Cách lưu thông an toàn qua nút giao đường sắt có cần chắn tự động

Doanh nghiệp 15/03/2023 14:39

Theo Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội, khi tàu gần đến nút giao có cần chắn tự động, sẽ có các tín hiệu cảnh báo "chuông reo, đèn sáng, cần chắn hạ"

Cách lưu thông an toàn qua nút giao đường sắt có cần chắn tự động - Ảnh 1.

Hệ thống tín hiệu do Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội quản lý và vận hành.

Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội là doanh nghiệp cổ phần Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, thực hiện hợp đồng đặt hàng về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt về thông tin tín hiệu đường sắt; đảm bảo thông tin liên tục thông suốt, tín hiệu an toàn rõ ràng, chính xác, góp phần đảm bảo an toàn chạy tầu, an toàn giao thông trong vận tải đường sắt. Công ty là một trong các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống đường ngang qua đường sắt được lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động, cần chắn tự động.

Ông Phạm Văn Hiệp, Phó giám đốc công ty cho biết, phạm vi tuyến công ty được giao quản lý trải dài qua địa bàn 11 tỉnh, thành phố, dọc các tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, Gia Lâm – Hải Phòng, Yên Viên – Lào Cai, Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh (đến Đồng Giao) và Bắc Hồng – Văn Điển.

Trong phạm vi quản lý trên tuyến có 399 đường ngang vượt qua đường sắt, bao gồm: 195 đường ngang cảnh báo tự động (192 đường ngang có cần chắn tự động và 3 đường ngang có cảnh báo tự động); 204 đường ngang có người gác. Trong đó, Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội trực tiếp quản lý, vận hành các đường sắt ngang lắp đặt hệ thống cảnh bảo tự động để phục vụ an toàn chạy tàu.

Cách lưu thông an toàn qua nút giao đường sắt có cần chắn tự động - Ảnh 2.

Toàn bộ mọi hoạt động trong phạm vi quản lý được công ty giám sát bằng camera và bố trí nhân sự trực 24/24h.

Qua thống kê và phân tích các vụ tai nạn giao thông đường sắt năm 2022 trên phạm vi tuyến trên cho thấy, không xảy ra trường hợp tai nạn nào do lỗi từ công tác quản lý bảo trì. Và thực tế các vụ tai nạn xảy ra trên đường ngang có cảnh báo tự động đều do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông đường bộ, như vi phạm: không chấp hành tín hiệu, chuông, đèn, thiếu tự giác chấp hành hướng dẫn theo biển báo "Dừng lại quan sát tàu hỏa khi qua đường ngang", thậm chí không ít trường hợp cố vượt hoặc có trường hợp cần chắn đã đóng hoàn toàn vẫn còn cố lách qua cần chắn dẫn đến tai nạn.

Do đó, ý thức tự giác tuân thủ quy tắc giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông, tham gia giao thông đường bộ có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn an toàn khi lưu thông tại các nút giao đường ngang vượt qua đường sắt.

Cũng theo Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội, tại các đường ngang đã được lắp đặt cảnh báo tự động, cần chắn tự động, trước khi tàu chạy qua sẽ có các tín hiệu cảnh báo "chuông reo, đèn tín hiệu sáng, cần chắn hạ" để báo hiệu cho phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ nhận biết và dừng lại cho tàu lưu thông qua.

"Cách đơn giản để nhận biết và lưu thông qua đường ngang vượt đường sắt có lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động, cần chắn tự động là: Trước khi tàu qua nút giao, trên các cột báo hiệu đường bộ phát ra tiếng chuông kêu, đèn đỏ sáng, sau 7-8 giây cần chắn đường ngang tự động hạ xuống và sau đó có tàu chạy qua.

Khi tàu qua hết đường ngang, chuông ngừng kêu, đèn tắt và cần chắn tự động nâng lên mới cho phép để người và phương tiện giao thông đường bộ qua đường sắt", Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt hướng dẫn.

Đơn vị trên cũng lưu ý, tại các nút giao đường ngang được lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động, cần chắn tự động được lắp camera giám sát trực tuyến. Những trường hợp phương tiện giao thông đường bộ vi phạm quy tắc giao thông đâm va, gây hư hỏng cần chắn và hệ thống phụ kiện phải bồi thường thiệt hại, bị lực lượng chức năng xử lý theo quy định pháp luật.

Đặc điểm của hệ thống báo hiệu tại đường ngang có cảnh báo tự động, lắp đặt cần chắn (đóng, mở) tự động như sau:

- Hệ thống tự động phòng vệ đường ngang loại đường ngang cảnh báo tự động (CBTĐ) có cần chắn tự động (CCTĐ) cơ bản có: 3 điểm kiểm tra phát hiện tầu (cụm đầu xa phía lẻ, cụm đầu xa phía chẵn và cụm tại đường ngang), có 1 tủ điều khiển, có ít nhất 2 cột đèn báo hiệu đường bộ có chuông đèn và ít nhất 2 CCTĐ

- Cụm cảm biến đầu xa phía lẻ, phía chẵn mỗi phía có 2 cảm biến phát hiện tầu, cách đường ngang từ 1km đến 2km (tùy theo tốc độ chạy tàu theo quy định trong công lệnh tốc độ được ban hành);

- Khi tàu chiếm dụng cảm biến đầu xa phía lẻ hoặc phía chẵn → tại đường ngang trên các cột báo hiệu đường bộ có tín hiệu chuông kêu, đèn đỏ sáng, sau 7-8 giây CCTĐ bắt đầu hạ xuống → Tàu qua hết đường ngang, chuông ngừng kêu, đèn tắt và CCTĐ nâng lên mới cho phép để người và phương tiện giao thông đường bộ qua đường sắt.


Ý kiến của bạn

Bình luận