Cam kết hành động để bảo vệ môi trường biển khu vực ASEAN

Tác giả: M.Thành

saosaosaosaosao
Xã hội 25/10/2022 11:04

Khu vực Đông Nam Á bao gồm các đường bờ biển rộng lớn và khoảng 30% không gian biển trên thế giới thuộc quyền tài phán của các quốc gia Đông Nam Á, do vậy các quốc gia trong khu vực ASEAN có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái biển trong khu vực và thế giới.

Sáng nay (25/10), tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra Hội nghị cấp cao lần thứ 3 của Dự án Bảo vệ môi trường biển các nước Đông Nam Á (MEPSEAS). Hội nghị kết hợp với khảo sát thực địa, tham quan sẽ diễn ra từ 25 – 27/10.

Hội nghị có sự tham dự của Tiến sĩ Jose Matheickal - Trưởng Ban Dự án và quan hệ đối tác, Tổ chức Hàng hải quôc tế cùng các đại biểu quốc tế từ các quốc gia hưởng lợi từ dự án gồm: Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippine và Thái Lan; cũng như đại diện các tổ chức quốc tế như Tổ chức các đối tác về quản lý môi trường biển Đông Á (PEMSEA), Tổ chức hợp tác kiểm tra nhà nước cảng biển khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (Tokyo-MoU), Hiệp hội phụ nữ hàng hải ASEAN (WIMA Asia), Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad); Chính quyền cảng và hàng hải Singapore.

Cam kết hành động để bảo vệ môi trường biển khu vực ASEAN

 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang (giữa) tham dự hội nghị và có bài phát biểu khai mạc

Tại hội nghị, các nước tham gia (Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam), nhóm Dự án (PCU) và các đối tác chiến lược sẽ điểm lại các kết quả và thành tựu đáng chú ý cũng như cách duy trì các công việc trong bối cảnh những thách thức do đại dịch covid-19 mang lại.

Các quốc gia cũng sẽ cung cấp thông tin cập nhật về các hoạt động được thực hiện dựa trên Kế hoạch Hành động Quốc gia (NAP); Cập nhật về hoạt động của các Đối tác chiến lược.

Các đối tác chiến lược sẽ đưa ra các kế hoạch (nếu có) để có thể tiếp tục hỗ trợ các nước tham gia trong phạm vi lĩnh vực hoạt động và chương trình của mình trong bối cảnh bảo vệ môi trường biển.

Ngoài ra, các nước tham gia thông qua Tuyên bố Dự án MEPSEAS. Đây là tài liệu ghi nhận những đóng góp của dự án về cách các nước tiến hành phê chuẩn và thực hiện các công ước IMO ưu tiên liên quan đến bảo vệ môi trường biển. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, trong 3 năm qua, các hoạt động trong dự án MEPSEAS đã mang lại những thay đổi rõ rệt trong việc quản lý và thực thi các Công ước IMO về bảo vệ môi trường biển tại 6 quốc gia tham gia dự án, trong đó có việc triển khai có hiệu quả Công ước Quốc tế về Phòng ngừa Ô nhiễm từ Tàu (Công ước MARPOL); Công ước quốc tế về kiểm soát các hệ thống chống hà độc hại của tàu; Công ước London và Nghị định thư London về phòng ngừa ô nhiễm biển do xả chất thải và các chất khác; và Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu (Công ước BWM 2004).

Bộ GTVT Việt Nam hiện đang xây dựng hồ sơ để trình Chính phủ đề xuất gia nhập Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu (Công ước BWM 2004), dự kiến sẽ hoàn tất cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Cam kết hành động để bảo vệ môi trường biển khu vực ASEAN

 - Ảnh 2.

Hội nghị cấp cao lần thứ 3 của Dự án Bảo vệ môi trường biển các nước Đông Nam Á (MEPSEAS) kết hợp với khảo sát thực địa, tham quan sẽ diễn ra từ 25 – 27/10

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, khu vực Đông Nam Á bao gồm các đường bờ biển rộng lớn và khoảng 30% không gian biển trên thế giới thuộc quyền tài phán của các quốc gia Đông Nam Á, do vậy, các quốc gia trong khu vực ASEAN có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái biển trong khu vực và thế giới.  Các hệ sinh thái biển và ven biển của khu vực này là một trong những hệ thống dồi dào và có năng suất cao nhất thế giới, có tầm quan trọng lớn đối với kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, hoạt động vận tải trên biển đang ngày càng phát triển rộng lớn về quy mô và số lượng đồng nghĩa với những mối nguy hại tới môi trường biển cũng gia tăng theo.

"Vận tải biển là xương sống của thương mại quốc tế và nền kinh tế toàn cầu. Hơn 80% khối lượng hàng hóa thương mại quốc tế được vận chuyển bằng đường biển. Trong khối ASEAN, vận tải biển không chỉ đóng vai trò kết vận chuyển hàng hóa thương mại của khối với các khu vực trên thế giới mà còn là yếu tố quan trọng giúp tăng cường kết nối các nước thành viên, hướng tới đạt được thị trường vận tải biển chung ASEAN – một trong những mục tiêu quan trọng của Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Do vậy, việc tăng cường hợp tác hàng hải giữa khối ASEAN và IMO là một trong những nội dung chúng ta cần đẩy mạnh trong thời gian tới. Tôi cho rằng, không chỉ 06 nước tham gia dự án MEPSEAS mà toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN cần trao đổi nhằm đề xuất thiết lập cơ chế hợp tác chính thức giữa ASEAN và IMO, để các quốc gia thành viên ASEAN có thêm cơ hội và điều kiện tham gia sâu hơn vào các dự án/hoạt động của IMO trên các lĩnh vực của ngành hàng hải, trong đó có lĩnh vực bảo vệ môi trường biển.

Về phía Việt Nam, chúng tôi cam kết nỗ lực hết sức để có thể thúc đẩy việc phê chuẩn Công ước BWM 2004 sớm cũng như triển khai hiệu quả các Công ước quốc tế khác của IMO mà Việt Nam đã được hỗ trợ từ dự án MEPSEAS", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang phát biểu.