Cách mạng giao thông công cộng - “Cú hích” thay đổi diện mạo Seoul

Khoa học - Công nghệ 29/11/2015 05:32

Dù là một quốc gia sở hữu nhiều hãng sản xuất xe hơi nổi tiếng thế giới nhưng xe buýt và tàu điện mới là hai phương tiện giao thông phổ biến nhất ở Hàn Quốc. Điều này khiến cho giao thông của xứ sở Kim Chi trật tự hơn bất kỳ quốc gia nào khác và UTGT là một chuyện hiếm khi xảy ra ở Seoul.

ANH 2
Xe buýt màu xanh lá ở Seoul

Tàu điện và xe buýt Hàn Quốc

Hệ thống tàu điện ngầm chính là thứ vẽ nên diện mạo giao thông của siêu đô thị hơn 20 triệu dân Seoul. Khai trương tuyến đầu tiên vào năm 1974, trải qua hơn 40 năm, đến nay, hệ thống tàu điện ngầm Seoul đã có tới 16 tuyến chạy khắp thành phố bao gồm cả vùng ngoại thành, với 350 nhà ga và lượng hành khách trung bình đạt 6 triệu lượt/ngày. Tần suất phục vụ của mỗi tuyến là 5 phút/chuyến và vào giờ cao điểm là 2 phút/chuyến. Có 2 mức giá vé tàu điện, phụ thuộc vào vùng bạn đến: Vùng 1 đồng giá vé 500 won (10.000 đồng) và Vùng 2 đồng giá vé 600 won (12.000 đồng). Trẻ em, quân nhân và người già được giảm 50%. Tất cả các ga tàu và tàu điện ngầm đều hiện đại, sạch sẽ, được trang bị wifi tốc độ cao miễn phí và có các biển chỉ dẫn bằng tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Anh để thuận tiện cho người nước ngoài.

Sự vận hành trơn tru của hệ thống tàu điện khiến nhiều người lầm tưởng đây là sản phẩm của hệ thống quản lý nhà nước phân cấp. Nhưng không, hệ thống tàu điện ở Seoul được điều hành bởi nhiều doanh nghiệp khác nhau, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vì lợi nhuận và doanh nghiệp nhà nước phi lợi nhuận.

Tương tự như tàu điện, hệ thống xe buýt của Seoul cũng được mở cửa tự do cho hàng trăm cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư, dưới sự hỗ trợ lớn từ Nhà nước. Điều này đã tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, từ đó hình thành nên một hệ thống xe buýt hiện đại và khoa học. Xe buýt ở Seoul được phân loại theo màu sắc: Xanh dương, xanh lá, vàng và đỏ. Màu xanh dương có lộ trình đi từ vùng ngoại thành vào nội thành, qua các đường phố chính; màu xanh lá có lộ trình đi từ những điểm gần nhà đến ga tàu điện ngầm hoặc bến xe; màu vàng có lộ trình vòng quanh Seoul và dừng lại tại các trung tâm mua sắm, địa điểm du lịch, ga tàu điện ngầm, mỗi tuyến chỉ hoạt động trong phạm vi là một quận nhất định; màu đỏ là xe buýt đặc biệt, có lộ trình đi từ trung tâm Seoul đến các vùng lân cận. Ước tính, ở Seoul có tới hơn 400 tuyến buýt.

Giá vé của xe buýt cũng tương đương tàu điện, dao động từ 300 - 500 won (6.000 đến 10.000 VNĐ). Trung bình cứ 5 - 10 phút sẽ có 1 chuyến xe buýt tùy thuộc vào tình trạng giao thông. Đối với người nước ngoài, việc đi lại bằng xe buýt sẽ phức tạp hơn đi tàu điện. Tuy nhiên, nếu muốn ngắm phong cảnh thành phố thì xe buýt là sự lựa chọn lý tưởng. Chính vì thế, nếu như tàu điện thống trị thế giới ngầm thì xe buýt lại là vua ở trên mặt đất và chiếm đến 30% lưu lượng giao thông thành phố Seoul.

ANH1
Tàu điện ngầm là phương tiện giao thông yêu thích của người dân Seoul

Cách mạng giao thông của Lee Myung-bak

Những con số trên cho thấy, người dân Seoul yêu thích dùng phương tiện công cộng đến thế nào. Theo ông Kim Gyeng Chul - Chủ tịch Viện nghiên cứu Giao thông Hàn Quốc, diện mạo giao thông Seoul ngày nay là thành quả của cuộc cải tổ mạnh mẽ do Cựu Thị trưởng thành phố Lee Myung-bak khởi xướng vào giữa những năm 2000. Vào thời điểm đó, Seoul cũng gặp phải những vấn đề muôn thuở giống như các đô thị khác trên thế giới như: Lưu lượng xe lớn, UTGT xảy ra “như cơm bữa”… Song, thay vì thực hiện những biện pháp cố hữu như mở đường hoặc cấm xe ô tô, ông Lee lại quyết định thu hẹp các con đường và tăng diện tích vỉa hè. Nhiều con đường cao tốc bị cắt bớt một phần để lấy diện tích xây dựng công viên, thắng cảnh. Các biện pháp tưởng chừng như đi ngược quy luật này thực chất lại khiến người dân thành phố dần hạn chế sử dụng ô tô và tự động tìm đến các phương tiện công cộng nhiều hơn. Mặt khác, để níu giữ người dân ở lại với phương tiện công cộng lâu dài, chính quyền thành phố Seoul luôn không ngừng hiện đại hóa, công nghệ hóa hệ thống tàu điện và xe buýt; đồng thời áp dụng chính sách đồng giá vé cho cả xe buýt và tàu điện để người dân không “thiên vị” phương thức di chuyển nào.

Những cải tổ của ông Lee Myung-bak đã giúp giao thông Seoul đi vào nền nếp; tình trạng UTGT giảm đáng kể; tốc độ đo được trên các tuyến cao tốc tăng 20 - 24 km/h từ năm 2009 - 2014; các chi phí liên quan đến TNGT và ô nhiễm môi trường giảm bình quân 1,5 tỷ USD/năm. Quan trọng hơn cả, theo ông Kim Gyeng Chul, ngân sách đầu tư cho cả hệ thống giao thông công cộng của thành phố chỉ hơn kinh phí xây dựng một tuyến đường 4 làn xe không quá 1%.

Hệ thống giao thông công cộng thân thiện và hiện đại của Seoul đã trở thành hình mẫu của các quốc gia khác, bao gồm cả các nước phát triển như Mỹ, Anh… Năm 2005, Seoul đã vinh dự nhận giải thưởng về cải cách giao thông công cộng tại cuộc họp Đại hội đồng các siêu đô thị diễn ra tại Berlin (Đức). Năm 2006, Seoul tiếp tục được trao giải cho chính sách cải cách giao thông bền vững tại Đại hội châu Á Thái Bình Dương lần thứ 5 của UITP.

Chia sẻ kinh nghiệm với các nhà quản lý giao thông trên thế giới, ông Kim Gyeng Chul cho biết, mấu chốt của sự thành công trong kế hoạch cải cách giao thông nằm ở câu trả lời cho câu hỏi: “Tổ chức để phục vụ con người hay con người phục vụ tổ chức?” Liệu hành khách tồn tại để tạo lợi nhuận cho các công ty tàu điện và xe buýt hay những tổ chức này sẽ phải thay đổi để phục vụ người dân và đất nước? Ở Seoul, họ đã có câu trả lời cho chính mình.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận