số tiểu bang và với một số tuyến đường cụ thể có tính chất đặc thù, luật của tiểu bang vẫn cho phép thu phí người sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông cao tốc để lấy nguồn thu phục vụ bảo trì và xây dựng mới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc. Bên cạnh đó, các tuyến đường bộ được sở hữu, xây dựng, vận hành và bảo trì bởi Chính phủ. Chính phủ hoặc chính quyền các tiểu bang thành lập công ty nhà nước và cho phép phát hành trái phiếu được bảo lãnh bởi Chính phủ và cổ phần của các công ty này sẽ không được bán cho khối tư nhân. Như vậy, từ sở hữu, cấp vốn, xây dựng, vận hành, thu phí đều do Chính phủ đảm nhiệm.
Đồng thời, từ quá trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc ở Hoa Kỳ rút ra một số kinh nghiệm, đó là: Quy hoạch và xác định quy mô của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc với tầm nhìn dài hạn đến 30 năm; xây dựng hệ thống pháp luật và các cơ chế chính sách để tạo vốn, sử dụng vốn và thu phí cho xây dựng, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc.
Hàn Quốc: Mô hình 50/50
Chính phủ Hàn Quốc tập trung xây dựng mô hình thành lập các tổng công ty đường bộ cao tốc là doanh nghiệp nhà nước, các công ty nhà nước về đường bộ cao tốc (từ năm 1960). Các tổng công ty có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển đường cao tốc.
Nhằm mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc nhanh và bền vững, Chính phủ Hàn Quốc thực hiện mô hình hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư và tổng công ty chịu trách nhiệm 50% tổng mức đầu tư. Nguồn vốn đầu tư do Nhà nước hỗ trợ được sử dụng để chi trả cho việc mua đất, bồi thường GPMB để thực hiện dự án (bao gồm cả đất xây dựng đường, đất xây trạm nghỉ, cây xăng) và kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường. Đối với các tuyến cao tốc được doanh nghiệp triển khai xây dựng và đưa vào khai thác, Tổng công ty sẽ trực tiếp quản lý vận hành và thu phí. Toàn bộ nguồn thu này được tập trung vào một quỹ và được sử dụng cho chi phí quản lý, bảo trì tuyến đường, bên cạnh đó còn sử dụng cho việc nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc mới.
Nhật Bản: Các tuyến đường có lãi được sử dụng để trợ giá cho tuyến không có lãi
Qua gần 60 năm phát triển đường cao tốc, Nhật Bản đã thông qua hai cơ chế tài chính: Thu phí sử dụng đường bộ cao tốc và thu phí nhiên liệu phương tiện đường bộ để phát triển và mở rộng được hơn 10.000 km đường cao tốc và hầu hết các tuyến đường bộ chính. Khi mới hình thành và phát triển các tuyến đường cao tốc, Chính phủ sử dụng ngân sách để phát triển mạng lưới đường cao tốc và bảo lãnh cho chính quyền địa phương huy động vốn để xây dựng các đường cao tốc và thu phí để hoàn vốn. Ở giai đoạn tiếp theo, Chính phủ thành lập công ty đường cao tốc để thay mặt cho Chính phủ thu phí đường bộ và hoàn trả các khoản vốn huy động ban đầu. Một đặc điểm thú vị ở Nhật Bản là quá trình thu phí các tuyến đường có lãi được sử dụng để trợ giá chéo cho tuyến đường không có lãi.
Bên cạnh đó, Nhật Bản thực hiện mô hình nhượng quyền (BTO) trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc, nhờ vậy giảm chi phí, giảm rủi ro trong môi trường cạnh tranh cao. Chính phủ đã thành lập Tập đoàn đường bộ cao tốc là cơ quan xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc. Tập đoàn này được hưởng một số ưu đãi như: Miễn các loại thuế khác nhau, bao gồm thuế doanh nghiệp; được thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc và các khoản phí khác liên quan đến vận hành kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; quyền mua đất bắt buộc và cưỡng chế hành chính; các khoản vay từ Chính phủ, phát hành trái phiếu vào quỹ chính phủ và bảo lãnh của Chính phủ đối với trái phiếu. Nguồn thu phí cùng với việc phát hành trái phiếu đã cho phép Tập đoàn xây dựng và vận hành gần như toàn bộ hệ thống đường cao tốc.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.