Cách nào để ngăn người vi phạm trốn nộp phạt, bỏ GPLX?

Ý kiến phản biện 14/12/2017 09:23

Mỗi năm lực lượng CSGT Hà Nội và TP.HCM phải bất đắc dĩ lưu giữ hàng chục ngàn GPLX do người vi phạm không đến đóng phạt để nhận lại.

 

Cách nào để ngăn người vi phạm trốn nộp phạt, bỏ G
Ảnh minh họa (Nguồn: CAND)

Thống kê của Phòng CSGT Hà Nội cho thấy, các Đội CSGT hiện tạm giữ hàng chục nghìn GPLX bị bỏ lại do người vi phạm không đến xử lý, mặc dù các đơn vị này đều gửi thông báo thường xuyên tới lái xe vi phạm, tuy nhiên, nhiều người vi phạm phớt lờ.

Trong khi đó, theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: GPLX, giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến phương tiện cho đến khi cá nhân đó chấp hành xong quyết định xử phạt.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, cá nhân bị xử phạt phải nộp tiền phạt. Nếu quá thời hạn sẽ bị cưỡng chế thi hành và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Như vậy, ứng với số GPLX đang bị bỏ lại là số các trường hợp vi phạm giao thông đã không đóng phạt và cũng không bị cưỡng chế đóng phạt. Điều đáng nói là sau đó, những trường hợp phạm luật như vậy vẫn dễ dàng có GPLX khác để đối phó với lực lượng CSGT.

Trừ một số ít trường hợp làm giả thì có nhiều người đã đường hoàng làm thủ tục cấp mới. Hoặc họ báo mất GPLX để được cấp lại; hoặc khi bị tạm giữ GPLX ở tỉnh này thì họ có thể đến tỉnh khác để đăng ký thi sát hạch lấy GPLX mới. Điều này khiến lực lượng CSGT bỏ công phát hiện vi phạm nhưng không thể xử phạt những trường hợp này.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Nguyên cán bộ CSGT, Công an TP Hà Nội phân tích về những hệ lụy của tình trạng này: "Đối với những trường hợp vi phạm phải giữ GPLX để làm căn cứ tiến hành xử phạt thì người vi phạm phải tiến hành nộp phạt sau đó đến cơ quan chức năng để nhận lại. Thế nhưng có rất nhiều trường hợp thay vì phải nộp phạt đã không đến cơ quan chức năng theo quy định mà lại làm thủ tục xin cấp lại GPLX. Đây là những trường hợp gian lận, gian dối khi khai báo làm lại GPLX để tránh nộp phạt, đặc biệt với những lỗi có mức tiền xử phạt cao".

Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ ra từ nhiều phía. Ngoài nguyên nhân chủ quan là các lái xe thiếu ý thức nộp phạt và lấy lại hồ sơ, thì công tác quản lý nhà nước giữa các đơn vị chức năng chưa chặt chẽ, chồng chéo và công tác cưỡng chế vi phạm hạn chế, chưa đủ sức răn đe.

Trong đó, việc thiếu liên kết thông tin giữa các cơ quan chức năng với cơ quan công an đã dẫn đến tình trạng lỏng lẻo trong quản lý. Do vậy, cần phải siết chặt lại khâu tổ chức thi sát hạch, cấp GPLX.

Bên cạnh việc đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu trong việc quản lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT cần sớm ban hành các quy định có tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm, tránh “nhờn” luật.

Cụ thể, các chuyên gia luật cho rằng, ngoài quy định 2 tháng xác minh nguyên nhân lái xe mất GPLX, cơ quan quản lý cấp đổi GPLX, các Sở GTVT phải rà soát, tra cứu xem người đó đã từng có GPLX chưa.

Trường hợp đã có GPLX thì lý do vì sao lại phải xin cấp lại hoặc phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an xem GPLX đó bị tạm giữ ở đâu, nếu trường hợp vi phạm không đến xử lý thì không cấp GPLX mới, để đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt nghiêm minh và hạn chế việc lái xe bỏ GPLX.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty luật Bắc Nam, Đoàn Luật sư Tp Hà Nội nêu ý kiến: "Bộ GTVT và Bộ Công an nên khẩn trương tạo lập hệ thống thông tin về cấp GPLX và xử lý vi phạm giao thông để lực lượng chức năng sử dụng chung cho công tác quản lý giao thông trên cả nước chứ không chỉ riêng một tỉnh thành. Với việc kịp thời có đầy đủ thông tin về người vi phạm chưa đóng phạt, ngành giao thông vận tải sẽ từ chối cấp GPLX mới cho đến khi họ nộp phạt xong".

