Ảnh minh họa |
Hà Nội áp dụng xử phạt xe vi phạm qua hệ thống camera từ cuối năm 2015, còn ở TP HCM đã thực hiện từ tận 2013, nhưng đến giờ dường như nhiều người vẫn còn lơ mơ, hoặc họ nghĩ "chuyện thiên hạ, mình chẳng liên quan".
Chạy xe ở Việt Nam vẫn theo thói quen là chính, luật còn tùy lúc, tùy nơi, tùy hoàn cảnh. Có cơ hội ta cứ chạy, nhích ga quá tốc độ giới hạn chút đâu có sao, tặc lưỡi vượt đèn vàng, đèn đỏ vì đường đâu có ai, quay đầu bừa bãi vì đâu có cảnh sát, đỗ xe chỗ cấm chút đâu ảnh hưởng người nào...
Cứ thế, anh này làm được thì bác kia cũng làm được. Người ta nhìn nhau mà phạm luật. Hiếm khi thấy ngó nhau mà tuân theo luật, chắc trừ khi có cảnh sát. Rõ ràng nhiều ngã tư gắn camera, mà mấy người để ý.
Cái camera sinh ra là có lý do, thế giới người ta dùng bao năm nay, và cũng phạt nguội bao năm nay. Nhiều nước nhìn mức phạt thấy chóng mặt, lại thêm kiểu "ép người quá đáng" tính lãi tiền phạt chứ đâu có đơn giản. Nếu không muốn phải nộp cả đống tiền không đâu thì tốt nhất nên nộp phạt ngay khi nhận được giấy báo.
Trở lại chuyện bác chủ xe ở TP HCM. Cái xe thấy bảo có 350 triệu, mà tiền phạt nguội tới 148 triệu. Bỏ qua con số tiền phạt (do cộng dồn nhiều lần), bỏ qua cả quá trình thông báo và thực hiện... vấn đề ở đây là ý thức.
Theo câu chuyện, bác vi phạm tới 49 lần, phần lớn là chạy quá tốc độ. Tức bác đã chạy quen thế rồi, đã thành chuyện thường rồi. Và không chỉ bác, chắc nhiều người cũng thế. Nhưng giờ thì bị bắt quả tang, bị báo lỗi. Chỉ có điều cái hậu quả ngoài tưởng tượng, thành ra to chuyện. Ví như bác tuân thủ luật giao thông, hoặc cùng lắm chỉ vi phạm một vài lần, thì có cộng dồn lỗi cũng chẳng đáng.
Chỉ mong bác và nhiều người khác qua câu chuyện này sửa thói quen, thay đổi ý thức, coi luật là bạn, là người thân, là tính mạng của chính mình. Rồi làm quen với những biện pháp xử phạt vi phạm mới, đừng để thói quen cộng với việc chậm "update" thông tin khiến mình có ngày ngã ngửa vì hậu quả như trên.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.