Ảnh minh hoạ |
Singapore là một trong những quốc gia có diện tích nhỏ nhất thế giới, chỉ vẻn vẹn 719 km2. Với dân số hiện tại đã vượt qua 5 triệu người, cơ sở hạ tầng giao thông của đảo quốc sư tử phải đối mặt với số lượng phương tiện cá nhân gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Cụ thể, vào năm 1985, số xe ô tô tại quốc gia này chỉ có khoảng 487.000 chiếc trên 2.500km đường. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 642.000 chiếc, tương đương với mức tăng 32% chỉ trong 10 năm, trong khi số km đường mới đạt đến con số 3.000.
Nhận thấy tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân cao hơn rất nhiều so với tốc độ xây dựng đường bộ, chính phủ Singapore đã phải tiến hành nghiên cứu các biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân. Ngoài việc cung cấp cho người dân dịch vụ di chuyển công cộng chất lượng cao, Singapore còn áp dụng các biện pháp quản lý thắt chặt nhằm hạn chế số lượng phương tiện cá nhân lưu thông trên đường.
Để giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông, các nhà làm luật Singapore đã đưa ra chính sách kiểm soát chặt chẽ số lượng xe ô tô được cấp mới, với mức tăng không được phép quá 3%/năm và hiện tại là 0,25% đối với giai đoạn 2015 - 2018.
Để có thể đạt được mức tăng ấn tượng trên, Singapore đã tiến hành áp dụng chứng nhận hạn ngạch lưu hành (Vehicle Quota System - VQS), thuế đường (Road Tax), phí lưu hành (Electronic Road Pricing), ngoài ra còn phải đăng ký tại Cục Quản lý giao thông đường bộ Singapore. Đặc biệt, hệ thống chứng nhận sở hữu xe (Certificate of Entitlement - COE) có thời hạn trong 10 năm được áp dụng bắt buộc đối với các phương tiện lưu thông trên đường. Chứng nhận COE được cấp ra với số lượng hạn chế và còn phụ thuộc vào các chỉ số, như số lượng xe bị đưa ra khỏi diện cấp phép, tốc độ gia tăng xe cá nhân tại thời điểm cấp, lượng xe taxi hoạt động. Vào năm 2015, số lượng xe ô tô bị loại khỏi diện lưu thông là 22.340 chiếc, trong khi số lượng COE được cấp phép chỉ là 21.845 chiếc.
Chi phí để sở hữu COE cũng là một trong những yếu tố khiến cho nhiều người muốn mua phương tiện cá nhân tại Singapore phải chùn bước. Để đạt được chứng nhận COE, người dân Singapore và người nước ngoài lưu trú dài hạn phải tham gia vào các phiên đấu giá loại chứng chỉ này. Tùy thuộc vào nhu cầu thị trường, giá thành sở hữu COE có thể đạt 30% - 80% giá mua một chiếc xe mới. Vào thời điểm tháng 11/2015, mức đấu giá COE rơi vào khoảng 56.000 USD - 62.000 USD.
Ngoài việc phải tham gia vào các phiên đấu giá COE được tổ chức nhiều lần trong tháng, người mua xe còn phải chi trả các loại thuế, phí cao hơn rất nhiều đối với các nước trong khu vực. Một chiếc xe ô tô nhập khẩu bị áp 30% giá trị nhập khẩu thị trường. Các phụ phí đăng ký liên quan khác (ARF - additional registration fee) cũng có thể lên tới 150%. Do chi phí cho một chiếc xe ô tô cá nhân cao như vậy, dù thu nhập bình quân đầu người của Singapore là 56.797 USD/năm (đứng hàng thứ 5 trên thế giới, cao nhất khu vực Đông Nam Á), nhưng tỉ lệ sử dụng xe ô tô cá nhân ở Singapore lại thấp hơn một số quốc gia trong khu vực.
Thượng Hải - trung tâm tài chính của Trung Quốc đã có tầm nhìn sớm ngay từ năm 1994 khi đề ra chính sách hạn chế ô tô để giảm áp lực giao thông đô thị bằng biện pháp đấu giá biển số xe. Thời gian ban đầu, quy định này áp dụng đối với xe khách, sau đó triển khai đối với xe cá nhân. Mặc dù quy định áp dụng với xe cá nhân gặp phải nhiều chỉ trích nhưng trên một phương diện nhất định, chính sách này đã hạn chế được việc mua sắm ô tô cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.
Tiếp theo, đầu năm 2011, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc áp dụng phương pháp bốc thăm để mua ô tô với giới hạn 1 năm chỉ có 240.000 chiếc xe mới được phép lưu thông. Năm 2012, thành phố Quảng Châu hạn chế ô tô loại vừa và nhỏ bằng cách bốc thăm để mua xe và đấu giá biển số với chỉ tiêu mỗi năm là 120.000 xe mới. Để giảm thiểu tắc đường và ô nhiễm, thành phố Thiên Tân hạn chế mua ô tô mới từ tháng 12/2013. Còn thành phố Hàng Châu lại áp dụng quy định cạnh tranh giá mua và rút thăm để được mua ô tô từ tháng 3/2014.
Thâm Quyến - thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Đông và là mô hình đô thị hiện đại điển hình ở Trung Quốc cũng ban bố lệnh hạn chế mua ô tô từ tháng 12/2014. Theo quy định có hiệu lực trong 5 năm này, số lượng xe ô tô loại nhỏ mới của thành phố được điều tiết trong vòng mỗi năm là 100.000 chiếc và sẽ được phân phối theo tháng. Trong đó, chỉ tiêu 20.000 xe là dành cho ô tô điện, người dân được mua theo phương thức bốc thăm; 80.000 xe còn lại được áp dụng mua theo hình thức 50% bốc thăm và 50% cạnh tranh giá mua. Đặc biệt, theo quy định này, chỉ tiêu ô tô mới cho mỗi năm phải phụ thuộc vào nhu cầu ô tô, môi trường không khí và thực trạng giao thông của năm đó. Ngoài ra, vào giờ cao điểm sáng và tối, chỉ có ô tô mang biển kiểm soát Thâm Quyến mới được lưu thông tại một số khu vực theo quy định.
Không chỉ tại Trung Quốc, nhiều nước châu Á khác cũng thực hiện các biện pháp quyết liệt để hạn chế xe ô tô cá nhân. Tại Indonesia, chính quyền thành phố Jakarta quyết định áp dụng lệnh cấm xe biển chẵn/lẻ từ tháng 6/2013. Ông Joko Widodo, khi đó là Thống đốc Jakarta cho biết, việc áp dụng ban đầu sẽ không thuận lợi vì gặp phải phản ứng của một bộ phận người tham gia giao thông. Mặc dù vậy, chính quyền vẫn phải hành động quyết liệt để cải thiện tình trạng giao thông.
Nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, chính quyền thành phố quy định từ tháng 1/2016, những xe ô tô cá nhân chỉ được luân phiên chạy trên đường phố theo ngày chẵn/lẻ. Bên cạnh đó, chính quyền New Delhi cũng sẽ tăng số xe công cộng trong thành phố và tăng gấp đôi phí môi trường đối với xe tải đi vào thành phố.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.