Bên cạnh đó, theo TS.Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, việc nộp phạt gặp nhiều khó khăn có thể cũng là một lý do khiến người vi phạm không đến lấy GPLX. Bởi vậy, cần nghiên cứu đơn giản hóa quy trình thủ tục nộp phạt, qua đó khuyến khích người dân thực hiện đúng quy trình nộp phạt mà không gặp nhiều bất tiện như có thể đóng phạt trực tuyến, hoặc qua ngân hàng, bưu điện với một mã số tham chiếu.

Ngoài ra, có thể nghiên cứu áp dụng phạt điểm trực tiếp vào GPLX vi phạm trong hệ dữ liệu quốc gia mà không cần trực tiếp tạm giữ GPLX… Quá trình xử lý vi phạm đòi hỏi phải có nhiều bước và cơ quan quản lý nhà nước cần có khả năng tương tác, liên hệ trao đổi với người vi phạm.

Vấn đề này đặt ra yêu cầu không những phải quản lý Chính chủ mà còn cần quản lý với cả những người sử dụng một phương tiện cụ thể theo một địa chỉ cụ thể. Mặt khác, để nâng cao tính răn đe, cơ quan chức năng cần có năng lực cưỡng chế thực thi nếu người vi phạm không thực hiện đúng quy định.

Từ việc thiếu liên kết thông tin giữa các cơ quan chức năng với cơ quan công an là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng người vi phạm giao thông bỏ GPLX, trốn nộp phạt, cho thấy cần sớm có một hệ thống dữ liệu chung về thông tin cấp GPLX và xử lý vi phạm giao thông.

Một số ý kiến đã chia sẻ cùng kênh VOV Giao thông Quốc gia tính cấp thiết và ý nghĩa của hệ thống dữ liệu này để giải quyết hiệu quả tình trạng người vi phạm không đến nộp phạt.

"Đối với việc vi phạm giao thông, khi người dân đến các trung tâm đăng ký thi sát hạch để cấp GPLX mới thì cơ quan này sẽ nhanh chóng rà soát trên hệ thống và nhanh chóng phát hiện người này có bị tạm giữ GPLX hay không. Nếu người dân vi phạm nhiều lần, phải có những hình thức răn đe mạnh như tăng mức xử phạt, từ chối cấp bằng…"

"Nếu xây dựng được hệ thống này sẽ không còn có chuyện cơ quan này thì tạm giữ GPLX, cơ quan nọ lại thản nhiên cấp cái khác hoặc cái mới. Từ đó, CSGT không phải tạm giữ quá nhiều GPLX như hiện nay để rồi phải lo bảo quản và tính thời hạn tiêu hủy".

Thực tế việc hàng chục nghìn GPLX đang được cơ quan chức năng lưu trữ chưa có người nhận đã cho thấy một bất cập về hiệu lực thực thi pháp luật và ảnh hưởng trực tiếp tới ATGT.

Trong khi đó, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm và cưỡng chế thực thi pháp luật là một trong bốn nhân tố không thể thiếu giúp hình thành văn hóa giao thông, bảo đảm trật tự ATGT.

Vì thế, các cơ quan chức năng cần tăng cường sự phối hợp, đặc biệt là giữa các cơ quan ngành GTVT và lực lượng công an. Hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT sẽ phát huy hiệu quả cao nếu tại hiện trường lực lượng CSGT có thể truy cập và sử dụng hệ dữ liệu quốc gia về đăng ký phương tiện, người lái và GPLX với những thông tin cập nhật mới nhất về cá nhân, phương tiện, nơi ở, nơi cất giữ bảo quản phương tiện, thông tin về bảo hiểm, tình trạng đăng kiểm, tình trạng sức khỏe của lái xe...

Ngược lại, các cơ quan chức năng trong ngành GTVT, y tế, bảo hiểm, chính quyền địa phương cũng có thể truy cập vào hệ dữ liệu quốc gia về vi phạm trật tự ATGT, TNGT, đăng ký phương tiện.

Điều này không chỉ giúp công tác xử lý vi phạm đạt hiệu quả mà còn góp phần nâng cao văn hóa giao thông và đảm bảo TTATGT.

Ý kiến của bạn

Bình luận