PGS. TS. BS. Nguyễn Đức Chính xử lý một ca chấn thương tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức |
XÁC ĐỊNH TRÊN BẰNG CHỨNG
Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) tiếp nhận 2.118 bệnh nhân (tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó trường hợp bị TNGT chiếm 556 bệnh nhân (tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2016), 19 trường hợp tử vong do TNGT (tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2016). Nguyên nhân TNGT chủ yếu do xe máy va chạm xe máy, xe máy va chạm xe ô tô và xe máy tự ngã.
Bác sĩ Trương Thế Hiệp - Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “So với cùng kỳ năm 2016, dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 số lượng bệnh nhân có sự gia tăng. Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy là tuyến cuối ở khu vực phía Nam. Khi tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu bị tai nạn thương tích nói chung (trong đó có TNGT) thì nạn nhân thường bị đa chấn thương, chủ yếu bị chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng và chấn thương đa chi”.
Hơn 25 năm khoác áo blouse trắng tại Khoa Cấp cứu, bác sĩ Hiệp chia sẻ: “Những trường hợp bệnh nhân bị TNGT đưa đến cấp cứu chủ yếu do người nhà khai báo nguyên nhân hoặc thông tin từ tuyến dưới chuyển lên rồi bác sĩ ghi vào hồ sơ bệnh án, vì vậy đa phần là phụ thuộc vào người khai báo. Tuy nhiên, có những trường hợp chúng tôi hoàn toàn nhận biết được như nạn nhân bị đa thương nhưng vì một lý do nào đó bệnh nhân vào cấp cứu không khai báo thật. Trường hợp đó, bác sĩ có thể khám và nhận biết được bởi người đánh nhau bằng hung khí sắc nhọn như dao, kéo hay các vật nhọn khác sẽ có đặc trưng riêng như: Vết thương sắc, gọn và sâu, còn bệnh nhân do TNGT thường bị đa chấn thương, có những vết xây xát ngoài da hoặc quần áo rách, dơ bẩn của bụi đường…
Trong quá trình cấp cứu vẫn có những trường hợp khai báo không đúng nguyên nhân, chủ yếu rơi vào tình trạng đâm chém nhau. Những trường hợp bệnh nhân bị tai nạn lao động vào cấp cứu do cơ sở không đủ giấy phép xây dựng hoặc mắc những khiếm khuyết cũng khai báo không trung thực gây khó khăn cho các bác sĩ. Vì vậy, chỉ có những nhà chuyên môn kết hợp với kết quả điều tra của lực lượng công an mới biết được nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, nếu những trường hợp thương tổn nặng do ngã từ độ cao 20m, bệnh nhân thường bị gãy xương chi, chấn thương bụng, những trường hợp này sẽ khác với TNGT vì không bị xây xát hay quần áo rách thì bác sĩ có thể ước lượng nguyên nhân ghi vào hồ sơ bệnh án và bệnh nhân cũng không thể chối được. So với trước đây thì hiện nay đa phần các bệnh nhân vào cấp cứu đều khai đúng nguyên nhân bệnh án.
Những trường hợp khai báo sai lệch như vậy làm ảnh hưởng rất nhiều đến bệnh viện cũng như các cơ quan liên quan. Cụ thể, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, số liệu báo cáo nạn nhân bị thương cấp cứu vào Bệnh viện Chợ Rẫy chênh lệch khá lớn so với số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia.
Qua xác minh, chỉ tính riêng địa bàn TP. Hồ Chí Minh, báo cáo số người bị thương của Bệnh viện Chợ Rẫy và Công an Thành phố chênh lệch lên tới 86 người (số liệu Bệnh viện Chợ Rẫy là 112 người và số liệu Công an 26 người). Lý giải về vấn đề này, Ban ATGT TP. Hồ Chí Minh cho biết, Công an Thành phố chỉ tập hợp, thống kê báo cáo số liệu TNGT đối với các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn Thành phố. Nguyên nhân có sự chênh trên là do các vụ TNGT khi xảy ra thì người dân tự thỏa thuận giải quyết hay người dân tự ngã, tự vào bệnh viện chữa trị, không thông báo cho lực lượng Công an.
Ngoài ra, còn do người dân khai báo sai khi làm thủ tục cấp cứu. Điển hình tại Tây Ninh, sau khi xác minh số liệu theo yêu cầu của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong danh sách 16 bệnh nhân bị TNGT vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong 7 ngày Tết thì chỉ có 1 bệnh nhân là do TNGT trên địa bàn tỉnh. 15 bệnh nhân còn lại không phải là nạn nhân của các vụ TNGT trên địa bàn. Cũng như Tây Ninh, sau khi xác minh lại địa bàn tỉnh Quảng Bình không có nạn nhân TNGT như danh sách được cung cấp. Có thể thấy rằng, việc khai báo không chính xác khi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy là rất lớn.
