Cải tạo hạ tầng để giảm thiểu TNGT tại Cao Bằng, Lạng Sơn

Giao thông 24h 02/03/2021 06:01

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện khẳng định, việc cải tạo hạ tầng giao thông sẽ giúp giảm thiểu TNGT bền vững, đã được thực hiện tại Cao Bằng, Lạng Sơn.


Nhiều giải pháp hữu hiệu

Ngày 1/3, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã thị sát công tác đảm bảo ATGT, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT dọc tuyến các tuyến quốc lộ trên địa phận 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.

Chia sẻ với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Bằng Giang – Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật và Quản lý giao thông, Sở GTVT Cao Bằng cho biết, với đặc thù miền núi, hệ thống giao thông đường bộ của Cao Bằng có nhiều đoạn tuyến đèo dốc quanh co, độ dốc lớn, cua gấp,… Những năm trước đây, TNGT diễn ra rất nhiều, đặc biệt là xe container mất phanh, mất lái khi đổ đèo,…

2
Đường cứu nạn và hộ lan xoay tại đèo Khau Múc, quốc lộ 34, tỉnh Cao Bằng.

Dẫn giải minh chứng cho hiệu quả của giải pháp đường cứu nạn và hộ lan xoay chuyển hướng tại đèo Khau Múc, quốc lộ 34, ông Giang cho biết, năm 2018 đã xảy ra 12 vụ TNGT tại tuyến này khiến 17 người bị thương. Từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2018 đã triển khai thi công và hoàn thành đường cứu nạn và hộ lan xoay tại tuyến. Năm 2019, trên tuyến chỉ còn 5 vụ TNGT, không có người bị thương. Năm 2020 có 4 vụ TNGT khiến 1 người bị thương. Như vậy, trong cả 2 năm 2019 và 2020 chỉ có 9 vụ TNGT và 1 người bị thương, trong khi riêng năm liền kề trước đó là 2018 có tới 12 vụ và 17 người bị thương.

Lý giải thêm, ông Giang cho biết, tai nạn chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại về tài sản phương tiện, song,  2 giải pháp đã khẳng định hiệu quả về bảo vệ mạng sống và sức khỏe của người trên phương tiện gặp nạn. Cũng theo ông Giang, 2 giải pháp này là sáng kiến trong nước, trong khi quốc tế có nhiều nước áp dụng công nghệ tương tự hiện đại hơn nhưng giá thành cũng cao hơn có thể lên tới hàng chục lần.

3
Hệ thống hộ lan xoay được cấu thành từ việc tận dụng lốp xe đã qua sử dụng, đổ cát bên trong lốp, làm trụ, đảm bảo khi xe tan nạn va chạm vào thì hộ lan có thể xoay, giảm chấn nhằm giảm thiểu hậu quả của TNGT.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ông Đỗ Viết Tâm – cán bộ Phòng ATGT, Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn cho biết, Km17 QL4A trước đây thường xuyên xảy ra TNGT. Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN đã rất quan tâm và cho triển khai xử lý điểm đen. Sau quá trình triển khai, đoạn cong cua được mở rộng, đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật, khắc phục các hạn chế cong cua, chiều rộng mặt đường,… Nhờ đó, cải thiện rõ rệt về ATGT, có thể kể đến là va chạm giữa các xe đi ngược chiều nhau, TNGT không còn xảy ra.

6
Khúc cong cua được mở rộng tại Km17 QL4A, tỉnh Lạng Sơn.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Lăng – Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục ĐBVN cho biết, thực trạng hiện nay trên nhiều tuyến quốc lộ là xe container được phép lưu hành dài 20m, do chiều rộng mặt đường hẹp nên khi vào khúc cong cua gần như đầu xe thì ở phần đường bên này, còn đuôi xe lại ở phần đường ngược lại. Cùng với đó, trên các tuyến đều là giao thông hỗn hợp, trong khi xe container có điểm mù rất lớn, vì vậy thường xảy ra tai nạn đối đầu cũng như va chạm giữa các phương tiện lưu thông cùng chiều. Để giải quyết vấn đề này, cần cải tạo các đoạn cong cua với độ mở rộng đường cong, mở rộng tầm nhìn,… tính cho xe dài 20m để giảm thiểu TNGT cũng như các yếu tố kể trên tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới TNGT.

1
Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN đã rất quan tâm và cho triển khai xử lý điểm đen tại Lạng Sơn.
8
Việc mở rộng đã cải thiện rõ rệt về ATGT, có thể kể đến là va chạm giữa các xe đi ngược chiều nhau, TNGT không còn xảy ra.
9
 

Nền tảng bền vững giảm thiểu TNGT

Qua quá trình kiểm tra, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện khẳng định, hiện 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng thực hiện công tác đảm bảo TTATGT tương đối tốt, đặc biệt là đã xử lý khá triệt để điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện, có thể dễ dàng nhận thấy là nỗ lực triển khai các dự án mở rộng mặt đường ở các điểm cong cua trên đèo dốc nguy hiểm, đặc biệt là giải pháp xây dựng đường cứu nạn và hộ lan xoay chuyển hướng tại các khúc cua. Đây là 2 giải pháp có chi phí đầu tư rất thấp nhưng mang lại hiệu quả rất cao khi giữ được mạng sống cho người dân khi phương tiện giao thông gặp nạn và thực tế đã chứng minh rất rõ nét.

THH_4970
Cũng tại chuyến công tác, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn đã phát động phong trào Tết trồng cây làm theo lời Bác, nâng cao ATGT đường bộ.

Trong 5 năm qua, Tổng cục đã xử lý gần 1.500 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, con số này đã thể hiện cho sự quyết liệt của toàn ngành. Đến nay, hết năm nào là xóa hết ngay điểm đen TNGT phát sinh trong năm đó. Hiện, mỗi năm phát sinh khoảng từ 70 đến 80 điểm đen/năm. Về điểm tiềm ẩn hiện chủ yếu không phát sinh và đang được xóa bỏ dần dần, vì vậy, trong thời gian tới, điểm tiềm ẩn sẽ tiếp tục được kéo giảm.

“Phát huy thành quả của những năm qua, trong giai đoạn 2021-2025 tới đây, chúng tôi sẽ làm triệt để các điểm đen phát sinh, cũng như tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, ngoài việc xử lý điểm đen, chúng tôi cũng sẽ xử lý các điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Tôi tin rằng, khi chúng ta xử lý được các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT bằng các giải pháp hiện có như đường cứu nạn, hộ lan xoay chuyển hướng, giảm độ dốc, mở rộng làn đường,… thì chất lượng hạ tầng giao thông sẽ được nâng cao. Cần phải khẳng định rằng, việc cải tạo hạ tầng hiện có là một then chốt để giảm thiểu TNGT mạnh mẽ hơn cả về số vụ, số người chết và số người bị thương”, ông Nguyễn Văn Huyện bày tỏ. 

Ý kiến của bạn

Bình luận