Cách nào đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2?

Đường bộ 05/01/2023 16:07

Nhiều nhà thầu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.


Cách nào đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2? - Ảnh 1.

Máy móc tập kết thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn

Cần sớm bàn giao mỏ vật liệu cho nhà thầu

Cách đây vài hôm, tại lễ khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 ở điểm cầu Quảng Ngãi, trong bài phát biểu đại diện cho các nhà thầu xây lắp, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị đứng đầu liên danh gói thầu XL1 cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Đầu tiên, người đứng đầu Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT và Bộ GTVT có văn bản hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn vốn của dự án thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các mỏ vật liệu mới, đường mới tiếp cận các mỏ vật liệu, bãi đổ thải, thời gian hoàn thành trước 30/1/2023.

Đồng thời, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh khẩn trương giao mỏ vật liệu mới cho các nhà thầu đã được Bộ GTVT lựa chọn và hoàn thành trước ngày 30/01/2023 để nhà thầu triển khai đảm bảo tiến độ cam kết và thi công xuyên Tết như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

"Các tỉnh cần chỉ đạo Sở Tài nguyên môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính công bố các chỉ số giá, đơn giá vật tư, vật liệu hàng tháng phù hợp với thực tế để đảm bảo công tác thanh, quyết toán công trình", ông Hoàng kiến nghị.

Trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, lãnh đạo nhiều nhà thầu đang tổ chức thi công các gói thầu thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đều cho rằng, việc kiến nghị cấp thẩm quyền sớm có giải pháp tháo gỡ điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh công tác giao mỏ vật liệu, kiểm soát giá vật tư, vật liệu,… trong thời điểm hiện nay là rất cấp thiết và đúng đắn.

Đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành nói thẳng: "Việc đảm bảo khả năng cho các nhà thầu tiếp cận được mỏ đất, mỏ đá, mỏ cát tại địa phương là yếu tố sống còn để hoàn thành công trình đúng tiến độ, chất lượng. Do vậy, việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT cùng Bộ GTVT phối hợp tháo gỡ khó khăn về vấn đề mỏ vật liệu trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết".

Theo vị này, không chỉ vấn đề mỏ vật liệu, việc công bố các chỉ số giá của các địa phương trong thời gian tới làm sao phản ánh sát thực tế thị trường trong thời gian tới cũng rất quan trọng đối với các nhà thầu. "Hiện nay, dù cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải thi công ngay lập tức, không được khởi công xong rồi đắp chiếu, nhưng thực tế, việc địa phương công bố chỉ số giá vẫn chưa được thường xuyên, kịp thời, chưa sát với tình hình thực tế thị trường mà các nhà cung ứng bán cho các nhà thầu sử dụng", vị này chia sẻ.

Đại diện một nhà thầu lớn khác, ông Nguyễn Đăng Thuận - Phó tổng giám đốc Tổng công ty 36 cho biết, hiện nay, quá trình triển khai thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đang gặp tình trạng thiếu mỏ vật liệu và có mỏ nhưng mỏ thiếu công suất,… Nguyên nhân của tình trạng này là do khâu khảo sát, thiết kế cơ sở thực hiện trong điều kiện gấp rút nên tính thiếu công suất.

Tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, vấn đề này đã được cải thiện hơn, tuy nhiên, mỏ đá vẫn đang còn vướng, một số mỏ đã gần hết thời gian khai thác hoặc trữ lượng còn rất ít, không đáp ứng được công suất. Đặc biệt, công suất khai thác theo chủng loại đá phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc cũng chưa đủ. Thậm chí, nếu tính theo điều kiện lý tưởng nhất vẫn không đáp ứng được.

Do đó, trong bối cảnh này, Chính phủ cần chỉ đạo UBND các tỉnh khẩn trương giao mỏ vật liệu mới cho các nhà thầu đã được Bộ GTVT lựa chọn để triển khai dự án đảm bảo tiến độ cam kết là rất cần thiết.

Ngoài ra, ông Thuận cho biết, ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 gặp tình trạng bão giá vật liệu, trong khi nhiều địa phương công bố giá không sát thực tế, không kịp thời nên các nhà thầu đều thua lỗ lớn. 

Trong quá trình triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, chúng tôi kiến nghị hàng tháng, thông báo giá của các sở, ban, ngành địa phương cần cập nhật giá đúng theo biến động của thị trường, giúp nhà thầu hạn chế tối đa thiệt hại"
Ông Nguyễn Đăng Thuận


Địa phương cần vào cuộc GPMB mỏ vật liệu làm cao tốc

Lý giải rõ hơn về các đề xuất, kiến nghị của nhà thầu, ông Phan Văn Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, việc giao cho các nhà thầu đi thỏa thuận với người dân thực hiện GPMB là điều rất khó. Công tác GPMB do chính quyền địa phương thực hiện sẽ thuận lợi hơn rất nhiều và không phát sinh những việc cạnh tranh không lành mạnh như chỗ thấp, chỗ cao. Ngoài ra, trong trường hợp nhà thầu không thể thỏa thuận được việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho các mỏ vật liệu mới thì sẽ vô cùng khó khăn.