LỖ HỔNG LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ
Theo PGS. TS. BS. Nguyễn Đức Chính - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cách phân định đâu là TNGT và đâu là tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động là không có cơ sở nào, chủ yếu là dựa trên bằng chứng. Thứ nhất là phân định bằng người đưa nạn nhân đến cấp cứu là CSGT, TTGT. Thứ 2 là do người đi đường hay người đi cùng nạn nhân đưa đến khai báo hay có bằng chứng tham gia giao thông như mũ bảo hiểm, đa chấn thương, quần áo rách, bụi bẩn… Thứ 3 là có những nạn nhân tự đến được bệnh viện bằng taxi, thậm chí là xích lô, nhưng trường hợp này rất hãn hữu, phải dựa vào khai báo của họ làm căn cứ chứ không tìm hiểu sâu.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam nhận định: Báo cáo của ngành Y tế và của CSGT luôn chênh lệch nhau, đây không phải là hiện tượng mới. Nhưng số liệu lệch nhau sẽ làm cho cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách sẽ dự báo nhầm, sai với thực tế. Đặc biệt, mục tiêu kéo giảm TNGT sẽkhó hoàn thành nếu như dữ liệu đầu vào không chuẩn. |
Trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận 579 ca cấp cứu do TNGT, trong đó có 314 ca chấn thương sọ não và 63 trường hợp TNGT có nồng độ cồn trong máu. Trung bình một ngày, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu cho khoảng 100 trường hợp tai nạn thương tích, số TNGT có những ngày cao điểm chiếm đến 90 trường hợp, còn thông thường chiếm khoảng 60 - 70%; tiếp theo là về tai nạn lao động, thông thường chiếm khoảng 5 - 6 ca, số còn lại là tai nạn về sinh hoạt và tai nạn bạo lực.
“Chúng tôi chỉ tìm hiểu sâu khi nạn nhân có dấu hiệu bạo lực. Bởi vì có những trường hợp có dấu hiệu bạo lực, đánh chém nhau nhưng vẫn khai báo là do TNGT, do tai nạn lao động. Hay gặp nhất là những trường hợp vết thương tay, chân do vật rất sắc nhọn gây ra. Những trường hợp như vậy hầu như có thể khẳng định bằng mắt và liên quan đến pháp lý, những trường hợp như vậy sẽ có người đến điều tra để làm rõtrước pháp luật. Các bác sĩ chủ yếu quan tâm đến chăm sóc và cứu chữa nạn nhân chứ không hỏi kỹ về điều đó. Thông thường khi tiến hành cấp cứu, bác sĩ sẽ hỏi những nguyên nhân tai nạn do sử dụng phương tiện gì hay người bị cấp cứu là nạn nhân hay người gây ra tai nạn”, BS. Chính chia sẻ.
Theo BS. Chính, trước đây Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) quy định rất nghiêm ngặt để được thanh toán người bị TNGT cần đủ giấy tờ bệnh viện, giấy tờ xác minh của Công an là không vi phạm giao thông, không có nồng độ cồn trong máu, những người bị TNGT nếu xác định là vi phạm luật ATGT thì sẽ không được BHYT thanh toán. Trên thực tế, việc điều tra ai vi phạm pháp luật trong các vụ TNGT khá khó khăn. Thậm chí, điều tra ra cũng không đòi người bệnh hoàn được tiền họ đã được chi trả. Trong khi đó, bệnh nhân bị TNGT không vi phạm luật lại bị phiền hà vì thủ tục hành chính. Do đó, khi thay đổi luật đã bỏ những thủ tục này nhưng lại tạo ra lỗ hổng, sinh ra hiện tượng khai báo sai nguyên nhân bị nạn của nạn nhân.
Vì có lỗ hổng trong Luật BHYT nên đã có rất nhiều trường hợp lách luật, khai báo giả để có chi phí từ bảo hiểm. Thực chất, bệnh viện cũng gặp khó khăn trong vấn đề này.
“Bản thân tôi đã từng giải quyết trường hợp như thế này. CSGT đã nhiều lần vào bệnh viện để xác minh, xác định nạn nhân có vi phạm hay không đều phải phụ thuộc vào camera giao thông, nhân chứng hiện trường. Còn một bằng chứng nữa là dựa trên xét nghiệm nồng độ cồn. Theo thông tư hướng dẫn, có 4 đối tượng xét nghiệm nồng độ cồn: Thứ nhất là do Công an yêu cầu, thứ hai là do người tham gia giao thông nghi ngờ vi phạm, thứ ba là do người ở trong cùng vụ tai nạn yêu cầu và cuối cùng là do bác sĩ yêu cầu để phục vụ điều trị. Kết quả xét nghiệm sẽ là bằng chứng chống lại người nói dối”, BS. Chính cho biết.
Liên quan đến vấn đề chênh lệch số liệu người tử vong và bị thương do TNGT giữa bệnh viện và các cơ quan liên quan, PGS. TS. BS. Nguyễn Đức Chính phân tích, theo văn hóa của các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, khi nạn nhân hấp hối thường gia đình sẽ xin về, không để tử vong ở bệnh viện. Thông thường, số liệu người tử vong thường lấy của CSGT, bệnh viện nhưng khi nạn nhân xin về thì lại tính vào số liệu của địa phương. Đồng thời, hiện nay số liệu mới chỉ lấy những trường hợp tử vong tại hiện trường. Trong khi đó, còn có rất nhiều trường hợp ban đầu nhập viện do TNGT, nằm điều trị tại bệnh viện thời gian dài và chết do biến chứng. Những trường hợp như vậy làm chênh lệch số liệu giữa các cơ quan liên quan
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.