Dễ thấy có thể sẽ có những trường hợp đưa ra yêu cầu đền bù quá đáng, đòi đền bù rất lớn thì sẽ gây thiệt hại cho nhà thầu và đội vào chi phí đầu tư, đặc biệt là thời gian thực hiện sẽ kéo dài; có thể gây ra mất an ninh trật tự; khiếu kiện;… Điều này sẽ gây ra những hệ lụy khó lường. Chỉ có chính quyền địa phương mới quy định được chính sách GPMB, có công cụ để thực hiện đồng bộ và có thể đạt được sự thỏa mãn giữa các bên.

"Chính quyền địa phương giải phóng mặt bằng cao tốc, vậy chẳng nhẽ mỏ vật liệu lại không thuộc cao tốc?! Rõ ràng, mỏ vật liệu cũng là phần cấu thành nên đường cao tốc, do vậy không thể tách biệt việc GPMB của dân cư là trách nhiệm của một người, còn GPMB mỏ vật liệu là trách nhiệm của người khác. Một việc mà một người làm được thì không nên giao cho nhiều đầu mối. Các địa phương đã đi thực hiện GPMB thì cũng nên giải phóng mặt bằng cho các mỏ vật liệu mới, đường mới tiếp cận các mỏ vật liệu, bãi đổ thải", ông Thắng nói.


Cách nào đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2? - Ảnh 3.

Khởi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh hôm 1/1/2023

Theo ông Thắng, nếu giải quyết được bài toán ấy thì sẽ đạt được nhiều cái lợi. Trước hết, nhà thầu sẽ yên tâm triển khai thực hiện dự án; không lo bị đội kinh phí dự án; không kéo dài thời gian thực hiện dự án; không phát sinh những vấn đề khiếu kiện; các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng phù hợp thì các bên cũng sẽ có trách nhiệm hơn, thực hiện dự án đồng bộ hơn.

Việc Bộ TN&MT và Bộ GTVT phối hợp hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn vốn của dự án thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các mỏ vật liệu mới, đường mới tiếp cận các mỏ vật liệu, bãi đổ thải là điều rất cần thiết. Bởi, nếu không có hướng dẫn cụ thể thì sẽ dẫn đến tình trạng mỗi nơi tổ chức làm một kiểu.

"Cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, trong khi đất, cát, đá tài nguyên thì cũng là của quốc gia. Tài nguyên khai thác để xây nên những con đường của đất nước nên chẳng thất thoát đi đâu cả. Chỉ là giao việc cho bên này hoặc bên kia, dựa trên chức năng nhiệm vụ, tính đồng bộ", ông Thắng chia sẻ.

Nhìn lại một số bất cập trong triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, nhiều địa phương chưa có kinh nghiệm và cũng không hiểu rõ làm cao tốc thì cần phải có vật tư, vật liệu như thế nào. Vật liệu xây dựng thông thường khác hoàn toàn vật liệu xây đường cao tốc. Vì vậy, việc công bố giá vật liệu cho công trình thông thường khác với tiêu chuẩn dành cho đường cao tốc là một bất cập nổi cộm bậc nhất trong giai đoạn 1 cao tốc Bắc - Nam.

Về thời gian công bố giá, nhiều địa phương công bố giá không đúng theo quy định, không phù hợp với thực tế nên khi trượt giá, nhà thầu phải mua giá cao hơn nhưng không có cơ sở để cập nhật, dẫn tới việc doanh nghiệp sẽ mất cân đối dòng tiền để đưa vào sản xuất.

Việc địa phương công bố các chỉ số giá là điều hết sức quan trọng, bởi đây cũng là một cách để quản lý chi phí đầu tư, đúng, đủ và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên. Nhà nước kiểm soát được rủi ro trong quá trình triển khai xây dựng đường cao tốc và cũng kiểm soát được rủi ro cho các nhà thầu.

"Rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cần khắc phục ngay từ đầu bất cập về giá vật liệu này để không tái diễn tình trạng thua lỗ của các nhà thầu. Hiện nay, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đều do các nhà thầu có tiềm lực mạnh đảm nhiệm thi công. Các nhà thầu này đều đã chịu thua lỗ khi thực hiện giai đoạn 1. Nếu làm giai đoạn 2 vẫn phải chịu cảnh thua lỗ như giai đoạn 1 thì các nhà thầu không thể trụ được nữa", ông Thắng chia sẻ.